Giấy khen cuối năm: Phát đồng loạt để chiều phụ huynh

ANTĐ - “Tâm lý phụ huynh vẫn thích phải có giấy khen cuối năm cho con để còn có chứng cứ khoe con học giỏi, nộp cho cơ quan để lấy phần thưởng… Đấy là nguyên nhân vì sao các trường tiểu học có tới hàng nghìn giấy khen, trong khi chỉ nên tập trung khen những cá nhân thực sự xuất sắc, nỗ lực” - một cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ.

Loạn “thị trường” giấy khen

Thông tư 30 đổi mới đánh giá nhận xét học sinh tiểu học sau gần 2 năm thực hiện vẫn đang khiến phụ huynh học sinh đứng ngồi không yên với những đổi mới khá khó hiểu được thể hiện cụ thể trong các tấm giấy khen cuối năm học. Mới đây nhất, dân mạng lại “nổi sóng” với giấy khen của trường tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội với nội dung: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”.

Các phụ huynh được dịp bàn luận sôi nổi rằng nên hiểu nội dung khen này như thế nào. “Chắc chắn giấy khen này không quy đổi ra được danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến như trước đây, lại càng không giống cách khen thông thường của các trường hiện nay là học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt. Danh hiệu học sinh khen từng mặt thật khó để phụ huynh hiểu chứ chưa nói tới giải thích cho con” - chị Phan Đăng Anh, phụ huynh học sinh trường này chia sẻ.

Giải thích về nội dung danh hiệu này, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phương cho biết, nhà trường thực hiện theo Thông tư 30 với thống nhất áp dụng 2 hình thức khen học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt. Tuy nhiên, trên giấy khen lại không thể hiện được khen từng mặt là mặt nào nổi trội của học sinh đó như môn Toán, môn Tiếng Việt, hay thể dục thể thao…

“Nhà trường đã nhận ra lỗi của mình với cách khen khó hiểu nên chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để những năm sau ghi cụ thể hơn” - Hiệu trưởng trường này cho biết.

Có thể thấy, cuối năm học, việc tặng giấy khen của các trường quả thực rất đa dạng về đủ loại thành tích, danh hiệu.

Có trường khen con đạt thành tích giao lưu năng khiếu, có trường tặng giấy khen con có tinh thần tương thân tương ái, có giấy khen học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán, có giấy khen thì không đủ chỗ để ghi nội dung khi con được khen hoàn thành tốt các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý… cộng thêm tích cực trong công tác học tập.

Việc tặng giấy khen của các trường đa dạng về đủ loại thành tích, danh hiệu

Giảm ý nghĩa khen thưởng

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, quận này thống nhất chỉ phát giấy khen đối với 2 đối tượng học sinh tiểu học năm nay với danh hiệu hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nội dung các môn học và rèn luyện.

“Chỉ với 2 đối tượng này thì cũng đã có tới 90% các con được tặng giấy khen. Cá nhân tôi nghĩ như vậy là quá nhiều. Giấy khen chỉ nên tặng cho những học sinh có thành tích xuất sắc mặt nào đó chứ không nên phát đồng loạt, vì như vậy sẽ mất hết ý nghĩa khen thưởng, chưa kể đến lãng phí tiền của phụ huynh. Một trường có 1.200 học sinh thì có 1.000 em được tặng giấy khen. Tính ra trường cũng mất 10 triệu đồng in giấy khen”.

Khi được hỏi vì sao không đổi mới cách khen thưởng, thay vì cứ phát giấy khen đồng loạt, ông Vũ chia sẻ: “Phụ huynh chỉ thích giấy khen. Phần thưởng thiết thực cho các con như bút, vở cũng không bằng một tấm giấy khen để treo trên tường”.

Đánh giá về cách khen quá “tóm tắt” như kiểu khen từng mặt, hay kiểu chung chung khi khen tinh thần tương thân tương ái…, PGS. TS Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc khen thưởng theo Thông tư 30 hiện vẫn chưa được hiểu rõ và triển khai đúng dù đã gần 2 năm thực hiện.

PSG.TS Nguyễn Đức Minh cho rằng: “Đánh giá và khen thưởng mỗi cá nhân học sinh phải do giáo viên thực hiện chứ không thể khen chung chung mọi mặt hay từng mặt như cách làm của trường tiểu học Tân Phương. Chỉ có giáo viên mới bám sát từng cá nhân và hiểu học sinh đó phát triển, tiến bộ như thế nào để khen cho đúng. Như vậy mới đem lại hiệu quả khi đánh giá học sinh. Thực tế cho thấy đến nay, ngay cả cấp quản lý, giáo viên lẫn phụ huynh đều chưa nắm rõ cách đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, vẫn thực hiện Thông tư 30 theo tư duy cũ”.

Cũng theo PSG.TS Nguyễn Đức Minh, việc khen học sinh không nhất thiết cứ phải bằng hình thức phát giấy khen hay ghi vở…

“Chỉ cần một câu khen con làm toán đúng, viết chữ cẩn thận ngay khi con tiến bộ trên lớp thì đã có hiệu quả nhiều lần so với một tờ giấy khen cuối năm” - ông Minh khẳng định.