Giới trẻ Trung Quốc quay cuồng trong vòng xoáy "văn hóa làm việc 996"

ANTD.VN - Cuộc sống ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) về đêm vô cùng sôi động, đầy sức cuốn hút với những thanh niên trẻ tuổi. Tuy nhiên, Li Zhepeng (25 tuổi) không thể tận hưởng bất kỳ điều gì. Li Zhepeng cũng giống như rất nhiều người trẻ tuổi khác ở Trung Quốc phải quay cuồng trong vòng xoáy công việc với “văn hóa làm việc 996” - làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. 

Một số lao động trẻ Trung Quốc đã kiện công ty về “văn hóa làm việc 996”

Liên tục “nhảy” việc tìm cơ hội phát triển  

Li Zhepeng gần như dành thời gian cả ngày để làm việc. Anh ra khỏi nhà lúc 9h sáng, đến công ty ở ngoại ô sau 90 phút di chuyển. Anh về nhà khi đồng hồ đã chỉ quá 21h.

“Đó là văn hóa công việc 996 trong thời đại này”, anh Li Zhepeng  nói. Anh là một nhân viên mới trong công ty chuyên về thương mại điện tử. Nhiệm vụ của Li là đăng tải thông tin về sản phẩm đồ chơi trẻ em và ba lô. Li dự kiến sẽ làm việc tại nhà vào chủ nhật để trả lời câu hỏi của khách hàng từ Australia, châu Âu hoặc Mỹ.   

Li Zhepeng nhận được mức lương 3.500 nhân dân tệ/tháng (khoảng 560 USD). Số tiền này chưa đủ để thuê căn hộ một phòng ngủ bên ngoài trung tâm thành phố. Chính vì vậy, Li Zhepeng chia sẻ một căn hộ nhỏ với 3 người bạn khác.

Li nói rằng, anh không thể đòi hỏi công việc với mức lương cao hơn vì anh tốt nghiệp một trường đại học không danh tiếng. Chuyên ngành tiếng Anh mà Li theo học không phải là lĩnh vực thời thượng như khoa học hay công nghệ. Nhiều bạn bè của Li còn thất nghiệp sau khi ra trường. 

Li Zhepeng cho biết, anh không phải người chấp nhận làm việc suốt ngày đêm. “Bạn làm việc suốt ngày đêm và điều bạn nhận lại là sự mệt mỏi. Nhưng nếu phàn nàn, công ty sẽ trả lời: “Anh có thể tìm công việc khác”. Vì vậy, tôi đã quyết định “nhảy” việc”, Li Zhepeng nói. Công ty thứ 2 Li nộp đơn phỏng vấn cũng là một công ty thương mại điện tử.

Li đã quyết định đề đạt và được giám đốc công ty đồng ý về yêu cầu công việc cũng như thời gian làm việc. “Hầu hết các đồng nghiệp nói tôi có hành động dũng cảm và là thần tượng của họ”, Li hào hứng kể lại. Tuy nhiên, Li lại quyết định nhảy việc lần thứ ba. Anh muốn một công việc có ý nghĩa, lương cao hoặc ít nhất là có cơ hội để phát triển. Li rời bỏ công việc sau khoảng 3 tháng với lý do công việc không làm anh hạnh phúc và không thể hòa hợp với lãnh đạo của mình.

Lịch làm việc 996 là trái luật 

Theo các chuyên gia, có những lý do lịch sử đằng sau sự xuất hiện của “văn hóa làm việc 996”. Khi công nghệ bắt đầu phát triển và xuất hiện nhiều công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc vào đầu những năm 2000, hầu hết các công ty đều tìm kiếm nhân viên sẵn sàng làm việc suốt ngày đêm. Điều đó đã giúp nhiều công ty phát triển nhanh chóng, trở thành công ty lớn của đất nước. Công ty Công nghệ Tencent là một ví dụ.

Hiện nay, Tencent là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới. “Trong 10, 15 năm qua, văn hóa làm việc ở Trung Quốc có những thay đổi mạnh mẽ. Các công ty công nghệ cao của Trung Quốc là những người sử dụng lao động làm thêm giờ đầu tiên. Tiếp theo đó, công ty trong các lĩnh vực khác cũng bắt đầu yêu cầu nhân viên làm việc nhiều hơn để tăng doanh thu”, William Bao Bean, nhà đầu tư mạo hiểm kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Chinaccelerator nhận định.

Theo Zhang Xiaolin, một cố vấn pháp lý cấp cao tại Công ty Wusong Network Technology và Công ty Đầu tư mạo hiểm China Growth Capital thì một số lao động trẻ đã kiện công ty về “văn hóa làm việc 996”. “Về mặt lý thuyết, lịch làm việc 996 là trái luật. Một số loại hình công việc có thể xin phép các cơ quan chức năng cho làm việc kiểu 996.

Ví dụ, phi công hoặc một số vị trí trong ngành Đường sắt có thể làm việc dài hơn 8 giờ so với quy định của luật pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp thương mại điện tử không được phép. Vì vậy, trong tranh chấp pháp lý này, người lao động có nhiều lợi thế”, Zhang Xiaolin nói và khẳng định rằng vấn đề không chỉ là giờ làm mà còn là tiền lương. Hơn 40% doanh nghiệp không nói rõ vấn đề lương làm thêm giờ khi phỏng vấn. 

“Những người trẻ tuổi không muốn làm thêm giờ bởi họ tự chủ hơn trong công việc. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã làm tăng số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Theo thống kê có gần 70% dân số sống tại các vùng đô thị có thu nhập từ từ 9.000 đến 34.000 USD/năm. Ngoài ra, số đông người trẻ có được sự hỗ trợ từ gia đình nên họ sẽ không chấp nhận làm việc 12 tiếng mỗi ngày”.

   Li Jupeng (Chuyên gia về quyền lao động Trung Quốc)