Giọng cười hào sảng Nguyễn Khắc Trường

ANTĐ - Tôi gặp Nguyễn Khắc Trường lần đầu tiên năm 2002 trong hoàn cảnh khá đặc biệt: Ông là giám khảo, còn tôi là thí sinh trong đợt sát hạch tác phẩm dự thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 7.

Dáng người cao lớn, vầng trán cao, mắt sáng, mày dài, miệng rộng, từ con người ông toát lên vẻ cường tráng cả về thể lực lẫn trí tuệ. Ban Giám khảo gồm 5 người, trong khi 4 vị kia thay nhau đặt câu hỏi cho tôi về quan niệm văn chương, động cơ sáng tác… thì Nguyễn Khắc Trường chỉ hỏi tôi một câu: “Này, trong truyện Người về cất nước sông Gianh, cái chi tiết chàng trai mỗi năm lại cùng mẹ bơi thuyền ra chỗ cha hy sinh trong lần phá thủy lôi Mỹ thả phong tỏa phà Gianh, là do cậu bịa hay thật?”. Tôi lúng túng mất mấy giây và đáp: “Dạ… thế… thầy thấy nó có… như thật không?”. Trước câu “đáp xoáy” của tôi, cứ tưởng Nguyễn Khắc Trường sẽ phật ý mà hạ điểm tôi, nhưng không. Ông cất giọng cười. Một giọng cười ngân sang sảng nhưng ấm áp, độ lượng. 

Tôi quá ấn tượng về con người có giọng cười này nên bắt đầu tìm hiểu về ông. Tôi đọc hầu hết tác phẩm của ông. Nhiều người cho rằng Nguyễn Khắc Trường chỉ thành công ở tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, một tác phẩm được coi là “nhất bản vạn lợi” đối với Nguyễn Khắc Trường. Nhưng tôi lại cực kì ám ảnh bởi bút kí Gặp lại anh hùng Núp của ông. Với tôi, đây là một bút kí thuộc hàng hay nhất của văn học Việt Nam.

Nguyễn Khắc Trường đã vô cùng khéo léo khi chỉ lấy nhân vật Đinh Núp làm điểm tựa trung tâm để triển khai ý tưởng và dựng lại  cả một không gian mênh mông cùng thời gian ngút ngát hàng trăm năm với ăm ắp chi tiết sinh động về cảnh sắc, phong tục tập quán của đồng bào Tây Nguyên suốt từ những ngày theo nghĩa quân Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, thời các linh mục người Pháp lên Tây Nguyên truyền đạo, rồi những ngày đánh Pháp, đuổi Mỹ cho đến sau giải phóng… Một bút kí tầng tầng lớp lớp ý nghĩa mà vẫn cô đọng, cuốn hút. Tôi đã ở Tây Nguyên gần hai chục năm, tự nhận là khá hiểu mảnh đất này, vậy mà đã phải choáng ngợp về sự hiểu biết sâu rộng và bút pháp tài hoa của Nguyễn Khắc Trường. Tôi hiểu ông phải lăn lộn hàng tháng trời khắp các buôn làng, phải gặp gỡ hàng trăm nhân vật, phải đọc cả một khối lượng sách khổng lồ để tinh chắt ra một tác phẩm chừng vạn chữ nhưng có sức khái quát ghê gớm về Tây Nguyên. Tôi kính trọng tác phong lao động nhà văn của Nguyễn Khắc Trường và học được rất nhiều từ tác phẩm này.

Bốn năm sau, năm 2006 lần thứ hai tôi được gặp Nguyễn Khắc Trường trong ngày bảo vệ tốt nghiệp. Ông là người phản biện tác phẩm của tôi, nhưng cũng chỉ hỏi một câu: “Này, cậu đã ưng ý với tiểu thuyết này chưa?”. “Dạ… chưa”. Nghe tôi trả lời thành thật, Nguyễn Khắc Trường cất giọng cười. Giọng cười nhỏ nhưng âm vang, hàm ý cổ vũ và khích lệ.

Khi về làm việc ở Ban Văn xuôi của Văn nghệ Quân đội, nơi Nguyễn Khắc Trường  từng công tác, tôi đã được nghe nhiều giai thoại về ông. Nào là chuyện Nguyễn Khắc Trường mỗi khi nộp bài đều kèm một câu “ông không phải đọc đâu, chỉ có kí thôi”. Nào là thời Nguyễn Khắc Trường làm biên tập viên văn xuôi là thời vị tổng biên tập… buồn nhất, vì không còn cơ hội để thò bút vào bản thảo để thêm bớt được chút gì, dẫu chỉ là một… dấu phẩy. Nào là chuyện Nguyễn Khắc Trường không biết đi xe máy, vì hễ ông cứ ngồi lên chiếc xe nào là chiếc xe ấy… nổ lốp vì không chịu nổi trọng lượng của ông. Nào là nhân vật bà Son, người phụ nữ xinh đẹp trong Mảnh đất lắm người nhiều ma được xây dựng từ nguyên mẫu là... cô bán thịt lợn ở chợ Hòe Nhai…

Cuối năm 2011, nhà văn Sương Nguyệt Minh nảy ra ý tưởng liên hoan gặp mặt Ban Văn xuôi Văn nghệ Quân đội các thời kì, gồm Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường và mấy anh em biên tập viên trẻ đang tại nhiệm. Nguyễn Khắc Trường đã nghỉ hưu ở quận Thanh Xuân, nhưng khi được “thỉnh”, ông sốt sắng bỏ ra mấy trăm nghìn đồng đi taxi lên ngay. Trong không khí thân tình, khi được hỏi về những giai thoại kia, Nguyễn Khắc Trường không thanh minh, giải thích gì, mà đáp lại bằng… một tràng cười. Ông cười rung ghế. Cười chảy nước mắt. Giọng cười sảng khoái chuyển một thông điệp hóm hỉnh rằng, các cậu muốn hiểu thế nào cũng được.

Tôi giãi bày: “Bác ạ! Từ lâu em đã cố công giải mã giọng cười của bác... Phải có triết lí sống như thế nào mới có giọng cười như thế?”. Nguyễn Khắc Trường rút mùi xoa chấm mắt, cất giọng rền vang: “Triết lí sống của tớ là cứ sống cho thật tốt, làm việc cho thật hết mình”. Hỏi, bác đã chuyển nhiều cơ quan, toàn cơ quan báo chí văn chương với nhiều mối quan hệ phức tạp, chả nhẽ bác không bị đố kị ghen ghét? Đáp: “Có chứ. Nhưng tớ là tớ không thèm chấp ba cái lặt vặt ấy”. Hỏi, thế bác có đố kị ghen ghét ai không? Đáp: “Làm sao tớ phải đố kị? Văn chương trời cho ai người ấy được. Thấy bạn mình viết hay, các tác giả trẻ viết hay là mình phải mừng chứ!”. Hỏi, có cảm giác là bác không bao giờ biết buồn nhỉ? Đáp: “Làm sao tớ phải buồn? Này nhé, về văn chương thì… tớ nổi tiếng. Về gia đình tớ thì… vợ đẹp, các con ngoan ngoãn trưởng thành. Về chức vụ thì tớ đã làm tới chức Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, toàn cơ quan oách cả… Một đời người được như thế còn mong gì hơn?”.

Thấy Nguyễn Khắc Trường cởi mở, tôi hấp háy nhìn ngụ ý rồi đưa tay túm đầu gối ông lắc lắc: “Thế còn cái… phong độ của bác thế nào ạ?” . “Ồ… tất cả các cơ quan chức năng tuy đã sáu mươi lăm năm nhưng vẫn còn… chạy tốt!”.

Và ông lại cất giọng cười. Giọng cười trong veo vô tư bừng tỏa của vị nhà văn có vóc dáng như một ông hộ pháp hiền lành gợi cho người đối diện cảm giác ấm áp và gần gũi lạ.