Giật mình: Chỉ 20 trong số hàng nghìn loại thiết bị y tế được kiểm định

ANTĐ -  Sáng nay, 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT). Đa số ý kiến trong Ủy ban TVQH băn khoăn cho rằng, rất nhiều điểm trong dự thảo nghị định còn ôm đồm, chưa phù hợp và khó khả thi, thậm chí gây phiền hà khi thực hiện.

Nhiều thiết bị y tế hiện đại ở các bệnh viện thường xuyên hỏng hóc (ảnh minh họa)

Cân nhắc cho nhập TTBYT cũ

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định về quản lý TTBYT, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, hiện nay thị trường TTBYT ngày càng phát triển hiện đại, mang tính toàn cầu. Đáng chú ý, trên thị trường có hàng nghìn loại TTBYT nhưng theo quy định pháp luật hiện hành ở nước ta thì chỉ có khoảng 20 loại được kiểm tra, kiểm định hàng năm, còn các loại khác thì được quản lý như hàng hóa thông thường.

Do đó, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội nhất trí cần thiết phải ban hành nghị định để giải quyết những vấn đề phát sinh và các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, sử dụng TTBYT làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định về quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế; bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế hoặc của Hội đồng bệnh viện trong việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn TTBYT; quyền, trách nhiệm của cơ sở y tế, cán bộ y tế khi sử dụng TTBYT cho người bệnh, nhất là trách nhiệm khi xảy ra tai biến gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh…

Điểm đáng lưu ý nữa là theo quy định hiện hành, các loại TTBYT cũ đều không được phép nhập khẩu song thời gian gần đây, các bộ ngành đang xin ý kiến về việc cho phép nhập khẩu TTBYT cũ còn giá trị sử dụng từ 70% hoặc 80%.

Do vậy, bà Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo dự thảo nghị định cần nghiên cứu, bổ sung quy định về vấn đề này, có thể giới hạn trong phạm vi các loại TTBYT cũ chỉ phục vụ đào tạo, triển lãm hoặc tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế, không sử dụng cho người bệnh. 

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho rằng,  quy định nêu trên chưa thật sự hợp lý bởi nhiều khi thiết bị qua sử dụng của các nước tiên tiến G7 còn tốt hơn một số thiết bị mới tinh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong nghị định này phải làm rõ mục đích quan trọng nhất là quản lý TTBYT. “Muốn vậy, phải quy định kiểm tra thật chặt, máy móc y tế giờ hiện đại, nhưng vẫn còn máy cũ, chất lượng không tốt. Có những loại máy chụp rất lâu, nhưng ở nước ngoài có khi chỉ mất 10 phút là xong. Mình phải quản lý cái này để cho dân nhờ” – Phó Chủ tịch nói.

 Giật mình: Chỉ 20 trong số hàng nghìn loại thiết bị y tế được kiểm định  ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải soạn lại dự thảo Nghị định về quản lý TTBYT


Không để phát sinh thủ tục phiền hà

Qua thảo luận, các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Nghị định về quản lý TTBYT do Bộ Y tế soạn thảo còn ôm đồm quá nhiều, liên quan đến nhiều luật khác nên sẽ dẫn đến khó khả thi khi thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị nghị định trước mắt chỉ quản lý những chủ thể như cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Còn việc sản xuất kinh doanh thế nào, buôn bán ra sao thì nên quy định trong các luật khác.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng Hiến pháp ghi nhận quyền tự do kinh doanh nên nghị định này chỉ nên ban hành điều kiện kinh doanh, mở rộng sẽ phá vỡ hết các luật, cản trở kinh doanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn chỉ ra Dự thảo có 11 chương và 78 điều thì trong đó có khoảng 44 điều liên quan hành chính và thủ tục giấy tờ. “Liệu rằng với bộ máy của Bộ Y tế, Sở Y tế hiện tại có đảm đương nổi khi nghị định này ra đời?” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mối băn khoăn rất lớn.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, luật đã quy định mọi người tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm và kinh doanh trang thiết bị y tế là có điều kiện nên điều kiện gì phải quy định cụ thể để người dân làm đúng luật, thuận lợi. Còn quy định như ở dự thảo này thì TTBYT nước ta sẽ hụt.

 “Nghị định phải quy định rõ các điều kiện để người ta làm chứ không phải đụng cái lại phải đến xin phép, đến nộp phí, rồi sinh ra tiêu cực, cuối cùng lại dồn hết lên đầu người bệnh. Phải đổi mới tư duy đi và phải tính lại nghị định này” – Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.