Giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của nghề đan lát Cơ Tu tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ ngày 01/08 đến ngày 02/08/2020 tại số 52 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) phối hợp với Gallery 39, những tổ chức yêu văn hóa nghề thủ công của đồng bào các dân tộc Việt Nam, thực hiện chương trình “Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu”.

Triển lãm giới thiệu tới khách tham quan những nét đặc sắc trong đời sống, tập tục, văn hóa của người Cơ Tu (tỉnh Quảng Nam); sản phẩm đan lát thủ công xưa và nay của đồng bào Cơ Tu. Bên cạnh việc chiêm ngưỡng các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống, công chúng còn được nghe người Cơ Tu kể chuyện nghề, xem những cuốn sách giới thiệu về nghề đan lát.

Có thể kể đến một số sản phẩm đan lát thủ công độc đáo của đồng bào người Cơ Tu như xà lếch (chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông Cơ Tu), đỉnh cao của nghệ thuật đan lát mà khó có nơi nào trên thế giới này có thể đạt được. Tiếp đó là p’reng, một loại gùi nhỏ được trang trí với những hoa văn rất độc đáo mà phụ nữ Cơ Tư thường địu con mỗi khi đi lễ hội; p’rôm, một loại gùi dành riêng cho phụ nữ để mang quà đi biếu mẹ cha hay sử dụng trong một số điệu múa của các cô gái Cơ Tu…   

Ban tổ chức cho biết, đây là hoạt động nằm trong tiểu dự án "Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam", được triển khai từ tháng 9/2019 bởi Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Tiểu dự án được thực hiện tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam bao gồm Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Đây là vùng sinh sống lớn nhất của dân tộc Cơ Tu tại Việt Nam.

Dù sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời, nhưng nghề đan lát của người Cơ Tu vẫn không thể phát triển. Trong nhiều năm gần đây, cây mây ngày càng ít đi, người Cơ Tu phải vào rừng sâu hơn mới lấy được mây để đan gùi. Các dụng cụ đan lát sinh hoạt hàng ngày cũng ngày càng ít được sử dụng do sự lấn át của các sản phẩm nhựa. Các sản phẩm đan lát cũng không có người mua, đồng bào không có thu nhập, phải sống dựa vào khai thác tài nguyên rừng, gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cũng như sự đa dạng sinh học của rừng.

Giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của nghề đan lát Cơ Tu tại Hà Nội ảnh 2

Trước tình hình đó, dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ hợp tác với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (VietCraft) hỗ trợ trên 450 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang tham gia các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu mây; đào tạo nghề đan lát thủ công, phát triển thị trường nhằm tạo thêm thu nhập cho người dân. Đến nay, 150 ha nguyên liệu mây đã được trồng mới, 50 ha mây tự nhiên được bảo vệ và khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình được đào tạo nghề, tạo nên nhiều sản phẩm quà tặng, trang trí mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống xưa…

"Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu" giúp công chúng trải nghiệm những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của đồng bào Cơ Tu với nghề thủ công đan lát, đồng thời giới thiệu các sản phẩm này đến công chúng, các nhà thiết kế trẻ, doanh nghiệp có nhu cầu, góp phần đưa các sản phẩm của đồng bào đến gần hơn với công chúng.