Gìn giữ, phát huy giá trị viên ngọc quý – làng cổ Đường Lâm

ANTĐ - Tại cuộc làm việc kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm (ngày 21-5-2013), đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nêu 7 nhóm giải pháp quan trọng. Báo An ninh Thủ đô xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị.

Vừa qua, những thông tin liên quan đến di tích Làng cổ Đường Lâm được báo chí và dư luận rất quan tâm. Với tinh thần tích cực, khẩn trương và trách nhiệm, cùng với cuộc họp do Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì vừa cách đây đúng một tuần, hôm nay, tôi thấy cần phải có thêm cuộc khảo sát và làm việc với đông đủ thành phần để nghe ý kiến nhiều chiều một cách toàn diện, để cùng bàn thảo, đưa ra những chủ trương, giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm.

Dự buổi làm việc hôm nay có đầy đủ đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Di sản Văn hóa; Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Thăng Long; Ủy ban MTTQ Thành phố; UBND Thành phố; các sở, ban, ngành Thành phố; Thị xã Sơn Tây; xã Đường Lâm; Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm. Đặc biệt là tôi đã đề nghị mời đại diện một số hộ dân xã Đường Lâm có đơn kiến nghị cùng rất nhiều phóng viên báo, đài Trung ương và Thành phố.

Thành phố Hà Nội sau khi hợp nhất có trên 5.000 di tích, trong đó, có trên 2.000 di tích đã xếp hạng, từ danh hiệu di sản văn hóa thế giới đến di sản cấp tỉnh, thành phố. Số lượng nhiều như vậy, nhưng chỉ cần một, hai di tích có thiếu sót, bất cập trong quản lý, bảo tồn, tôn tạo thì chúng ta đều có khuyết điểm. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi Thành phố phải thường xuyên quan tâm và thực sự lắng nghe. Cá nhân tôi, có thể nói, vừa qua tôi đã đọc gần như không sót ý kiến nào trên báo chí về việc này.

Như chúng ta đều biết, việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm, với đặc thù là “di sản sống” gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của một cộng đồng làng xã, chịu sự chi phối về quyền sở hữu của người chủ di sản. Đây là việc lớn, việc khó. Trong Luật di sản Văn hóa cũng chưa định nghĩa khái niệm “Làng cổ”, chỉ có khái niệm di tích lịch sử, văn hóa. Trên thế giới, cũng chỉ mới có một vài làng được công nhận danh hiệu “Làng cổ”. Điều đó cho thấy việc quản lý, bảo tồn di sản làng cổ là việc rất mới không chỉ với chúng ta mà là với cả thế giới. Từ khi Đường Lâm được công nhận di tích, chúng ta đã cố gắng triển khai nhiều công việc, nhưng có việc chưa làm được, có việc lúng túng và có việc vừa làm, vừa tổng kết. Vì vậy, trên tinh thần thực sự cầu thị, trách nhiệm, chúng ta cũng phải chia sẻ với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và người dân về những khó khăn đang đặt ra.
Gìn giữ, phát huy giá trị viên ngọc quý – làng cổ Đường Lâm ảnh 1

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm hỏi một số hộ dân trong làng cổ

Việc công nhận Đường Lâm, với đặc trưng làng cổ thuần nông, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cũng là lần đầu tiên Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận “Di tích làng cổ”. Hơn nữa, lúc đó việc công nhận này đã có sự đồng thuận, nhất trí rất cao của bà con, nhân dân Làng cổ Đường Lâm chứ không chỉ là sự đề nghị công nhận từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Sau khi di tích Làng cổ Đường Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng, chúng ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện Quyết định này, không kể cấp Bộ, cấp Thành phố, mà ngay Thị xã Sơn Tây, cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đường Lâm, nơi trực tiếp có di tích trên địa bàn đã làm được rất nhiều việc. Từ ban hành các văn bản, nghị quyết của cấp ủy, các thông báo của chính quyền, đến việc thành lập Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý di tích này.

Tôi đánh giá cao những cố gắng mà các đồng chí đã làm được trong việc giới thiệu, quảng bá di tích; xây dựng các "tua", tuyến tham quan tại Làng cổ, gắn việc bảo tồn với khai thác, phát huy những giá trị của di tích, đem lại lợi ích cho người dân Làng cổ Đường Lâm. Mặc dù, việc phân bố lợi ích thu được từ di tích hiện nay chưa đều, nhưng có thể nói rằng, mọi người dân Đường Lâm ai cũng ít, nhiều được hưởng. Nếu không được hưởng thụ trực tiếp từ dịch vụ, thì cũng từ đầu tư về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm của Thành phố, của Thị xã đối với Đường Lâm. Những lợi ích đó có thể chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, nhưng rõ ràng, đó là những đầu tư rất quan trọng và có ý nghĩa.

Chúng ta đã thực hiện tu bổ nhiều ngôi đình, cơ sở kiến trúc, nhà cổ bị xuống cấp, như: Đình Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Chùa Ón, cổng làng Mông Phụ và hơn một chục ngôi nhà cổ… Một ngôi nhà cổ được tài trợ tu bổ đã cần tới 800 triệu đồng cộng thêm sự hướng dẫn về chuyên môn hàng ngày của các chuyên gia Nhật Bản và trong nước, như chúng ta vừa trực tiếp khảo sát sáng nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã bước đầu tuyên truyền, vận động, tạo được nhiều chuyển biến đáng mừng trong nhận thức của người dân Đường Lâm về trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di tích của chính gia đình, địa phương mình.

Nhân đây, thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi xin hoan nghênh những tình cảm, trách nhiệm của đa số người dân Đường Lâm đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này. Hơn 7 năm qua, không chỉ Nhà nước đầu tư tôn tạo, mà người dân cũng có ý thức trân trọng, giữ gìn di tích tốt hơn. Nếu thiếu cái đó, chúng ta không giữ được di tích như ngày hôm nay, mức độ xuống cấp còn nghiêm trọng hơn nữa, việc quản lý về xây dựng, quy hoạch còn lộn xộn hơn rất nhiều.

Chúng ta cũng rất chia sẻ với những khó khăn mà người dân Đường Lâm, vì thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với di tích mà phải chịu đựng. Nhiều hộ dân có nhu cầu cơi nới, xây dựng, sửa chữa nhưng không được làm theo ý mình mà phải làm theo quy định và phải làm đầy đủ trình tự, thủ tục cấp phép, xin phép. Bên cạnh lợi ích về vật chất và tinh thần có được từ di tích, thì rõ ràng khó khăn và trách nhiệm phần nào đã gây phiền hà, trở ngại, làm cho người dân không thoải mái. Chúng ta phải cùng nhau nhìn rõ cả hai mặt đó, nếu chỉ thấy một mặt là chưa đủ.

Điều quan trọng nhất, đó là chúng ta chưa quan tâm một cách rốt ráo, kịp thời đến việc đề ra cơ chế, chính sách phù hợp với một di sản văn hóa có tính chất đặc thù rất cao. Nó không giống một cái đình, cái chùa, một hiện vật quý báu có thể đưa vào bảo tàng để cất giữ, để trưng bày.

Đây là một cái làng, một cộng đồng làng xã có nhiều di tích quý báu trong dân cư, đang sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Nó khác phố cổ Hội An, đó là một đô thị, dân cư sinh sống bằng thương mại, dịch vụ. Hơn nữa niên đại của di sản Hội An cũng trẻ hơn Làng cổ Đường Lâm. Do đó, có cái phù hợp với phố cổ Hội An nhưng không phù hợp với Làng cổ Đường Lâm. Điều đó cho thấy, chúng ta phải có sự nghiên cứu, học tập và vận dụng rất linh hoạt. Những gì là nguyên tắc chúng ta phải chấp hành, nhưng có những vấn đề phải vận dụng phù hợp với đặc thù của Đường Lâm để có cách giải quyết khoa học, cụ thể. 

Chúng ta đã thống nhất rằng, đây là việc lớn, việc khó, phải tháo gỡ dần dần. Có việc phải khẩn trương làm ngay nhưng có việc phải có bước đi thích hợp. Tinh thần chung là phải hết sức tích cực. Công việc hàng đầu là sớm hoàn thiện quy hoạch, triển khai dự án giãn dân và thực hiện tu bổ chống xuống cấp nghiêm trọng đối với các di tích có giá trị. Một số di tích có giá trị cao, đang xuống cấp nghiêm trọng như Đình Cam Thịnh thì phải khẩn trương tu bổ.

Còn đối với hơn 1.000 ngôi nhà dân có giá trị bình thường, chúng ta cần đề ra những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản về chiều cao, kiểu dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng…; cần tạo cơ chế thuận lợi và phù hợp hơn trong việc cấp phép cho người dân cải tạo, sửa chữa, xây dựng. Tùy từng công trình, mà yêu cầu làm bằng gỗ thật hoặc giả gỗ. Trong mỗi khu vực bảo tồn, phải có cách ứng xử linh hoạt, phù hợp giữa những công trình có giá trị lớn và những công trình có giá trị bình thường. Về tổng thể, cố gắng giữ tối đa các yếu tố gốc về kiến trúc, cảnh quan tại thôn Mông Phụ. Trong tu bổ phải có trọng tâm, trọng điểm, vì ngân sách nhà nước là có hạn và người dân thì không thể chờ đợi mãi được.

Ngay cả vấn đề bố trí đất giãn dân, nếu đáp ứng yêu cầu di dân Làng cổ, thì sẽ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đất canh tác của người dân. Nếu bố trí 180 m2/hộ cho cả gần 1.500 hộ, thì diện tích đất sử dụng cho giãn dân sẽ rất lớn. Vì vậy, phải tính toán ai trước, ai sau, ai nhiều, ai ít, ai ở lại tại chỗ. Nói bài toán tổng thể thì không khó lắm, nhưng sẽ rất khó khi đi vào cụ thể, chi tiết. Và việc này cũng cần để nhân dân Đường Lâm bàn bạc dân chủ, công khai.

Tôi xin thay mặt cơ quan quản lý các cấp xin lỗi vì sự chậm trễ nói chung này và cũng xin chia sẻ với những bức xúc của người dân; đồng thời, rất mong người dân Đường Lâm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của mình. Chúng ta chia sẻ, nhưng cũng mong muốn, kêu gọi bà con cùng hợp tác để giải quyết những khó khăn đang đặt ra.

Về phương hướng giải quyết sắp tới, tôi thấy rất nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp hôm nay đã góp phần hình thành nên hệ thống giải pháp, đó là:

Trước hết, chúng ta phải tiếp tục lắng nghe, đối thoại với người dân ở Đường Lâm. Nghe cả ý kiến của người đồng tình và không đồng tình. Vừa rồi, chúng ta nói nhiều đến ý kiến bức xúc của 78 hộ dân trong tổng số gần 1.500 hộ dân Đường Lâm. Như vậy, số đông chưa hẳn đã bức xúc như 78 hộ ký đơn. Dù thế nào, chúng ta cũng phải lắng nghe. Việc gì chưa tốt, chưa đúng, chưa phù hợp thì dù chỉ là một ý kiến chúng ta cũng phải cố gắng giải quyết trong khả năng và thẩm quyền của mình.

Thứ hai, cần mạnh dạn phân cấp, trao quyền cho cấp dưới để giải quyết kịp thời yêu cầu, đòi hỏi trong cuộc sống hàng ngày của người dân và cơ sở. Đồng thời, cấp trên tích cực xem xét, giải quyết những việc phức tạp, việc khó mà cấp dưới báo cáo, đề xuất. Chúng ta nên phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm một cách hợp lý cho Thị xã Sơn Tây. Tương tự như vậy, Thị xã phân cấp cho xã Đường Lâm. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, từng cấp một, cần phát huy tinh thần chủ động, cái gì có thể thì giải quyết ngay. Không nên gộp nhiều việc nhỏ, việc bức xúc vào rồi mới bàn một lượt.

Thứ ba, UBND xã Đường Lâm tiếp tục làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, vận động để người dân hiểu, tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy giá trị di tích. Hàng ngày, người dân sống trong lòng di tích tạo nên các giá trị vật thể và phi vật thể. Tách người dân ra khỏi làng thì sẽ không còn ý nghĩa “di sản sống” như chúng ta đang chủ trương bảo tồn. Chính vì vai trò hết sức quan trọng của người dân nên cần có các chính sách đặc thù. Chính sách đó cần được xây dựng trên cơ sở vận dụng quy định của các Luật, đặc biệt là Luật di sản Văn hóa; phù hợp với điều kiện thực tiễn có tính đặc thù; và phải được sự đồng thuận của chính quyền và người dân Đường Lâm. Những cơ chế, chính sách đấy phải đưa ra lấy ý kiến, thảo luận dân chủ, công khai. Những vấn đề người dân chưa hiểu, chưa nhất trí mà nêu ý kiến không đúng thì chúng ta phải giải thích. Ngược lại, những ý tưởng của các cơ quan quản lý đề ra, mặc dù tốt, nhưng không phù hợp thì chúng ta phải sửa.

Thứ tư, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích, phải thực hiện theo phương châm: Di tích này là của dân thì phải do dân và vì dân. Bởi vậy, phải làm sao để người dân Đường Lâm thực sự là chủ di tích và ý thức đầy đủ trách nhiệm của chủ di tích. Về phương thức bảo tồn, nên cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn, chặt chẽ hơn về phạm vi không gian bảo tồn, đối tượng bảo tồn; tập trung ưu tiên cho những cái có giá trị cao; có chính sách linh hoạt với những cái có giá trị phổ quát, trung bình và bình thường. Không thể áp dụng nhất loạt cho toàn bộ xã Đường Lâm tất cả những điều lệ, quy chế, quy định cho từng ngôi nhà, từng công việc cụ thể. Bên cạnh đó, các cơ quan của Thành phố phải chỉ đạo Thị xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, gắn với phát triển các mô hình du lịch và dịch vụ; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc tu sửa nhà cổ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giãn dân, bảo đảm hài hòa các lợi ích.

Thứ năm, về Ban quản lý di tích, hiện nay, trên phạm vi cả nước, chưa có mô hình thống nhất, mỗi nơi một khác. Trên cơ sở Ban quản lý hiện có, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đại diện của người dân Đường Lâm. Nếu thấy việc bàn giao hoàn toàn Ban quản lý này cho xã, mà xã không đủ năng lực về mặt chuyên môn, hoặc e ngại quan hệ làng xã nể nang, khó làm việc thì cũng phải có đại diện của xã tham gia trong Ban quản lý. Đại diện của xã phải nói được tiếng nói của chính quyền, đoàn thể và đông đảo người dân, chứ không phải chỉ tham gia với tư cách cá nhân. Đồng thời, rà soát lại Điều lệ, quy chế hoạt động đã được xây dựng, cái gì không phù hợp, không đi vào cuộc sống thì phải sửa. Từ Điều lệ cho tới những nguyên tắc xử lý trong việc cấp phép xây dựng cần được công khai, dân chủ, tránh thiên vị, nể nang. Cần có sự trao đổi, bàn bạc giữa chính quyền và Ban quản lý để đánh giá cụ thể những vi phạm, cái nào phải xử lý; cái nào khó khắc phục hoặc mức độ vi phạm không nghiêm trọng đến mức phải phá bỏ; cái nào do người dân tự làm, tự chịu trách nhiệm thì không được hỗ trợ; cái nào do chính quyền hướng dẫn không đến nơi, đến chốn thì phải hỗ trợ người dân giải quyết hậu quả.

Thứ sáu, về cơ chế tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu coi nhẹ sẽ không có khả năng nuôi dưỡng di tích được lâu dài. UBND Thị xã Sơn Tây có đề nghị hơn 500 tỷ đồng cho việc đầu tư vào công tác bảo tồn và triển khai dự án giãn dân ở di tích Đường Lâm. Đây là một đề nghị không khả thi. Trên địa bàn Hà Nội có hơn 2.000 di tích đã được xếp hạng. Nếu di tích nào cũng đề nghị như vậy thì Thành phố biết lấy nguồn từ đâu. Nguồn thu thường xuyên và lâu dài phải lấy di tích nuôi di tích, thông qua bán vé, tham quan và các hoạt động dịch vụ …; phải công khai, minh bạch nguồn thu cho người dân biết. UBND Thành phố sớm nghiên cứu, chỉ đạo việc cho phép tăng giá vé tham quan di tích.

Nguồn tài chính thứ 2, cũng rất quan trọng, là ngân sách các cấp, tức là ngân sách nhà nước, nên ở mức xung quanh 50%, trong đó ưu tiên cho những di tích trọng điểm. Các sở chuyên ngành cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ kinh phí cho việc tu bổ di tích; giãn dân; duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân.

Nguồn thứ 3 là xã hội hóa, kêu gọi, vận động tập thể, cá nhân tài trợ, đóng góp tự nguyện. Phải có cả 3 nguồn này mới đảm bảo cho di tích sống, tồn tại và phát triển được.

Thứ bảy, về chủ trương đề nghị công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận, cần làm từng bước thận trọng, có lộ trình, không nên khuyến khích việc chạy theo danh hiệu. Mục tiêu quan trọng hiện nay là phải tập trung chống xuống cấp cho di tích. Lộ trình đề nghị nâng hạng di tích phải trên cơ sở của 2 nguyên tắc: phải tập trung ưu tiên tháo gỡ cho được những vướng mắc đang còn tồn tại; và phải được sự đồng thuận của người dân. Chừng nào chưa giải quyết xong hai yêu cầu này thì chưa đề nghị nâng hạng di tích. Với những di tích khác, tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần tham mưu, lưu ý các địa phương, cần phải cân nhắc, chọn lọc thật kỹ mỗi khi làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh nguyện vọng tha thiết muốn được công nhận di tích, thì chúng ta cũng cần hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện sau khi được công nhận.

Cuối cùng, về công tác tuyên truyền, cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân địa phương, báo chí luôn là kênh thông tin rất quan trọng, có sức lan tỏa nhanh và rộng. Vừa qua, tôi cảm thấy có sự thiếu phối hợp chặt chẽ cả từ 2 phía, nên số lượng tin bài mặc dù có nhiều nhưng chưa toàn diện. Tại buổi làm việc này, mọi người được nghe thông tin nhiều chiều. Đại diện các hộ dân có đơn xin trả lại danh hiệu di tích cũng được mời dự và được phát biểu ý kiến bình đẳng như các giáo sư, các vị lãnh đạo ở đây. Đơn thư của người dân cũng đã được các cấp, các ngành đọc kỹ. Như thế thông tin không những hai chiều mà là đa chiều. Trên tinh thần như vậy, đề nghị các cơ quan báo chí thông tin một cách khách quan, toàn diện; các đồng chí ở Thị xã Sơn Tây và xã Đường Lâm về báo cáo lại đầy đủ với bà con.

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, tôi xin chân thành cảm ơn sự có mặt và những ý kiến đóng góp quý báu của tất cả các đại biểu. Mong muốn chung của chúng ta là, tất cả các cấp, các ngành hãy cùng đề cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương giải quyết thỏa đáng các vấn đề bức xúc của người dân song song với việc giữ gìn, phát huy giá trị viên ngọc quí – Làng cổ Đường Lâm.