Giỏi thì ở đâu cũng sống tốt

ANTĐ - Về việc UBND tỉnh Quảng Nam từ chối công chức học tại chức trong đợt tuyển công chức hành chính năm 2012, bạn Lê Thanh Hiếu (25 tuổi, ở ngõ 58, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra khá vui mừng.

- Sao anh lại vui vì điều này?

- Tôi vui vì có nơi, có người đã thẳng thắn với chất lượng một hệ đào tạo đã tồn tại nhiều yếu kém lâu nay.

- Nhưng có rất nhiều người học tại chức giỏi mà?

- Anh yên tâm, những người giỏi thì ở đâu cũng sống tốt thôi, không vì một hai nơi không tuyển bằng tại chức mà họ thiệt thòi, tôi tin rằng những người học tại chức giỏi thực sự cũng vui khi biết tin này. 

- Có những người không có điều kiện về thời gian để học chính quy, họ có nhu cầu học tại chức để nâng cao trình độ. Anh nghĩ sao?

- Nếu ai cũng học tại chức để nâng cao trình độ, tay nghề thì tôi tin rằng không có chuyện một số đơn vị không tuyển tại chức. Đằng này, nhiều người học vì lý do khác: để lên bậc lương, để lên chức, để được bổ nhiệm sang ngành “màu mỡ” hơn. Vì thế mới có việc học đối phó, rồi chạy điểm… Nhiều trường mở ồ ạt hệ tại chức để cân đối đầu thu ngân sách, dẫn đến sự yếu kém của cả một hệ đào tạo.

- Theo anh làm thế nào để cải thiện chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo tại chức nói riêng?

- Đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu về trình độ, kỹ năng, số lượng nhân lực của các ngành nghề. Tức là đào tạo để có kỹ năng, có nghề cụ thể, chứ không phải vì mảnh bằng tốt nghiệp. Các đơn vị tuyển dụng cần căn cứ vào năng lực của công chức, không nên quá trọng bằng cấp. Làm được điều ấy thì “thạc sỹ giấy” cũng khó có cơ hội cạnh tranh với người học tại chức mà có thực tài.