Giới trẻ diễn đạt kém vì lười đọc sách

ANTD.VN - Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2016 vừa được phát động với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”. Không phải ngẫu nhiên mà liên bộ GD-ĐT, VH-TT&DL lại đưa ra chủ đề tập trung vào văn hóa đọc trong bối cảnh game online, mạng xã hội đang “ăn mòn” thế hệ trẻ.

Đọc sách liên tục là chủ đề được nhấn mạnh trong công tác xây dựng xã hội học tập

Sinh viên thường xuyên mắc lỗi 

Việc liên tục cập nhật thông tin trên mạng xã hội đã khiến đa số giới trẻ đều đang sử dụng khá thành thạo và thường xuyên ngôn ngữ mạng, vốn là văn nói và thậm chí còn bị “bẻ cong” đi nhiều so với từ ngữ chuẩn. Ngôn ngữ dạng này đang xâm nhập  văn viết với vô vàn lỗi ngữ pháp, diễn đạt trong học tập và công việc.

Một giảng viên ĐH Dược Hà Nội phải thốt lên, sao sinh viên hiện nay lại có thể nhầm lẫn giữa văn nói với văn viết được. Trong các khóa luận, bên cạnh sai chính tả, tình trạng câu thiếu thành phần ngữ pháp, câu dài dằng dặc không dấu chấm, dấu phẩy rất dễ bắt gặp. Điều đáng nói là để vào được trường ĐH Dược, các sinh viên này đều đã trải qua vòng tuyển đầu vào khắt khe.

Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học của trường THCS Alpha (Hà Nội), điều được nhiều phụ huynh chia sẻ nhất chính là tình trạng lười đọc sách của học sinh và môn Văn là một trong những môn “thê thảm” nhất. Lười đọc, lười suy nghĩ, lười trình bày khiến cho môn Văn trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều học sinh. Tình trạng này đã được nhiều giáo viên Ngữ văn tại các trường phổ thông phản ánh như điểm yếu chung của rất nhiều học sinh những năm gần đây.

Cô Phạm Quỳnh Dương, Hiệu trưởng trường THCS Alpha cho biết: “Nhà trường rất trăn trở và quyết định xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cao chất lượng thư viện cũng như thúc đẩy việc đưa giờ dạy Văn hoá đọc vào chương trình chính khoá ”. Theo cô Dương, việc học sinh ngại và lười đọc sách ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tiếp cận tri thức, khả năng sử dụng ngôn ngữ và vốn sống, vốn văn hoá của các em.

Thúc đẩy đọc sách bằng nhiều cách

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng xã hội học tập, nơi mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời. Trong các hình thức học tập, đọc sách là một hoạt động phổ biến và có hiệu quả.

“Đọc sách giúp cho mọi người nâng cao hiểu biết, tiếp thu tri thức, tăng cường khả năng giao tiếp và hình thành những ước mơ, ý tưởng sáng tạo. Thanh niên đọc sách sẽ thu nhận được những kiến thức về cuộc sống, về khởi nghiệp…” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ. Chính vì thế mà Tuần lễ học tập suốt đời được liên Bộ GD-ĐT, VH-TT&DL phát động năm nay lấy trọng điểm là phát triển văn hóa đọc. 

Cô Phạm Quỳnh Dương cho biết, nhà trường THCS Alpha đã đặt chủ đề năm học này là “Đọc để học đam mê” với quyết tâm đẩy mạnh văn hoá đọc, để đọc sách không chỉ trở thành thói quen mà còn là nguồn động lực thúc đẩy niềm đam mê học tập, góp phần hoàn thiện nhân cách, đạo đức của học sinh.

Trường THCS Alpha vận động phụ huynh cùng tham gia thiết kế không gian, cách bài trí thư viện, mở rộng không gian đọc sách, bổ sung số lượng đầu sách, xây dựng Tủ sách Phụ huynh và Tủ sách lớp học… 

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, văn hóa đọc cần được mở rộng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện và tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó, việc đọc sách điện tử là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển.

Thực tế cho thấy, tại nhiều nước phát triển, thư viện điện tử mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng để lưu giữ, bảo tồn những tài liệu quý hiếm về lịch sử, địa lý, văn hóa, đời sống tinh thần. Đây thực sự là giải pháp cần thiết để thu hút độc giả trong xu thế phát triển chung của xã hội, góp phần giữ được bản sắc của văn hóa đọc và giúp độc giả tìm kiếm thông tin nhanh, hiệu quả hơn.

“Chúng ta có thể đọc sách in hay sách điện tử, tuy nhiên dù là loại sách nào, chúng ta đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, biến tri thức của nhân loại thành kiến thức, kỹ năng cá nhân của mình, phục vụ cho học tập, làm việc và phong phú đời sống tinh thần” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.