Gìn giữ nếp nhà xưa: Xin đừng bê tông hóa!

ANTĐ - Khác với Cu Hoan, làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh là một làng quê đẹp nép mình bên dòng Ô Lâu thơ mộng. Sông Ô Lâu phân chia rõ ràng địa giới của 2 ngôi làng có truyền thống của hai mảnh đất Quảng Trị- Thừa Thiên Huế.

Bên này Quảng Trị là làng Hội Kỳ trầm mặc- bên kia Thừa Thiên Huế là ngôi làng cổ Phước Tích giàu truyền thống. Dường như nằm đối xứng hai bên dòng sông Ô Lâu nên thơ mà ngẫu nhiên hai ngôi làng này từ xưa đã mang nét tương đồng: cả hai ngôi làng đều đẹp như một bức tranh thủy mặc khó nơi nào có được. Hội Kỳ nép mình lặng lẽ dưới những rặng tre xanh mát từ ngàn đời nay. Ngôi làng tuy nhỏ hẹp nhưng vẫn mang trong mình những nét đặc trưng riêng mang tồn tại từ thuở mới khai canh lập xứ.

Nhiều gia đình còn lưu giữ được cả những bút tích, sắc phong dưới thời vua Thái Thanh

Theo sử sách ghi chép lại: Ngày xưa đây là vùng đất hoang vu, không có bóng người. Vào năm 1601 mới có người đặt chân lên mảnh đất này. Ông tổ khai canh của làng là người gốc Thanh Hóa và đặt tên làng là Hội Kỳ. Và cái tên Hội Kỳ gắn chặt với làng từ đó cho đến ngày nay. Được sự bảo vệ của những rặng tre và sự bao bọc của dòng Ô Lâu hiền hòa nên làng ít chịu sự tàn phá nặng nề của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay làng có diện tích đất tự nhiên là 258,4 ha và nghề nghiệp chính của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp (thuần nông). Trải qua hàng trăm năm tồn tại, Hội Kỳ vẫn giữ được những nét cổ kính có dáng dấp kiến trúc ngôi làng xưa đặc trưng với những rặng tre dọc bờ sông ôm lấy làng; những bến nước và những tán cây cổ thụ rũ bóng trước sân đình...

Cùng với cảnh quan hữu tình và đậm nét truyền thống, người dân nơi đây cũng có lối sống chan hòa, nặng tình làng nghĩa xóm. Dù chỉ có 110 hộ sinh sống, nhưng Hội Kỳ có đến hơn 40 cụ thọ trên 70 tuổi. Làng đến nay vẫn lưu giữ những di sản vật thể vô giá vừa cổ kính vừa đồ sộ. Trong tổng số 110 nhà của làng, hiện còn tới 21 nhà làm bằng gỗ quý, đa số là nhà một gian hai chái (còn gọi là nhà bánh ú), một số ít là nhà ba gian hai chái (còn gọi là nhà rường); 4 đền, miếu thờ và 2 nhà thờ họ. Tất cả đều được lợp ngói liệt đã thắm nâu. Trong đó có những nhà được xếp vào loại đặc biệt có giá trị.

Nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh có tên là Tích Khánh Đường được dựng vào năm 1889 (dưới triều vua Thành Thái), đến nay đã tồn tại 122 năm. Ông Mạnh là đời thứ 4 sinh sống, bảo quản và hương khói. Nhà có bề ngang 13,5m, rộng 9,4m, hình chữ đinh. Kiến trúc 3 gian 2 chái, 4 mái lợp so le 9 lớp ngói liệt hơn 10 vạn viên. 18 lá cửa bản khoa được chia thành ba cụm cân đối. Ngôi nhà được chống đỡ bằng 48 cột gỗ mít nài (mít rừng), đường kính khoảng 30cm/cột. Gian giữa là nơi thờ tự có treo bức hoành phi ghi chữ “Tích Khánh Đường” bằng chữ Hán, trên bàn thờ còn đầy đủ những tự khí cổ như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa…

“Tui nghe kể lại, để hoàn thành căn nhà này, gia đình tui đã phải nuôi thợ trong nhà hơn 3 năm liên tục. Khi hoàn thành căn nhà tiên tốn hơn 600 lương lúa, đó cũng là số thóc phải tích lũy trong hàng chục năm trời mới có được”, ông Mạnh cho hay.

Cả những đồ cổ có giá trị

Cách nhà ông Mạnh không xa, nhà bà Dương Thị Hường có tên Đức Lưu Quang cũng đã tồn tại gần 100 năm. Nhà bà Hường hình chữ nhất, cấu trúc 1 gian 2 chái, diện tích khoảng 60m2. Trong nhà treo bức hoành phi chữ Hán cổ cùng nhiều câu đối có ý nghĩa răn dạy con cháu đời sau.

Ngoài các căn nhà cổ còn lưu giữ được, Hội Kỳ cũng còn lại nhiều đền thờ, miếu, nhà thờ họ mái lợp ngói liệt cũng đã chuyển màu theo thời gian, bên trong đền thờ có những bàn thờ, khám thờ làm bằng gỗ được chạm khắc rất công phu. Phía Tây của làng là miếu thờ Bà, miếu được làm bằng gỗ, mái lợp ngói liệt, diện tích khoảng 8m2. Cách miếu không xa là lăng của bà Dương Thị Ngọt - vợ của vua Thành Thái cũng đượm màu rêu phong.

Trải qua hơn 400 năm tạo lập, với bao biến thiên của lịch sử nhưng Hội Kỳ đến nay vẫn giữ được những giá trị quý báu cả về văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Đặc biệt, những ngôi nhà cổ bằng gỗ quý độc đáo cùng với những ngôi nhà thờ họ, các đền miếu được gìn giữ khá nguyên vẹn.

Về Hội Kỳ chúng tôi vui vì đến nay người dân nơi đây vẫn giữ được những mái nhà cổ quý giá nhưng cũng nghe chuyện khá buồn rằng nay mai thôi, người ta sẽ cho phá rặng tre tự bao đời chạy dọc bờ sông trước mặt làng để làm kè bê tông... chống sạt lở!

“Rặng tre gắn liền với quần thể kiến trúc làng, nó đã bảo vệ ngôi làng trước phong ba bão tố bao đời nhưng giờ nghe sắp bị phá đi bọn tui lo lắng lắm. Điều cấp bách hiện nay là làm sao giữ được nguyên trạng quần thể ngôi làng, tránh sự can thiệp không đáng có. Bởi nếu chỉ cần một sự tác động không tính toán, cân nhắc kỹ thôi cũng làm mất đi giá trị vô giá mà dân làng bao đời lưu giữ được”, bà Dương Thị Ngọc trăn trở, nói.