Giết hại thầy mo ăn thịt để có sức mạnh siêu nhiên

ANTĐ - Tại Papua New Guinea (PNG), nạn mê tín dị đoan tin rằng có “phù thủy pháp thuật thần thông” lâu nay vẫn hoành hành nên cần phải tiêu diệt, và nhiệm vụ này là của một tà giáo, chuyên săn “thầy mo” để giết thịt. Thịt của thầy mo được gọi là “thịt heo dài”.

Hi vọng có năng lượng siêu nhiên

Cảnh sát sau khi điều tra cho biết, tà giáo ăn thịt người có khoảng từ 700 đến 1.000 người, tại nhiều làng nghèo. Các nghi can tin rằng, nếu ăn bộ phận ngũ tạng của các “thầy mo”, họ sẽ tiếp thụ được những năng lượng siêu nhiên, cơ thể chống được đạn, không bị bệnh hoạn, không gặp xui xẻo, tai nạn hoặc bị chết.

Cảnh sát PNG từng bắt 29 tên của một băng đảng “săn phù thủy” vì tội giết và ăn thịt 7 người đàn ông bị chúng buộc tội là “thầy mo lang băm”. Chúng giết chết 7 người này, ăn não của các các nạn nhân và chặt dương vật của họ để “nấu lẩu”! Cảnh sát trưởng xác nhận, số nghi can trên dùng rựa “xử” 7 nạn nhân vì nghi họ là “thầy mo”. Cảnh sát cho biết đây là hành vi mê tín dị đoan và  tất cả các thành viên tà giáo đều biết ăn thịt người. 29 nghi can gồm 8 phụ nữ đã bị buộc tội cố ý giết người, đã bị lãnh án tử hình.

Trong khi đó, những kẻ ăn thịt người kia lại cho rằng, họ chẳng làm gì sai phạm và đã khai, họ công khai xử tử các nạn nhân, vì các “thầy mo” lợi dụng những trò phù thủy để “thu phí chữa bệnh cao” để tống tiền dân làng nghèo, thậm chí đòi hỏi phụ nữ trong làng phải cho các “thầy mo” quan hệ tình dục.

Để mời một “thầy mo” nhằm biết được nguyên nhân cái chết của người thân hoặc nhờ trục xuất ma quỷ khỏi người bị ám, người làng có thể phải “cúng” 1.000 kina tiền mặt (475 USD) cùng một con heo và một bao gạo, nhưng cũng có “thầy mo” đòi quan hệ tình dục, dù quan niệm đạo đức của tà giáo là “thầy mo” không được ngủ với vợ của người khác hoặc với con gái còn trẻ.

Hành hạ dã man

Những năm qua, có một số vụ được cho là “săn thầy mo” và ăn thịt người. Năm 2009, có tin, một bà mo bị lột trần truồng rồi bị thiêu sống. Năm 2013, một cô giáo bị tra tấn trước mặt mọi người, rồi bị dân làng chặt đầu sau khi cô bị buộc tội là “thầy mo” trù yểm một người hàng xóm. Tên của cô giáo là Helen Rumbali, người làng đã cầm súng, rựa và búa để lôi nạn nhân cùng chị gái và hai đứa cháu gái ra khỏi nhà cô, rồi họ châm lửa đốt căn nhà ra tro.

Cảnh sát đến can thiệp thì đã quá muộn, Rumbali bị chặt đầu sau khi bị tra tấn. Người chị và hai đứa cháu bị đâm nhiều nhát dao, chỉ được dân làng thả sau cuộc thương lượng với cảnh sát. Vụ chặt đầu cô giáo Rumbali xảy ra hồi tháng 4-2013. Hai chị em cùng hai người cháu bị tra tấn suốt 3 ngày.

Lòng tham và ghen tuông

Ở PNG có “Luật phù thủy” từ 42 năm trước, cho phép việc giết ai đó bị nghi làm trò “trù yểm, ma thuật”. Hồi tháng 5-2013, chính phủ PNG đã phải hủy luật này sau khi xảy ra nhiều vụ bạo lực. Nhà nhân chủng học Richard Eves nói: “Không bảo đảm sẽ kết thúc được những vụ “săn phù thủy” vì tỷ lệ cảnh sát trong dân quá thấp.

Khi có một tên tội phạm có vũ trang khát máu, thì lực lượng cảnh sát mỏng chẳng thể làm gì. Các chuyên gia cho rằng, những vụ bạo lực liên quan “tội phù thủy” gia tăng là do sự khác biệt về kinh tế khiến người ta nuôi dưỡng sự ganh tỵ, ghen tuông, chứ chẳng bởi niềm tin “có phù thủy”. Những chuyên gia nói, sự ghen tỵ gây ra nhiều hận thù, người không có của ghen ghét người giàu có khá giả, nên họ mượn cớ “phù thủy” để giết người khác, không cho người khác có thể giàu thêm. Hiện 7 triệu cư dân PGN là nông dân nghèo tá túc trong các mái lều tranh.

“Phù thủy” làm “chỉ điểm”

Liên Hiệp Quốc ( LHQ) đã ghi nhận về hàng trăm vụ bạo lực liên quan tới “phù thủy và săn phù thủy” ở PNG, chủ yếu xảy ra ở những vùng hẻo lánh, ít báo cáo thông tin.

Theo LHQ, đã xảy ra nhiều vụ tấn công “phù thủy” nhưng hầu như kẻ “săn phù thủy” đều không bị trừng phạt.

Luật sư Miranda Forsyth thuộc Đại học quốc gia Úc nói: “Niềm tin của người PNG là, nếu họ không giết người bị xem là phù thủy thì người ấy sẽ tiếp tục gieo rắc cái chết và sự xui xẻo, bệnh tật cho dân làng”. 

Đã có những hoạt động được tổ chức nhằm làm giảm nạn bạo lực “săn phù thủy” ở PNG. Tại tỉnh Simbu vốn đã xảy ra nhiều vụ như trên, bác sĩ ở bệnh viện Kundiawa đang giúp các gia đình hiểu lý do vì sao người thân của họ chết, nhằm loại bỏ nguy cơ xảy ra những vụ giết người, trả thù, mượn cớ “giết phù thủy”.

Các chức sắc tôn giáo cũng huấn luyện các tình nguyện viên, tìm các cách ngăn chặn những vụ “tố cáo phù thủy” tại các đám tang, và gửi tin nhắn khi các tình nguyện viên nhận định một vụ “săn phù thủy sắp hình thành”.