Giật mình với số người tử vong do chụp ảnh "selfie"

ANTD.VN - Chụp được bức ảnh “selfie” hoàn hảo có thể mang lại cảm giác thích thú. Nhưng nếu đang lái máy bay, hay cầm một khẩu súng đã nạp đạn hoặc đứng trên những gờ đá trơn trượt gần thác nước thì bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi chụp ảnh “selfie” vì cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt, thậm chí không còn cơ hội để sửa sai.

Giật mình với số người tử vong do chụp ảnh "selfie" ảnh 1Không nên mạo hiểm tính mạng để chụp ảnh “selfie”

Hầu hết nạn nhân là nam giới 

Một thiếu niên ở thành phố Chennai của Ấn Độ đã tử vong trong lúc chụp ảnh “selfie” trên đường ray tàu hỏa. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra hồi năm 2016 khi cậu ta đi bộ trên đường ray để tới gần hơn đoàn tàu hỏa đang lao tới nhằm có được bức ảnh “selfie” đáng nhớ. Tuy nhiên, do không kịp nhảy ra khỏi đường ray, thiếu niên 16 tuổi này đã bị tàu hỏa cán qua người, tử vong. Trước đó không lâu, một du khách người Áo suýt mất mạng khi bị rơi xuống một cái giếng ở Junagadh, miền tây Ấn Độ trong khi chụp ảnh “selfie”. Đây là hai trong nhiều trường hợp “selfie” nguy hiểm, được nêu ra nhằm cảnh báo những bạn trẻ không nên bất chấp nguy hiểm, mạo hiểm tính mạng của mình để có được bức ảnh “selfie” hoàn hảo. 

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Chăm sóc ban đầu và Y tế gia đình, khoảng 259 người trên thế giới đã tử vong trong lúc chụp ảnh “selfie”. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Y khoa toàn Ấn Độ, một nhóm các trường đại học y tế công lập ở New Delhi, đã lục tìm tin tức về những vụ tử vong do chụp ảnh “selfie” xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 10-2011 đến tháng 11-2017. Họ phát hiện ra rằng số vụ tử vong do “selfie” xảy ra nhiều nhất ở Ấn Độ, tiếp theo là Nga, Mỹ và Pakistan. Hầu hết nạn nhân là nam giới (khoảng 72%) và dưới 30 tuổi. Trong đó, Ấn Độ chiếm hơn một nửa với 159 người được báo cáo tử vong trong lúc chụp ảnh “selfie” kể từ năm 2011. 

Mặc dù phụ nữ thường có nhiều ảnh “selfie” hơn nam giới, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đàn ông ưa rủi ro hơn - như đứng ở rìa vách đá - để chụp một bức ảnh ấn tượng. “Điều đó lý giải cho số lượng tử vong và sự cố đối với nam giới cao hơn”, nghiên cứu cho biết.

Theo kết quả nghiên cứu, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu trong các vụ tử vong do chụp ảnh tự sướng, thường là những người bị sóng biển cuốn trôi hoặc ngã khỏi thuyền. Nguyên nhân thứ hai là tai nạn giao thông, chẳng hạn như khi nạn nhân cố chụp nhanh bức ảnh trong lúc đoàn tàu đang lao tới. Nguyên nhân thứ ba được đề cập đến là những vụ tử vong liên quan đến hỏa hoạn và ngã từ trên cao. Có 8 trường hợp thiệt mạng trong lúc chụp ảnh “selfie” với những động vật nguy hiểm. Không bất ngờ khi Mỹ đứng đầu trong số những trường hợp tử vong liên quan đến súng, khi các nạn nhân vô tình bắn vào mình trong lúc tạo dáng với súng. 

Thiết lập “những khu vực cấm chụp ảnh selfie”

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vấn đề này đã bị coi nhẹ, và gần như chắc chắn không được ghi trong báo cáo. Chẳng hạn, khi một người chụp ảnh “selfie” trong lúc lái xe, sau đó bị tử vong trong vụ tai nạn xe hơi, hầu hết thường được báo cáo là một vụ tai nạn giao thông gây chết người. Có nơi những vụ tử vong trong lúc chụp ảnh “selfie” có thể còn không được đăng tải trên báo chí địa phương. 

Trên thực tế, các vụ tử vong trong lúc chụp ảnh “selfie” đang tăng lên. Năm 2011, chỉ có 3 vụ tử vong được báo cáo, nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 98 trường hợp. “Các thanh thiếu niên và khách du lịch thường muốn có được bức ảnh đẹp để chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều lượt thích và bình luận”, nghiên cứu cho biết, “Chụp ảnh “selfie” về bản chất không có hại, nhưng hành vi của con người đi kèm với ảnh chụp mới gây ra nguy hiểm. Mọi người cần được giáo dục về những hành vi nguy hiểm nhất định và những nơi nguy hiểm không nên chụp ảnh tự sướng”. 

Các tác giả trong bản nghiên cứu đề xuất thiết lập “những khu vực cấm chụp ảnh selfie” tại các điểm du lịch, đặc biệt là trên các đỉnh núi, gần các vùng nước và trên nóc các tòa nhà cao tầng. Ấn Độ có hơn một chục khu vực như vậy, bao gồm một số khu ở   Mumbai. Cảnh sát nói rằng họ đã xác định chính xác các địa điểm quanh thành phố với mong muốn hạn chế mọi người chụp ảnh selfie nguy hiểm để ngăn ngừa thương vong. 

Sau một loạt các vụ tử vong liên quan đến “selfie” vào năm 2015, cảnh sát ở Nga đã phát một cuốn cẩm nang thúc giục mọi người “chụp ảnh selfie an toàn”. “Một bức ảnh selfie ấn tượng có thể khiến bạn mất mạng”, cuốn cẩm nang viết. Trong đó còn có ảnh đồ họa giống như các biển báo giao thông, hầu hết đều dựa trên các vụ việc thực tế - chẳng hạn như trường hợp một phụ nữ 21 tuổi vô tình bắn vào đầu mình và một thiếu nữ bị tàu hỏa đâm sau khi cố chụp ảnh “selfie” trên đường ray.