Gieo hạt giống tốt, mùa gặt thành công

ANTĐ - Năm Nhâm Thìn 2012 đầy khó khăn đã đi qua, năm Quý Tỵ 2013 với nhiều thử thách đang đặt ra phía trước. Đầu Xuân mới, phóng viên Báo An ninh Thủ đô có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội về những việc lớn mà Thủ đô Hà Nội sẽ triển khai trong năm tới.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
động viên tân binh tại lễ giao quân năm 2012

Nỗ lực vượt khó

- Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, năm 2012 là một năm rất khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn phát triển khá ổn định, dường như chúng ta đã phải gắng hết sức mình? 

- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều thách thức và khó khăn lớn hơn so với dự báo ban đầu. Dù vậy, TP Hà Nội đã gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ: Kinh tế duy trì tăng trưởng hợp lý, GDP cả năm 2012 đạt 8,1%, cao gấp 1,55 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Lạm phát đã giảm nhanh. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Đời sống của nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đặc biệt hướng tới quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Để có được kết quả chung ấy, nhất là trong điều kiện khó khăn gay gắt như năm 2012, không hề dễ chút nào. Song, trước thách thức càng lớn, càng thể hiện rõ bản lĩnh, quyết tâm và trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Có thể nói, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Thành phố đã chủ động chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể, lựa chọn gieo những hạt giống tốt và đến nay đã có mùa gặt thành công.

- Một trong những điểm sáng của năm 2012 là tình hình giao thông đã cải thiện đáng kể, Thành phố sẽ nối tiếp thành công này ra sao trong năm 2013, thưa đồng chí?

- Đây là nỗ lực hết sức to lớn của Thành phố chúng ta trong năm 2012. Ngay từ những ngày đầu năm, Thành phố đã chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lựa chọn, thống nhất và tổ chức triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp như: phân làn giao thông, điều chỉnh giờ học, giờ làm; xử lý kiên quyết tình trạng đỗ xe trên vỉa hè, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hoàn thành nhiều công trình quan trọng, góp phần giảm ùn tắc. Nổi bật là, đã xây thêm 5 cầu vượt nhẹ, thông xe nhiều tuyến đường chính, đường vành đai... Do vậy, kết quả đạt được rất đáng khích lệ: Ùn tắc và tai nạn giao thông được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, tai nạn giao thông giảm mạnh về cả số vụ và số người thương vong. 
Trên đà chuyển biến tích cực như vậy, để vươn tới thành công lớn hơn, bền vững hơn, năm 2013, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, ưu tiên hàng đầu sẽ là tập trung phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô; phát triển giao thông tĩnh, xã hội hóa đầu tư các bến, bãi đỗ xe, tiếp tục khởi công một số cầu vượt; triển khai đề án quản lý giao thông thông minh trên các trục chính. Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ cho phép phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung cho Thành phố...

Mỗi người nên tự giác sửa mình

- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Hà Nội đã kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hết sức thẳng thắn, nghiêm túc, cầu thị từ cấp Thành phố tới cơ sở, kết quả nào đạt được là rõ nhất, thưa đồng chí?

- Nghị quyết Trung ương 4 là Nghị quyết mà ý Đảng hợp với lòng dân. Yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 đề ra cũng chính là mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội, sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, phải tạo được những chuyển biến rõ nét, tích cực; sau kiểm điểm, phải từng bước khắc phục được các yếu kém, khuyết điểm nổi lên thời gian vừa qua. 

Với Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong quá trình kiểm điểm, chúng ta rất chú trọng góp ý thẳng thắn cho nhau, kể cả tập thể và cá nhân về những yếu kém, khuyết điểm. Từng đồng chí, ai cũng hiểu là thời gian qua mình đã có khuyết điểm, hạn chế gì và phải tập trung vào đó để sửa. 
Tôi cho rằng, trong mỗi người chúng ta đều đang có những chuyển biến, không chỉ ở nhận thức mà cả ở việc làm. Trên thực tế, rất nhiều cơ quan, đơn vị đang nỗ lực khắc phục, đạt kết quả ở mức độ nhất định. Chẳng hạn, tinh thần trách nhiệm trong công việc, ý thức phục vụ, giao tiếp với nhân dân, doanh nghiệp đã tốt lên. Hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng giảm bớt. Tiếng kêu ca vẫn còn, song so với trước đã ít đi. Thời gian giải quyết công việc đã nhanh hơn, và đặc biệt với quy trình thủ tục, đã chú ý rà soát nghiêm túc, thận trọng và đúng quy định hơn.

- Vấn đề “chạy” chức “chạy” quyền, “mua bán” công chức đã có dư luận từ lâu, nhưng nhờ Nghị quyết Trung ương 4, việc này đã sáng tỏ nhiều hơn?

- Nghị quyết Trung ương 4 có nói đến 7-8 thứ “chạy”, nhưng phải nói, thứ “chạy” phổ biến nhất, chi phối nhiều nhất là “chạy” chức, “chạy” quyền, rồi vì việc ấy mà dẫn đến “chạy” bằng cấp, “chạy” thi đua khen thưởng và “chạy” những thứ khác nữa. Thực trạng đó nói lên hai điều. Thứ nhất, thể hiện cơ chế, chính sách trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt cán bộ hiện nay chưa đủ khoa học, chưa thực sự công khai, minh bạch. Thứ hai, xét về nguyên nhân chủ quan do phẩm chất của con người, cần được nhìn nhận từ cả hai phía: người được “chạy” và người “chạy”. Nếu người ta “chạy” mà không có người nhận thì người “chạy” cũng không thể đạt được mục đích. Vì thế, đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình vừa rồi là để cho mọi người nhìn nhận, góp ý cho nhau xem là ở cơ quan nào, người nào có hiện tượng ấy để nhắc nhau, khắc phục. Đối với những trường hợp qua thanh tra, kiểm tra kết luận được là vi phạm, thì dứt khoát phải xử lý kỷ luật.

- Đồng chí Bí thư đánh giá thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu trước những yếu kém, thiếu sót đã bộc lộ ra sau đợt kiểm điểm vừa qua?

- Một yêu cầu quan trọng trong đợt tự phê bình và phê bình vừa qua là cấp trên nêu gương đối với cấp dưới. Đây là yêu cầu khách quan, rất cần thiết. Trong tổ chức, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, người lãnh đạo phải làm gương cho quần chúng. Trong gia đình cũng vậy, bố mẹ phải làm gương cho con cái, anh chị phải làm gương cho em. Với tinh thần như vậy, Bộ Chính trị đã rất nghiêm túc thực hiện yêu cầu ấy. Vừa qua, Bộ Chính trị đã kiểm điểm hết sức nghiêm túc. Một trong những biểu hiện rất rõ của tinh thần tự giác, nghiêm túc là Bộ Chính trị tự nhận hình thức kỷ luật chứ không chờ đến tổ chức nào xét, yêu cầu thi hành kỷ luật. Tiếp đến, các đồng chí đứng đầu Đảng, Chính phủ thay mặt cho Đảng, Chính phủ nhận lỗi, nhận khuyết điểm trước Đảng và trước nhân dân - đó cũng chính là biểu hiện của sự nghiêm túc. 
Điều đó bước đầu được dư luận đánh giá cao, song tôi cũng nghe được rất nhiều ý kiến của đảng viên và nhân dân cho rằng như vậy là chưa đủ. Điều quan trọng hơn, được nhân dân mong đợi và đang theo dõi sát sao là phải sửa chữa được những khuyết điểm, thiếu sót đã chỉ ra. Ý thức được điều này, thời gian vừa qua, những việc có thể sửa được ngay thì Trung ương đã và đang tập trung thực hiện. Ban Bí thư Trung ương vừa ban hành chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và yêu cầu thực hiện nghiêm trong toàn Đảng.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “tự phê bình cần như rửa mặt hàng ngày”, đồng chí có thể chia sẻ quan điểm này?

- Bản chất của việc tự phê bình và phê bình là nhằm mục đích khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để tư tưởng và hành động đúng hơn, tốt hơn. Cùng với việc nhận trách nhiệm, chúng ta không phải chỉ hứa hẹn, mà phải tự giác, quyết tâm sửa chữa nghiêm túc, và nên sửa ngay từ những việc cụ thể. Do vậy, trong đánh giá kết quả của việc tự phê bình và phê bình, tiêu chí cao nhất chính là ở chỗ sửa chữa khuyết điểm. Tôi cho rằng, dù ở những cương vị khác nhau, ai cũng phải tự sửa mình hằng ngày. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nói, nếu cần thiết phải kỷ luật thì kỷ luật, nhưng quan trọng nhất là phải sửa. Nếu kỷ luật mà không sửa thì cũng không tốt bằng không kỷ luật mà tự giác sửa.

Không thể có đũa thần!

- Với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  tháng 7-2011), Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và Luật Thủ đô (Quốc hội thông qua tháng 12-2012), liệu Hà Nội có kịp bứt phá trong năm 2013 -năm bản lề của kế hoạch 2011-2015, thưa đồng chí?

- Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, là những văn bản hết sức quan trọng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý và khoa học, định hướng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Song, không phải là một chiếc đũa thần, vung lên là ngày mai Hà Nội thay đổi ngay. Xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại là một công việc to lớn, lâu dài. Muốn có thay đổi trên thực tế, đòi hỏi chúng ta phải tạo được những chuyển biến cả trong nhận thức lẫn trong hành động, phải nỗ lực hết mình. Để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm, đáp ứng được kỳ vọng của mọi người, chúng ta phải có quyết tâm cao và phải đồng tâm hiệp lực.

- Trong năm tới, Thành phố sẽ làm gì để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, thưa đồng chí?

- Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền Thủ đô phải nghĩ đến những việc cần lãnh đạo, chỉ đạo triển khai để đưa Luật vào cuộc sống. Là người đứng đầu Đảng bộ Thành phố, tôi luôn ý thức về trách nhiệm của mình trước những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân cả nước về việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Coi việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố năm 2013. Do vậy, Thành phố sẽ kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ này với những nhiệm vụ thường xuyên khác. Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay là công tác tuyên truyền, phổ biến Luật; tiếp đến là công việc cụ thể hóa, xây dựng cơ chế, chính sách để đưa Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống.

Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo TP 

- Năm 2013, Hà Nội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt Thành phố, thưa đồng chí Bí thư, ai sẽ được lấy phiếu và ai được nhận xét, đánh giá?

- Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vào quý I-2013. Đối tượng tham gia nhận xét, bỏ phiếu là tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và những người được đưa ra đánh giá, lấy phiếu là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó gồm cả Bí thư, các Phó Bí thư Thành ủy và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố. Năm 2013 sẽ là lần đầu tiên thực hiện và các năm sau sẽ trở thành việc làm thường xuyên. Quy trình, thủ tục, tiêu chí để nhận xét, đánh giá được xây dựng phải thuận tiện, không quá rườm rà hoặc quá nhiều tiêu chí. Đối với người cán bộ, cần nhất hai tiêu chí cơ bản: năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất đạo đức cá nhân. Việc đánh giá sẽ tập trung vào những tiêu chí lớn, không đi vào những nội dung chi tiết, như tác phong, thái độ, quan hệ với quần chúng...

- Giả sử xuất hiện trường hợp có tín nhiệm thấp thì Thành phố sẽ xử lý như thế nào, thưa đồng chí?

- Việc lấy phiếu sẽ cho thấy tỷ lệ tín nhiệm cao thấp ra sao để các đồng chí Ủy viên Thường vụ Thành ủy tự soi, sửa mình. Qua lấy phiếu tín nhiệm, những cán bộ lãnh đạo có chỉ số tín nhiệm thấp, yếu kém, không được tập thể tin tưởng sẽ căn cứ vào mức độ cụ thể mà có biện pháp xử lý kịp thời. Những cán bộ 2 năm liên tục không đạt yêu cầu phiếu tín nhiệm thì sẽ bị thay thế. Những cán bộ dù mới 1 năm mà tín nhiệm quá thấp cũng sẽ phải thay thế, luân chuyển ngay, không cần đợi đến hết nhiệm kỳ, vì thật ra, nếu cán bộ tín nhiệm đã rất thấp thì có cố để lại cũng không còn uy tín để lãnh đạo, điều hành nữa.

- Là người đứng đầu Thường vụ Thành ủy, cá nhân đồng chí Bí thư Thành ủy có tự tin khi được lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên? 

- Tôi cho rằng mọi người sẽ công bằng trong việc đánh giá. Mình làm việc như thế nào thì sẽ được tập thể đánh giá như thế. Tôi tin vào điều đó. Tôi nghĩ rằng mình cũng không phải là người hoàn hảo, nên nếu nay mai lấy phiếu tín nhiệm mà có bị mất một số phiếu thì đó là sự đánh giá khách quan, là sự nhắc nhở đối với bản thân để cố gắng nâng cao chất lượng công việc hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, của công việc.

Quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương

- Thành phố đã quyết định lấy năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính”, đây có phải chỉ dấu cho thấy, Thành phố sẽ chỉ đạo hết sức quyết liệt trong việc siết lại kỷ cương hành chính trong năm tới?

- Nghị quyết Đại hội lần thứ 15 Đảng bộ Thành phố đã khẳng định: Cải cách hành chính là một trong hai khâu đột phá được thực hiện trong giai đoạn 2010-2015. Do đó, đẩy mạnh cải cách hành chính không chỉ là nhiệm vụ của năm 2013 mà của cả nhiệm kỳ. Có rất nhiều nội dung liên quan tới cải cách hành chính, trong đó, có việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Điều đó cũng có nghĩa là phải ra sức khắc phục những biểu hiện tiêu cực, yếu kém của một bộ phận công chức, viên chức, phải làm sao để nâng cao hơn nữa tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân. Phải thực sự gương mẫu trong thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là yêu cầu khắc phục triệt để những biểu hiện tiêu cực.

- Nhiều cán bộ đã bị kỷ luật nhưng vi phạm chưa thể hết, đơn cử như các vi phạm trật tự xây dựng năm qua đã “nóng” trở lại, liệu có phải chế tài hiện nay chưa đủ răn đe?

- Nếu vi phạm vẫn còn thì xử lý càng phải thường xuyên hơn. Cần làm nghiêm túc, liên tục mới ngăn chặn, phòng ngừa được. Còn nếu chỉ quyết liệt lúc vi phạm rộ lên rồi sau đó lại buông lỏng quản lý, lại vướng vào tiêu cực, thì tình hình sẽ diễn biến theo chu kỳ, cứ vài năm sẽ lặp lại các vi phạm cũ.

- Nhân dịp năm mới Quý Tỵ 2013, đồng chí muốn nhắn gửi điều gì tới nhân dân Thủ đô?

- Năm 2013 được dự báo còn không ít khó khăn nhưng cũng có cả những cơ hội để Hà Nội vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Tôi mong rằng, mọi công dân Thủ đô cùng đồng tâm hiệp lực, xây dựng, phát triển Thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân Thủ đô và cả nước.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!


- Năm 2012, Hà Nội luôn đảm bảo an ninh - an toàn tuyệt đối, đồng chí đánh giá thế nào về thành tích của lực lượng Công an Thủ đô?

Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị: Trên lĩnh vực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô, CATP Hà Nội luôn là lực lượng nòng cốt, có vai trò hết sức quan trọng. Các lực lượng của CATP Hà Nội luôn làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, mưu trí, dũng cảm, luôn chủ động, làm chủ tình hình, không bị động, bất ngờ. Nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp xảy ra trên địa bàn nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, CATP Hà Nội đã nhanh chóng giải quyết một cách có hiệu quả; tiến hành điều tra, bắt giữ, xử lý kịp thời, tạo ra được sự giáo dục, răn đe rất cao. Những thành tích ấn tượng đó đã đem lại niềm vui, niềm tin và sự yên tâm đối với cả xã hội. Thủ đô Hà Nội được người dân và bạn bè quốc tế công nhận là thành phố có mức độ an ninh - an toàn cao. Điều đó không chỉ được chứng minh trong thời điểm bình thường mà ngay cả những khi diễn ra những sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội, ngoại giao lớn của Thành phố và đất nước. Có nhiều lực lượng cùng tham gia vào thành công đó, nhưng công đầu luôn thuộc về các lực lượng của CATP Hà Nội.