Giáp mặt con khỉ Thái giám (P2)

ANTĐ - Lần thứ 2 trong đời, con vật phải bước vào một cuộc chiến sinh tử, lần đầu là để tiếm ngôi, còn lần này là để bảo vệ ngôi Chúa.

Những con khỉ đầu tiên của bầy sống trên núi, mò xuống tìm thức ăn chúng tôi ném ra

Lần theo lối mòn

Để thoát khỏi sự đeo bám của lũ khỉ bụi đời, chỉ có cách là đi thẳng vào phía chân núi trong đảo Hòn Lao. Càng đi vào sâu, lũ khỉ bụi đời càng thưa thớt dần, chỉ những con lì lợm nhất mới dám đến sát lằn ranh giới sinh tử mà khỉ Chúa đã khoanh vùng. Cuối cùng thì ngay cả những con khỉ bụi đời “chì” nhất cũng đành bỏ cuộc, quay đầu về phía hàng dừa sát mép biển, buông ra những tiếng kêu khèng khẹc, đầy vẻ tiếc rẻ gói thức ăn khách đang cầm trên tay.

Từ nơi đây trở lên núi, mới thực sự là lãnh địa loài khỉ. Khác với đám khỉ bụi đời dạn dĩ, khỉ bầy trong núi tỏ ra khá cảnh giác: từ cao tít trên tán dừa, ngọn phi lao, chúng dõi mắt trông theo "nhất cử, nhất động" của người lạ. Tôi thử nhặt một viên đá, dứ dứ về phía chúng, lập tức cả bầy phi thân, chạy toán loạn.

Lối mòn dẫn chúng tôi đến một khoảnh rừng, bao gồm toàn những thân dây leo to cỡ bắp tay. Dưới chân là đất trọc, do bọn khỉ quần nát nơi này, cỏ không mọc nổi. Trong đàn khỉ bầy, thiếu kinh nghiệm nhất là những con khỉ non, sự hấp dẫn của mùi thức ăn trên tay con người khiến chúng dần quên đi sự cảnh giác. Đến khoảnh rừng trên, có khoảng hơn chục con khỉ non đã tới gần, nhặt nhạnh nắm bỏng ngô chúng tôi vãi ra. Kiên nhẫn thêm chừng 10 phút, chừng thấy an toàn, một vài con khỉ trưởng thành cũng tuột xuống đất kiếm ăn. Cuối cùng sau khoảng 20 phút, xung quanh chúng tôi lại là một bầy khỉ đông đúc, giống như cảnh gặp lũ khỉ bụi đời ngoài kia, dù rằng chúng không lại thật gần, luôn giữ khoảng cách chừng 1-2m với con người.

Tất cả lũ khỉ đều nháo nhác khi con Thái giám xuất hiện

Mọi việc đang diễn ra yên bình, bỗng nhoáng cái bóng một con khỉ to lớn từ đâu phóng tới như tia chớp. Nó đạp trúng một con khỉ trưởng thành đang tranh giành bỏng ngô với lũ khỉ con, khiến con vật tội nghiệp ngã lăn quay, rồi tập tễnh đứng dậy đu lên cây, miệng kêu đầy vẻ đau đớn và cam chịu. “Hung thủ” sau khi ra đòn, vẫn nhanh như chớp, đã kịp về ngồi vắt vẻo trên một chạc cây leo.

Chúng  tôi được dịp quan sát nó: trông to béo, bệ vệ hơn tất cả những con khỉ đực trong bầy. Màu lông của nó đã bạc, đôi mắt mờ đục, chứng tỏ con vật đã già. Thật khó tin với vóc dáng nặng nề như thế mà cú ra đòn của nó nhanh đến nỗi ngay cả con khỉ trưởng thành, khỏe mạnh kia cũng không tránh kịp. Ông H lúc này mới thì thào: “Con khỉ Thái giám đấy, không dễ bắt gặp nó thế này đâu. Nó đánh con khỉ kia vì tội tranh giành thức ăn với đám khỉ non, chứ không phải bản thân nó muốn giành thức ăn”. Quả vậy, con Thái giám sau hành động nghĩa hiệp chỉ lơ đễnh nhìn lũ khỉ non chí chóe, chứ không màng tới việc nhặt bỏng ngô ăn.

Những trận thư hùng sống mái

Theo lời kể của ông H, con khỉ Thái giám xưa kia vốn là khỉ Chúa. Nó đã từng hưởng sự sung túc tột bậc trong thế giới loài khỉ trên đảo: Thức ăn ngon nhất- nó được ăn đầu tiên; cái mó nước trong lành nhất – là nơi mình nó đến uống mỗi sớm mai; cái hang ấm áp và có vị thế đẹp nhất đảo - là nơi nó ngủ hàng đêm; những con khỉ cái “mướt” nhất trong bầy - đều là thê thiếp của nó… để được hưởng tất cả những thứ xa hoa ấy, nó đã trải qua một cuộc chiến sống mái với con khỉ Chúa “tiền nhiệm”. Sau gần nửa ngày thư hùng, dù khắp người đầy máu, nhưng nó đã kịp móc rớt một con mắt của khỉ Chúa và tiếm ngôi. Ngày đấy cách đây đã hơn 10 năm.

Một thập kỷ sau, theo quy luật sinh tồn, một con khỉ trưởng thành trong bầy lại đến gặp nó để thách đấu. Lần thứ 2 trong đời, con vật phải bước vào một cuộc chiến sinh tử, lần đầu là để tiếm ngôi, còn lần này là để bảo vệ ngôi Chúa. Một lần nữa, nó thắng. Bằng sự tàn nhẫn của kẻ bạo chúa, nó đã lẳng kẻ thách đấu vào vách núi, vỡ nát sọ. Cả bầy lại xúm vào tôn vinh nó với tất cả sự nể sợ. Dù nó rất xuất sắc như thế, song thời gian mới là đối thủ chính. Khi những sợi lông trên người nó chuyển dần từ mầu vàng sang màu trắng thì cũng là lúc một con khỉ non trong bầy đã kịp trở thành một con khỉ trưởng thành, vạm vỡ.

Cuộc thư hùng lần thứ 3 diễn ra ở lưng chừng núi, khi con khỉ trưởng thành ngang nhiên cướp 1 “ái thiếp” của khỉ Chúa- một hành động khiêu chiến. Nhiều người dân trên đảo Hòn Lao còn nhớ ngày hôm đó trời bỗng đổ mưa tầm tã, tiếng gào thét của 2 con khỉ đang tranh giành ngôi vị số 1 vang tận xuống những thuyền chài đang neo dưới vịnh. Con khỉ Chúa đã dùng hết sức tàn nhưng không đấu lại nổi con khỉ trưởng thành kia. Trong cú đá cuối cùng, con khỉ trưởng thành đá trúng hạ bộ khỉ Chúa. Thét lên đau đớn, nó lao chạy xuống núi bỏ lại tất cả, phía sau vệt máu kéo theo ròng ròng.

Có tới cả nghìn con khỉ trên đảo Hòn Lao, song chưa ai từng
nhìn thấy khỉ Chúa

“Thường những con khỉ Chúa mất ngôi rất cô độc. Không chịu nổi cú sốc từ giã vinh hoa phú quý, chúng thường lặng lẽ bỏ vào sâu trong rừng thẳm, chết khô ở góc núi nào đó. Có con nhảy thẳng xuống biển mất xác…”- ông H trầm ngâm- “Tuy nhiên con Thái giám vì trúng đòn vào chỗ hiểm, nên tính tình nó cũng thay đổi, mất đi sự kiêu hãnh, chấp nhận làm phó tướng cho con khỉ Chúa mới. Trở thành Thái giám, nó càng ngày càng béo bệu ra, được khỉ Chúa cho phép cai quản vùng chân núi”.

Ra vậy, giờ chúng tôi mới hiểu vì sao dù đã rất già, song nhiều con khỉ trưởng thành như con bị nó đạp lúc đầu, vẫn rất sợ con Thái giám. Với tất cả sự hứng thú qua câu chuyện ông H kể, chúng tôi đề nghị ông đi sâu vào núi tìm con khỉ Chúa. Nhưng ông lắc đầu: “Tôi ở đây cả đời đã gặp được khỉ Chúa đâu mà các chú muốn đi tìm nó trong 1 buổi? Trừ con Thái giám này là con người gặp được nó khi nó đã mất ngôi, còn chưa từng ai trông thấy một đời khỉ Chúa”.

Có lẽ đúng, rồi một ngày nào đó, từ trên núi cao của Hòn Lao lại sẽ vọng xuống tiếng khỉ gào thét, thư hùng tranh ngôi.