Giới trẻ ngày càng "yêu nhanh, cưới gấp, ly hôn sớm"

ANTĐ - Số cặp vợ chồng trẻ ra tòa ly hôn ngày càng nhiều đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, con số này tăng nhanh hơn. Từ số liệu trên đặt ra câu hỏi “giới trẻ hiện nay có coi nhẹ gia đình”?

Câu chuyện từ những đám cưới vội

Mấy ngày nay, gia đình bà Mai (Nghĩa Đô, Hà Nội) đang trở nên rối loạn vì vợ chồng người con trai mới cưới cuối năm ngoái lại đòi ra tòa. Lý do đơn giản nhất “hai đứa cảm thấy vội vàng khi đã đến với nhau”.

Mặc dù, con trai bà Mai lấy người con gái đã yêu nhau 8 năm nhưng họ vẫn ra tòa vì không hợp. Hai vợ chồng đều học cùng cấp III, yêu nhau từ ngày vào đại học. Bà Mai trần tình "Con dâu tôi  sang Úc du học sau khi tốt nghiệp đại học nhưng tình cảm của hai đứa vẫn thắm thiết. Cuối năm ngoái khi nó về nước, thằng con trai về nhà bảo bố mẹ cưới vợ ngay. Thấy bọn trẻ quấn quýt nên hai gia đình tổ chức đám cưới luôn trong năm".

Bà Mai than thở “cứ tưởng hai đứa sẽ gắn bó với nhau đến già, ai ngờ hai vợ chồng trẻ luôn cãi vã từ những việc nhỏ nhất và khi không thể hòa hợp được những điều tồn tại trong gia đình nhỏ họ quyết định đường ai nấy đi. Tôi chỉ thấy lo cho bọn trẻ, nó quá nóng vội trong mọi chuyện, vừa mới vào đời đã vội vấp ngã, đổ vỡ hôn nhân sẽ khiến chúng không còn niềm tin vào mái ấm gia đình”.

Giới trẻ không cần quá cam chịu và sẵn sàng ra tòa
Giới trẻ không cần quá cam chịu và sẵn sàng ra tòa

Cả hai vợ chồng con trai bà cãi nhau từ việc quần áo bừa bãi, chuyện mùi hôi chân của chồng, chuyện ai rửa bát, ai đi chơi... Những tranh cãi đó không bao giờ dừng lại. "Có lẽ những tranh cãi đó chỉ kết thúc ở phiên tòa ly hôn" bà Mai chán nản khi nghĩ về cuộc hôn nhân của cậu con trai.

Minh và Ánh (Tân Mai, Hà Nội) mới quen nhau chưa đầy 3 tháng thì Ánh đã mang thai hai tháng. Hai gia đình vội vàng tổ chức cưới chạy cho con trẻ. Từ ngày lấy nhau cả Minh và Anh đều cảm thấy không hợp. Những trận chiến của họ tưởng chừng không bao giờ hết đã kết thúc tại phiên tòa xử ly hôn 1 năm sau đó.

Cặp vợ chồng Hường – Bình (Kiến Xương, Thái Bình) có thời gian 3 năm tìm hiểu nhưng khi thành vợ thành chồng họ thường xuyên cãi vã. Hường và Bình đều làm công nhân, từ ngày có con vợ chồng nghỉ về quê làm việc lặt vặt. Hường chắt chiu trong khi Bình suốt ngày lêu lổng, ăn chơi. Không chịu nổi cái tính thiếu trách nhiệm với gia đình của Bình, Hường đã viết đơn ly hôn. Sau nhiều lần gửi đơn lên tòa, lại lên rút về cuối cùng họ quyết định chia tay sau hai năm sống chung.

Thiếu kỹ năng làm vợ, làm chồng

Hiện nay nhiều người cho rằng giới trẻ có thực sự coi trọng gia đình hay sống theo kiểu yêu nhanh, lấy gấp và ra tòa vội.

Một nhóm bác sĩ có tuổi trung niên công tác trong Bệnh viện Nhi Trung ương trong một lần gặp mặt nhau đã xôn xao về chuyện giới trẻ hiện nay. Những vị bác sĩ này đều mạnh mẽ trao đổi về thế hệ trẻ 8X, 9X. Họ suy ra từ chính con cái của mình và những trường hợp họ đã gặp. Tất cả đều có chung một suy nghĩ về một xu hướng đó là “giới trẻ hiện nay không quá quan tâm đến chuyện gia đình phải có đủ cả bố và mẹ, họ sẵn sàng sống độc thân chỉ cần bản thân họ cảm thấy thoải mái”.

Quan niệm về tình dục của giới trẻ đã trở nên quá thoáng. Họ cho rằng để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, không nhất thiết cứ phải có vợ, có chồng.

Cùng ý kiến đó, theo chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa (Chuyên gia tư vấn tâm lý trên tổng đài 1088 -  nhà nghiên cứu tâm lý với hơn 20 cuốn sách về tâm lý trẻ đã được xuất bản) nguyên nhân gia đình trẻ  dễ đổ vỡ có thể suy nghĩ giới trẻ hiện nay đang xem nhẹ hạnh phúc gia đình, ích kỷ không chấp nhận cuộc sống gò bó, không cam chịu như những thế hệ trước đó. Họ không cam chịu, chấp nhận, sẵn sàng đi ra ngoài tìm một “đối tác” mới.

Ông Hòa cho biết đó chỉ là một nguyên nhân nhỏ, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là giới trẻ thế kỷ XXI thiếu kỹ năng làm chồng, làm vợ. Kỹ năng đó cần được họ từ nhiều khía cạnh, những lớp tiền hôn nhân chỉ là một nguồn. Hiện nay tất cả các nguồn đó đều rất yếu, chưa đi vào thực tiễn.

Theo thống kê hiện tượng ly hôn ở gia đình trẻ đang gia tăng mạnh mẽ đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Con số thống kê này đã đặt ra trong thời kỳ mở cửa họ đã tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, phong cách sống hiện đại của phương tây. Nếu không có một cách ứng xử mới dành cho lớp trẻ, họ sẽ rất dễ thích nghi và cũng dễ thay đổi.

Khi cuộc sống hôn nhân không hòa hợp họ bạo hành nhau về mặt tinh thần là chính thay vì đánh đấm. Đơn giản vì giới trẻ đã hiểu rõ “đánh vợ là phạm luật”. Vấn đề nam giới bị bạo hành về tinh thần cũng nhiều nhưng không đáng lo ngại bằng đàn ông bạo hành phụ nữ về thể xác, tinh thần về gia đình.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất đang tư vấn về kỹ năng sống cho một thanh niên
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất đang tư vấn về kỹ năng sống cho một thanh niên

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty An Việt Sơn) khẳng định trong năm năm chung sống giới trẻ không hòa hợp nhau sẽ dễ dẫn đến đổ vỡ. Lý giải điều này ông Chất đánh giá “giới trẻ hiện nay chuẩn bị cho đám cưới của mình rất lớn, rất lâu nhưng họ lại quên đi việc chuẩn bị vốn sống cho thời gian dài sau đám cưới”.

Có những người con trai khi dẫn người con gái mình yêu về nhà chỉ giới thiệu là người yêu mà quên không giới thiệu người nhà mình với người yêu trước. Phải để cho người vợ tương lai của mình hiểu từng thành viên trong gia đình để tạo ra văn hóa ứng xử khi gặp. Có như vậy, hôn nhân gia đình mới tránh được những xung đột sau này.

Đứng trước những khó khăn về kinh tế, vợ chồng nên thẳng thắn chia sẻ với nhau, tìm cách khắc phục. Những gia đình trẻ tránh đổ vỡ nên nhớ kỹ nên cảm thông cho nhau, chia sẻ. Có tình yêu nhưng không cảm thông cho nhau tình yêu sẽ chết – Ông Chất nhấn mạnh.

Khi gia đình trẻ đổ vỡ trở thành gánh nặng cho xã hội về mặt kinh tế cũng như xã hội. Những người phụ nữ đã một lần đổ vỡ thường dễ xa ngã, họ sinh ra nghi ngờ, chán nản. Ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý. Không chỉ vậy, còn một hệ lụy nữa ảnh hưởng đến con cái của họ.