Giáp Tết, ngân hàng "đua" tăng lãi suất

ANTĐ - Để đẩy mạnh khả năng thu hút vốn, trong những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016, nhiều ngân hàng đã tiếp tục tăng lãi suất huy động với mức tăng 0,1 - 0,2%/năm, đồng thời đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng. 

Giáp Tết, ngân hàng "đua" tăng lãi suất ảnh 1

Cùng với việc tăng lãi suất, nhiều chương trình ưu đãi được các ngân hàng tung ra nhằm thu hút khách hàng gửi tiền

Tăng từ 0,1-0,5%/năm

Theo quy luật, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu về vốn tăng đột biến khi hoạt động thanh toán, dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp diễn ra với nhịp độ cao hơn. Các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn tiền trả lương, thưởng cho người lao động... Để đáp ứng nhu cầu này, các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn thông qua biện pháp tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân. 

Có thể thấy, việc điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian qua diễn ra trên diện  rộng. Sau khi điều chỉnh tăng lãi suất vào ngày 24-12-2015, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) tiếp tục công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 11-1-2016 với mức tăng từ 0,1% đến 0,35%/năm.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn ngắn có mức tăng nhẹ 0,1%, ví dụ như kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,8%/năm lên 4,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,95%/năm lên 5,05%/năm... Các kỳ hạn dài hơn như 15 tháng, 18 tháng, 36 tháng cũng có mức tăng tương tự. Đáng chú ý, kỳ hạn 24 tháng được Techcombank điều chỉnh tăng với mức tăng cao nhất 0,35%/năm lên mức 6,8%/năm.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng công bố bảng lãi suất mới áp dụng kể từ ngày 8-1-2016. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn 6, 7, 8 tháng tăng 0,1-0,2% lên mức 6,7%. Các kỳ hạn 9, 10, 11 tháng cũng tăng thêm 0,1-0,2% lên 6,9%.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienViet Post Bank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,18% lên 4,38%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 4,54% lên 4,74%/năm. Mức lãi suất mới được LienViet Post Bank áp dụng ngay từ ngày đầu năm 1-1-2016.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), lãi suất được điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,5% tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng. Riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng mạnh lên 6,4%/năm, “vọt” lên so với mặt bằng chung (khoảng 5,4-5,6%/năm). Việc tăng lãi suất cũng có sự góp mặt của cả các ngân hàng lớn, như Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm 0,5-0,8% ở các kỳ 1-3 tháng. Đưa mức lãi suất kỳ hạn một tháng tăng từ 4% lên 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,3% lên 5%/năm và kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,5% lên mức 5,2%/năm...

Tặng tiền mặt, tặng vàng SJC

Không chỉ hút vốn thông qua việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng còn tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi như tặng lãi suất thưởng bằng tiền mặt, tặng vàng SJC... 

Cụ thể, từ ngày 5-1 đến ngày 29-2-2016, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) triển khai chương trình “Trọn vẹn Tết cùng VIB”, theo đó khách hàng khi gửi tiết kiệm 100 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng sẽ có cơ hội hưởng lãi suất hấp dẫn lên tới 7,5%/năm. Ông Godfrey Swain - Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ VIB cho biết: “Bên cạnh việc phát triển hoạt động tín dụng, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động huy động”. 

Hay tại VPBank, khi gửi tiền, khách hàng được tham dự chương trình “Xuân đến An Khang - Nhận vàng Phú Quý” với tổng giải thưởng hơn 350 chỉ vàng SJC. Trong đó, 2 khách hàng may mắn nhất sẽ được nhận giải trị giá 5 lượng vàng SJC. Theo chia sẻ của một số ngân hàng, trong thời gian gần đây việc huy động vốn khó hơn, nguyên nhân là do tình hình kinh tế ấm trở lại, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản cũng thu hút một lượng vốn lớn. Bên cạnh nhu cầu về vốn, còn một nguyên nhân khác kéo lãi suất huy động tăng là do các ngân hàng cũng phải “nhìn lẫn nhau” nhằm giữ chân khách hàng. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, lãi suất huy động tăng một phần bắt nguồn từ nguyên nhân tín dụng tăng nhanh hơn huy động. Đây được xem là một áp lực đối với các ngân hàng trong việc cân đối vốn. Tính đến 24-12-2015, huy động vốn tăng 13,59% trong khi tín dụng tăng trưởng 17,17%. Đặc biệt trong năm 2016, theo dự tính của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng có thể tăng trưởng 18-20%. Để đảm bảo nguồn vốn, các ngân hàng phải tích cực đẩy mạnh huy động ngay từ đầu năm.