Giới trẻ kinh doanh: Vì sao dễ thất bại?

ANTĐ - Khi bước vào tuổi lập nghiệp, nhiều bạn trẻ mong muốn đi theo con đường kinh doanh độc lập để tiến thân, khẳng định mình. Nhưng rồi nhiều người đã phải từ bỏ, chấp nhận cuộc sống bình lặng – “làm công ăn lương”. Phải chăng thương trường không phù hợp với họ, những người có, nhiệt huyết, nhưng đồng vốn eo hẹp?

Khởi nghiệp dễ dàng…

Nhìn những hình ảnh doanh nhân trẻ thành đạt, hào nhoáng, sang trọng xuất hiện trên sách, trên phương tiện thông tin đại chúng, khiến không ít các bạn bước vào tuổi lập nghiệp ngưỡng mộ, nung nấu quyết thực hiện cho mình con đường riêng.

“Mình thích kinh doanh, có nhiều thời gian trống nên khi được bạn bè đã thành công rủ làm cùng, mình cũng quyết định theo”. Bạn Trần Văn Tuấn (23 tuổi, chủ cửa hàng quần áo 137 Trần Hưng Đạo, TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều bạn trẻ khi quyết định không “ngồi chờ sung”, không hòa mình vào dòng người cầm hồ sơ đi xin việc. Dễ dàng nhận thấy những quán cà phê, shop... do họ mở ra đang mọc lên ngày một nhiều, với loại hình dịch vụ đa dạng, độc đáo cho mọi đối tượng.

Chỉ cần vốn, một ý tưởng khả thi và thế là một cửa hàng ra đời. Còn nếu không có nhiều tiền? Không sao. Có thể kinh doanh online sẽ là một sự lựa chọn tốt. Chỉ vài thao tác đơn giản, ngay lập tức người dùng đã có thể tạo cho mình một trang xã hội riêng, từ đó giới thiệu và bán những sản phẩm qua mạng. Tùy theo quy mô và định hướng đề ra, chủ kinh doanh ngoài phải chuẩn bị những yếu tố cần thiết như vốn, nguồn hàng…

Trường hợp mở cửa hàng thì phải đăng kí kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh của quận, huyện, theo quy định của pháp luật, như Nghị định 02/2000/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2000 của Chính phủ. Nếu là hộ kinh doanh cá thể thì chỉ trong 5 ngày sẽ được cấp giấy chứng nhận kinh doanh.

Nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm mà đã nhanh chóng mở cửa hàng, nên rất dễ thất bại do thiếu những kiến thức, kĩ năng cần thiết (ảnh minh họa)

Dễ thất bại

Việc khởi nghiệp ngày càng trở nên dễ dàng hơn, nhưng đi kèm đó là sự rủi ro, thách thức lớn đối với các bạn trẻ. Khi đã bước chân vào con đường kinh doanh, tiền mặt bằng, tiền lấy hàng, tiền thuế, tiền điện… vô vàn chi phí phát sinh gây ra áp lực lớn, trong khi cửa hàng mới mở chưa có thương hiệu, chưa có khách quen dễ dẫn đến tình trạng làm không đến nơi đến chốn rồi thua lỗ. Nhiều bạn trẻ không đủ kiên trì và lo sợ không thể thu hồi vốn đã nhanh chân đóng cửa, đi tìm một công việc khác thuận lợi hơn.

Hay với kinh doanh trên mạng thì việc bị khách “xù”, lừa lấy hàng kém chất lượng, ôm đồm hàng không thể bán được, cũng là những vấn đề dễ gặp phải nếu như chủ hàng không tỉnh táo. Mặt khác, vì là thế giới ảo nên rất khó lấy được lòng tin của khách. Nếu không có những phương thức riêng, khẳng định uy tín, thì việc rơi vào tình trạng bán hàng “cầm chừng”, chỉ đủ hoặc thậm chí không đủ lấy lại vốn rất dễ xảy ra. “Cả thèm chóng chán”, làm nửa chừng, thì thất bại sẽ là kết quả tất yếu cho những người đã không dám dấn thân tiếp vào con đường kinh doanh. “Thất bại là mẹ thành công” nhưng với nhiều bạn trẻ có dấu hiệu thất bại do chủ quan đã buông xuôi, chấm dứt con đường tự thân khởi nghiệp. 

Minh Hải (sinh viên năm thứ 3, Đại học Xây dựng) chia sẻ: “2 năm trước, mình chung vốn mở quán nước với một người bạn. Nhưng sau vài tháng, đã phải dẹp đi vì nằm ở ngõ nhỏ không thu hút được khách”.

Bạn Trần Văn Tuấn cũng cho biết: “Sau 2 năm kinh doanh, mình đã nâng quy mô nguồn hàng từ 3 triệu đồng lên 70 triệu đồng. Nhưng trước đó cũng từng thử bán rất nhiều mặt hàng và thất bại mới phát hiện ra những sai lầm cần rút kinh nghiệm như: chọn mặt bằng, mặt hàng không phù hợp với nhu cầu thị trường; không quản lý được nhân viên và lượng hàng của chính mình… Thậm chí, đối tác cung cấp hàng đột nhiên hủy hợp đồng cũng khiến mình trở tay không kịp”.

Thành công phải biết bắt đầu từ việc nhỏ

“Những bạn trẻ chưa có kinh nghiệm mà lao vào mở cửa hàng thì rất dễ thất bại, do thiếu những kiến thức, kĩ năng cần thiết”, bà Vũ Thị Thanh Liễu – Trưởng phòng thông tin thị trường (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) khẳng định và cho rằng, "việc kinh doanh không phải cứ có vốn, có hàng là được. Sự kiên trì theo đuổi hoài bão của mình là rất tốt, nhưng không thể kiên trì theo lối mòn”.

Việc chỉ nhìn vào bề ngoài hào nhoáng của những doanh nhân trẻ thành đạt, đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng kinh doanh rất dễ. Từ việc chủ quan, ảo tưởng và thiếu cân nhắc, thiếu kỹ năng, nhiều bạn trẻ hăm hở lao vào thương trường để rồi hầu hết đều “tả tơi” trở về. “Thương trường là chiến trường”, nếu không có một cái đầu lạnh biết phân tích thị trường, biết lợi thế của mình thì việc “thất trận” sẽ là kết quả tất yếu.

“Kinh doanh cần có tư duy, phải biết bắt đầu từ nhỏ đến lớn, biết nắm bắt cơ hội, không thể vội vàng. Phải biết hạn chế số vốn đến mức tối thiểu, tìm mọi phương án để nâng lợi nhuận lên mức tối đa. Những bước như vậy đều phải qua học tập và trải nghiệm thực tế mới có được, chứ không thể chỉ lý thuyết suông. Trên hết, việc gì cũng cần phải có tâm huyết, có quyết tâm và bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn mới có thể nên chuyện được", bà Vũ Thị Thanh Liễu chia sẻ.

Thành công không dễ, cơ hội để thành công chia đều cho mọi người nhưng nó chỉ đến với ai thực sự kiên trì, tâm huyết và tỉnh táo.