Giết người vì bị đánh có phải là phòng vệ chính đáng?

ANTD.VN - Nguyễn Quang A (SN 1989), Hoàng Đình N (SN 1990), Vũ Thế P (SN 1986) và Trần Quang T (SN 1991) có mâu thuẫn với Đinh Văn B (SN 1989). Một buổi tối, A, N, P và T tìm đến nhà riêng của B để đánh. Khi gặp B và Nguyễn Tuấn H (bạn B) đi chơi về, A, N, P và T đã chặn đường gây sự. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Mặc dù H đã can ngăn nhưng cả 4 vẫn xông vào đấm đá B. B bị đánh bất ngờ,  ngã xuống đất và kêu la, sau đó B cố gượng dậy, chạy kêu cứu. A và đồng bọn tiếp tục đuổi theo. B chạy được khoảng 100m thì nhặt được chiếc vỏ chai ven đường bằng thủy tinh, đập vỡ và nói: “Đứa nào vào tao đâm chết!”. Khi N xông vào đấm B thì bị B đâm một nhát vào ngực, sau đó B bỏ chạy. A, P, T đưa N đến bệnh viện cấp cứu thì N tử vong. Kết quả giám định tử thi ghi: “Nạn nhân bị thủng vết ngực xuyên qua xương sụn ức vào phần trên tâm nhĩ phải của tim dẫn đến tử vong”. 

Vấn đề đặt ra là hành vi của Đinh Văn B là giết người hay phòng vệ chính đáng?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người 

Hành vi của B đã phạm vào tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự. Tôi cho rằng, tính mạng của con người là chủ thể được pháp luật bảo vệ một cách tuyệt đối. Bất cứ hành vi nào xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người đều phải được pháp luật xem xét một cách đầy đủ. Trong vụ việc này, dù bị A, N, P và T gây sự đánh nhau nhưng rõ ràng B đã bỏ chạy và sau đó còn nhặt được chiếc vỏ chai thủy tinh đập vỡ để làm hung khí kèm theo lời thách thức. Không chỉ dừng lại ở lời đe dọa, B đã đâm thủng tim N khiến N tử vong. Theo tôi đây là hành vi cố ý giết người của B và phải bị xử lý theo pháp luật. Việc trước đó B bị đánh chỉ là tình tiết giảm nhẹ tội cho B.

Hoàng Thị Vân (Quốc Oai - Hà Nội)

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 

Trong trường hợp nói trên, việc Đinh Văn B đánh trả lại Hoàng Đình N là thực hiện hành vi phòng vệ. Mặc dù nạn nhân chính là người có hành vi tấn công và B chống trả là hành vi phạm tội để ngăn chặn hành vi tấn công. Tuy nhiên, khi B dùng vỏ chai để đâm N là hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này đã vi phạm Điều 96, Bộ luật Hình sự tội giết người do vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng.    

 Nguyễn Văn Tình (Đoan Hùng - Phú Thọ) 

Không phạm tội 

Hành vi của B trong vụ việc này không phạm tội vì đây là trường hợp phòng vệ chính đáng. Ở đây mặc dù B dùng vỏ chai thủy tinh đập vỡ để đâm N, nhưng B đã thực hiện hành vi này khi mà cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng xuất hiện. Khi B và H đi chơi về thì bị nhóm A, P, T, N chặn đánh, mặc dù H đã can ngăn nhưng 4 đối tượng vẫn đấm đá B túi bụi làm cho B ngã xuống đất, sau đó B đã cố gượng dậy, chạy trốn trước hành vi tấn công của 4 người này nhưng vẫn bị nhóm của A đuổi theo tấn công.

Hành vi tấn công của 4 người này vẫn tiếp tục cho đến khi B thực hiện hành vi chống trả lại nhóm của A. Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe thân thể là quyền lợi chính đáng của mỗi cá nhân và được pháp luật bảo vệ. A, N, P, T đã ỷ thế đông người với những hành động tấn công bất ngờ, liến tiếp xâm phạm tới quyền lợi chính đáng của B. Việc B có hành vi tự vệ là hành vi chính đáng được pháp luật công nhận. Do đó B không phạm tội.

Văn Thành Trung (Kim Bôi - Hòa Bình)

Bình luận của luật sư

Xử lý người có hành vi phạm tội luôn là công việc của Nhà nước và phải tuân theo thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên trong một số trường hợp, luật cho phép một cá nhân được phép chống lại hành vi tội phạm. Đó là trường hợp phòng vệ chính đáng. Tại khoản 1, Điều 15, Bộ luật Hình sự quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Phòng vệ chính đáng thực chất là sự chống trả một cách hợp pháp đối với người thực hiện hành vi xâm hại những lợi ích được pháp luật bảo vệ bằng cách gây ra thiệt hại cho chính người đó. Chế định phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự có ý nghĩa cổ vũ, khuyến khích đông đảo nhân dân tham gia vào ngăn chặn những hành vi gây thiệt hại cho xã hội, đấu tranh chống tội phạm.

Hành vi phòng vệ chính đáng có thể gây ra một thiệt hại nào đó cho kẻ tấn công để ngăn chặn sự xâm hại những lợi ích hợp pháp, bảo vệ các lợi ích đó, xét về hình thức có những biểu hiện bề ngoài giống với một tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng được pháp luật thừa nhận là hành vi hợp pháp, là lợi ích cho xã hội chứ không phải là tội phạm.

Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phòng vệ chính đáng phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.

2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

3. Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.

4. Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. 

Trong vụ việc này, A, N, P, T chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà đã lao vào đánh B, kể cả khi có sự ngăn cản của H, các đối tượng này vẫn xông vào đấm đá B với quyết tâm đánh B bằng được. Hành vi này trực tiếp gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho B, do vậy mà cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng của B đã  phát sinh. Theo quy định của pháp luật, chỉ cần có hành vi đấm, đá của A, N, P, T đã trở thành cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng bởi cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng không nhất thiết phải là tội phạm.

Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 15, Bộ luật Hình sự cũng quy định: “Nếu hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết, tức là vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự”. Sự “chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết”, nghĩa là không tương xứng một cách rõ rệt với tính chất, mức độ nguy hiểm của sự tấn công, biểu hiện cụ thể ở việc gây ra cho người tấn công một thiệt hại với mức độ rõ ràng là không cần thiết.

Khi xác định vấn đề có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không đòi hỏi phải xem xét sự “tương xứng” giữa thiệt hại gây ra cho người tấn công và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đã được ngăn chặn, cường độ của sự tấn công và tính bất ngờ của nó, lực lượng và khả năng của người phòng vệ.

Bộ luật Hình sự quy định hành vi vượt quá giói hạn phòng vệ chính đáng có tính nguy hiểm cho xã hội là tội phạm cho nên người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Xét về phương diện chủ quan, trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, lỗi của người thực hiện hành vi chống trả đối với sự vượt quá chỉ có thể là cố ý mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu là vô ý thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp này, cần phân tích hành vi nhặt chiếc vỏ chai ven đường bằng thủy tinh, đập vỡ và đâm N của B là có quá mức cần thiết và không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị xâm hại hay không. Có thể nói, trước sự đe dọa ngay lập tức của 4 người tới “tính mạng, sức khỏe” của mình, hành vi của B có sự phòng vệ tự nhiên của bản thân để đáp trả hoặc ít nhất là đe dọa để “ngăn ngừa” sự tấn công tiếp tục của A, N, P và T.

Sau khi bị đánh, B cố gượng dậy, vừa chạy vừa kêu cứu. Việc B có thời gian vừa chạy, vừa kêu cứu” cho thấy khi đó B vẫn chưa phải bị dồn vào tình trạng không còn lối thoát. Lúc này, B hoàn toàn có thể có sự chọn lựa khác là tiếp tục chạy thoát thân. Tuy nhiên B đã chọn cách nhặt chiếc vỏ chai ven đường bằng thủy tinh, đập vỡ và nói: “Đứa nào vào tao đâm chết!”. Hậu quả là khi N xông vào đấm B, B đã dùng chiếc vỏ chai này đâm N khiến N tử vong sau đó.

Như vậy, có cơ sở để khẳng định hành vi của B đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vì vậy, B phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 96, Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

      Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)