Giới nghiêm ngày Tết té nước vì hạn hán

ANTĐ - Thủ đô Bangkok của Thái Lan lần đầu tiên trong lịch sử sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm trong dịp Tết té nước mừng năm mới truyền thống 2016 để bày tỏ tình đoàn kết với người nông dân nước này đang chiến đấu với tình hình hạn hán.

Giới nghiêm ngày Tết té nước vì hạn hán ảnh 1Thủ đô Bangkok ban hành lệnh giới nghiêm vào ngày Tết té nước để biểu thị đoàn kết với nông dân bị hạn hán

Thị trưởng Bangkok Amorn Kijchawengjul ngày 15-3 cho biết, chính quyền sẽ ban hành lệnh giới nghiêm tại Thủ đô của Thái Lan trong dịp Tết Songkran cổ truyền năm 2016 (Tết té nước truyền thống) mừng năm mới diễn ra từ 13 đến 15-4 để biểu thị tình đoàn kết với người nông dân nước này đang chịu hạn hán nghiêm trọng. Theo ông Amorrn, dù Tết té nước mừng năm mới đã trở thành biểu tượng của Thái Lan song cần phải tiết kiệm nước khi nhiều hồ ao đã cạn trơ đáy và đường phố không thể ngập tràn nước khi mà người nông dân đang phải chiến đấu với hạn hán.

Việc ban hành lệnh giới nghiêm tại Thủ đô Bangkok vào dịp Tết té nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành du lịch Thái Lan bởi đây là dịp rất nhiều khách du lịch nước ngoài sẽ tới để được hòa mình vào lễ hội độc đáo và nổi tiếng của người Thái. Chính vì thế, việc phải chấp nhận “hy sinh” du lịch vào dịp hốt bạc quan trọng trong năm đã phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn hạn hán hiện nay tại Thái Lan.

Do lượng mưa thấp và lượng nước sông Mekong đổ về ít, Thái Lan suốt một năm nay phải đối mặt với trận hạn hán nghiêm trọng nhất trong hai thập kỷ qua, mực nước tại nhiều hồ chứa, đập thủy điện đã xuống dưới mức báo động đỏ. Hạn hán đã tác động tới toàn bộ nền kinh tế nước này, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng chục triệu người dân các tỉnh miền Đông và miền Bắc Thái Lan.

Giới nghiêm ngày Tết té nước vì hạn hán ảnh 2

Nông dân Thái Lan đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất 20 năm qua

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan năm 2015 đã giảm 12% so với năm trước, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004. Dự báo, sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong năm 2016 có thể tiếp tục giảm thêm khoảng 16%, từ 19,8 triệu tấn xuống còn 16,5 triệu tấn. 

Hạn hán cũng gây khó khăn nghiêm trọng đến đời sống của người dân vì Thái Lan vẫn còn tới 40% dân số sống ở nông thôn và dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán và thiếu nước, Chính phủ Thái Lan đã phải quyết định đưa nước uống vào diện mặt hàng phải kiểm soát giá để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng thông qua việc theo dõi những biến động về giá của mặt hàng này. 

Vụ Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp với 11 nhà sản xuất nước uống vào ngày 9-3 vừa qua để đánh giá về tác động của việc thiếu hụt nguồn nước. Ngoài ra, các nhà chức trách Thái Lan cũng kêu gọi người dân tích trữ ít nhất 60 lít nước uống trong gia đình vào thời kỳ hạn hán đang diễn ra từ đầu năm 2016 đến hết tháng 5 tới do những quan ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn nước uống tại các hộ gia đình ở Thủ đô Bangkok, tỉnh Nonthaburi và tỉnh Samut Prakan với tổng cộng 12 triệu người dân.

Ủy ban Thường trực về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB) kêu gọi các nhà sản xuất công nghiệp nước này cắt giảm lượng nước sử dụng. Bộ Nông nghiệp Thái Lan bên cạnh việc kêu gọi đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích nông dân nước này chuyển sang canh tác các loại cây trồng không cần nhiều nước tưới và giảm diện tích trồng lúa vụ xuân - hè.