Giật mình với cảnh học sinh ăn cơm "chạy" để học thêm

ANTD.VN - Xem video clip trên mạng xã hội về 2 học sinh vừa được chở xe máy trên đường vừa lùa vội hộp cơm để còn kịp giờ học, nhiều phụ huynh giật mình nhìn lại lịch học dày đặc của con mình. Ở góc độ nào đó, chính các bậc phụ huynh đang góp phần lớn trong việc tạo nên sự quá tải học hành của con cái. 

Giật mình với cảnh học sinh ăn cơm "chạy" để học thêm ảnh 1

Ăn vội hộp cơm trên đường để còn… đi học (ảnh cắt từ video clip)

Ngày càng quá tải học thêm 

“Lần đầu tiên chứng kiến cảnh các em tranh thủ từng phút để ăn vội miếng cơm tôi thấy rất thương. Ăn như vậy vừa ảnh hưởng đến sức khỏe các em lại vừa mất vệ sinh… Tôi nghĩ sẽ không cha mẹ nào muốn con mình ăn uống như thế này. Tuy nhiên, dù có vội đến mấy thì các bậc phụ huynh cũng nên cố gắng cân bằng những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ và chương trình học của các cháu. Trẻ em  là tuổi ăn tuổi lớn cần phát triển đồng đều về mặt sức khỏe và tri thức", tác giả video clip chia sẻ trên mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao ở con cái khiến các ngày trong tuần kín đặc lịch học thêm. "Có những trường hợp mẹ học sinh hàng ngày mượn phòng khách của nhà trường đút cháo cho con để kịp giờ đưa con đi học múa lúc 5h chiều và 7h30 tối đi học tiếng Anh. Cả một tuần, kín lịch học văn hoá, nghệ thuật đối với học sinh tiểu học trong trường chúng tôi không hề hiếm" - bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết.

Kể về một trường hợp mâu thuẫn khá gay gắt giữa học sinh và phụ huynh, bà Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân cũng từ việc cha mẹ gây áp lực quá lớn với con trong việc học hành. "Cậu học sinh này đổ lỗi cho bố mẹ đã khiến cậu không có tuổi thơ vì lịch học kín đặc. Mâu thuẫn lớn đến mức mà thầy cô bắt buộc phải theo sát mọi diễn biến tâm lý của cậu học sinh, tổ chức nhiều buổi "hoà giải" giữa học sinh và gia đình để xoá đi dấu ấn nặng nề về một tuổi thơ chỉ toàn học và học" - bà Cao Thanh Nga cho biết.

Chọn lọc để đầu tư hiệu quả

Để tránh cho học sinh rơi vào tình trạng quá tải học thêm, bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho rằng, phụ huynh trước tiên cần tìm hiểu xem thiên hướng của con có thể phát triển về lĩnh vực gì để tập trung theo đuổi.

"Trong thời đại công nghiệp, các phụ huynh quá bận rộn nhưng không vì thế mà không dành thời gian riêng cho gia đình, tìm hiểu về con, thiên hướng, năng khiếu để định hướng đúng đắn, tránh học tràn lan, quá sức. Nhiều học sinh vì thế mà sợ học, càng học thêm càng không hiệu quả, mất đi động lực phát triển, phấn đấu về những môn học, lĩnh vực các con yêu thích" - bà Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ.

Với kinh nghiệm sư phạm lâu năm, bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, hiện có rất nhiều hình thức học mà không cần phải đến lớp. "Tùy theo điều kiện thời gian, học sinh có thể đăng ký các môn học online. Còn nói là bị buộc phải học thêm thầy cô ở trường thì chính là phụ huynh không dám vượt qua tâm lý không cho con học cô thì con bị thiệt thòi, trù úm. Nếu con học tốt, đúng năng lực, sở trường thì không giáo viên nào có thể can thiệp vào thành tích của con chỉ vì không đi học thêm" - bà Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ.

Đối với bậc tiểu học, bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho rằng, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể hỗ trợ các môn cơ bản tại nhà cho con mình. Còn nếu quá bận rộn, không đủ thời gian kèm con học, với những cháu chưa có ý thức tự giác, mải chơi thì gia đình có thể lựa chọn gia sư có kinh nghiệm, năng lực sư phạm tốt để hỗ trợ con. "Bố mẹ phải biết thiên hướng, ưu nhược điểm của con để định hướng tốt, tránh đầu tư học thêm tràn lan, tạo áp lực không cần thiết cho con cái" - bà Nguyễn Thị Xuân Mai nhấn mạnh.

Thực tế, áp lực chọn trường, chọn lớp, thi vào trường chuyên, lớp chọn vẫn đang là nguyên nhân chính khiến các bậc phụ huynh phải ép con chạy đua đến các lớp học thêm. Trong khi đó, việc tìm hiểu năng lực, định hướng con cái, đào tạo theo sở trường lại ít được chú trọng khiến cho học sinh vẫn đang hàng ngày chịu áp lực lớn vì quá tải học thêm.