Giới chức Đức bị “bắt nạt” trên mạng vì ủng hộ thắt chặt chống đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các nhân vật nổi tiếng, người của công chúng ở Đức vì ủng hộ các biện pháp hạn chế đại dịch đang phải hứng chịu những lời dọa giết và lạm dụng trực tuyến. Nhưng hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Đức.
Chính trị gia và nhà virus học Karl Lauterbach từng bị dọa giết do quan điểm phải quản chặt để chống đại dịch

Chính trị gia và nhà virus học Karl Lauterbach từng bị dọa giết do quan điểm phải quản chặt để chống đại dịch

“Treo cổ ông ta lên cây, một lần và mãi mãi”, “Làm sao mà ông ta vẫn chưa bị nhốt vậy?”, rất nhiều lời cay nghiệt như vậy đã được gửi cho ông Karl Lauterbach, thành viên Quốc hội và là nhà dịch tễ học người Đức. Đăng ảnh chụp màn hình lên tài khoản Twitter vào trung tuần tháng 2-2021, ông viết: “Một làn sóng căm ghét tôi đang tràn ngập trên mạng. Những lời dọa giết và lăng mạ khó có thể chịu đựng nổi cứ lặp đi lặp lại như vậy”.

Phần lớn các lời đe dọa này là do ông Lauterbach tích cực kêu gọi các biện pháp khóa chặt hơn để chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nghị sĩ - thành viên của đảng Dân chủ Xã hội này đã cảnh báo rằng đại dịch có thể tồi tệ hơn nếu không có những hạn chế chặt chẽ.

Ông Lauterbach không phải là nhân vật duy nhất bị lạm dụng trực tuyến nhiều hơn trong năm qua. Riêng tại Berlin, số liệu về các trường hợp thù hận trực tuyến được báo cáo đã tăng 45% trong 11 tháng đầu năm 2020 so với năm trước, theo Bộ Tư pháp của thành phố. “Việc những người bị công chúng bị đối xử với thái độ thù địch trên mạng chắc chắn không phải là một hiện tượng mới. Nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng số vụ gia tăng nhiều hơn vì đại dịch”, ông Christoph Hebbeckerm, thuộc Văn phòng Tội phạm Mạng ở bang North Rhine-Westphalia nhận định.

Nhà virus học Melanie Brinkmann, một trong những nhà khoa học tư vấn cho Thủ tướng Angela Merkel về ứng phó với đại dịch, nói với tạp chí Spiegel rằng bà rất sợ khi ở nhà sau khi nhận được những lời đe dọa trực tuyến. Một số nhà khoa học nổi tiếng đã lên tiếng chống lại cái gọi là phong trào Querdenker có sức hút nhất định ở Đức trong năm qua.

Những người theo phong trào này tin rằng đại dịch chỉ là một trò lừa bịp và họ đã tổ chức các cuộc biểu tình, đôi khi là bất hợp pháp, để phản đối những hạn chế đối với đời sống công cộng. Những người tham gia các cuộc biểu tình này bao gồm các phần tử cực đoan cánh hữu, những người đã trở nên bạo lực khi cảnh sát yêu cầu họ tuân thủ các hạn chế về đại dịch như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Và không chỉ những nhân vật nổi tiếng trong nước như nghị sĩ Lauterbach mới trở thành mục tiêu. Quan chức cơ quan chống tội phạm mạng Hebbecker cho biết: Một bác sĩ ở Cologne đặt nghi vấn trước thông tin cho rằng đeo khẩu trang có ảnh hưởng bất lợi đến các cơ của đường hô hấp. Tuy nhiên, bác sĩ đó đã nhận được những tin nhắn thù hận trên mạng. “Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về những sự cố như thế trước đại dịch”, ông Christoph Hebbeckerm nói.

Một nghiên cứu của hãng công nghệ Microsoft đã chỉ ra rằng, những phát ngôn thù hận được báo cáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã tăng 4% vào năm 2020. Tại Mỹ, nhà nghiên cứu miễn dịch học hàng đầu và cố vấn y tế Anthony Fauci của Tổng thống Joe Biden bị một bộ phận cư dân mạng căm ghét vì kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt và chỉ trích phản ứng chống đại dịch của cựu Tổng thống Donald Trump. Những lời hận thù trực tuyến cũng là tiền thân cho vụ bạo động ở Điện Capitol ở Washington hôm 6-1.

Chính phủ Đức đang xem xét việc thắt chặt luật về lời nói căm thù trực tuyến nhưng chính phủ vẫn chưa đưa ra khung thời gian áp dụng quy định mới này. Trong khi đó, chính trị gia Lauterbach khẳng định rằng sự căm ghét trên mạng sẽ không thể ngăn cản ông bình luận về đại dịch.