Giao thông Hà Nội, nhìn từ... cao nguyên

ANTD.VN - Xa Hà Nội lên cao nguyên 3 ngày, cảm giác đầu tiên của tôi là thoải mái bởi những con đường thênh thang. Sang đến ngày thứ bảy, những khoảng không gian khoáng đạt lại là những khoảng trống khó quen trong lòng người đã gần 30 năm sống nơi phố nhỏ. 

Cần có sự đánh giá khách quan về nỗ lực cải thiện giao thông ở Thủ đô - Ảnh: Lam Thanh

Quốc lộ 19 nối thành phố Pleiku với thị trấn Đắk Đoa (Gia Lai), nơi tôi đang sống. Con đường thẳng tắp, rộng rãi với những tuyến đường song song, đường cắt dệt theo lối ô bàn cờ. Xuyên suốt trục đường này, người tham gia giao thông có thể tận hưởng nhiều khung cảnh khác nhau đặc trưng của các dạng địa hình cao nguyên. Đây đó, tuyến đường đi qua cánh đồng lúa, xa xa ở trên cao là những rẫy cà phê, hồ tiêu. Bụi đỏ bazan vương đầy mi mắt người tham gia giao thông. 

Theo số liệu thống kê năm 2003, mật độ dân cư của huyện Đắk Đoa là 105 người/km2. Ở thời điểm tương tự, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội có mật độ dân số là hơn 1.700 người/km2. Tất nhiên, Quốc lộ 19 không to rộng như Quốc lộ 5 chạy qua Gia Lâm, nhưng hệ thống hạ tầng các tuyến đường nhánh của Đắk Đoa không kém bất cứ thành phố lớn nào trên cả nước. Đó là lý do khiến giao thông cao nguyên nói chung hay Đắk Đoa nói riêng dễ chịu và gần như không có gì phải chê trách. 

Bên cạnh đó, người tham gia giao thông ở đây cũng tương đối ý thức khi cầm lái. Đường rộng, dân thưa khiến người tham gia giao thông ở cao nguyên có xu hướng đi nhanh hơn ở Hà Nội. Song, ý thức về làn đường, đường ưu tiên được người dân ở đây tương đối tuân thủ.

Khi ở một nơi thật xa, tận hưởng một hệ thống giao thông cùng văn hóa giao thông thoải mái, ta sẽ thấy giao thông Hà Nội không giậm chân tại chỗ hoặc tệ đi như chúng ta vẫn nghĩ nếu đặt đúng những tồn tại vào hệ thống của nó.

Tức là, nếu bạn đi đúng làn đường, bạn có thể thoải mái di chuyển mà không phải nhìn trước, ngó sau hay phải bấm còi inh ỏi mỗi khúc cua hoặc đường cắt. Đi đường chính, đúng làn, đương nhiên bạn sẽ được người tham gia giao thông đi từ đường nhánh ra nhường đường. Điều này tương đối giống những con đường ở rẻo cao Tây Bắc. Khi bạn đi đúng làn, bạn sẽ an toàn ở mọi khúc cua, dù là cua tay áo. 

Người ta bỏ phố lên rừng, rồi sau một thời gian lại từ rừng nhớ phố. Những ngày đầu rong ruổi, giao thông cao nguyên làm tôi cảm thấy tự tin và tự do. Song, những buổi chiều một mình lang thang trên những con đường mà cả cây số không một bóng người, lòng kẻ lữ thứ nôn nao nhớ những buổi chiều tan tầm tại Hà Nội.

 Nhà báo Phạm Mỹ

Ở đó là chen chúc ồn ã. Ở đó là những cột đèn giao thông với thời gian chờ đèn đỏ vài chục giây; là những người lái “xe ôm” vắng khách ngồi ngáp dài bên vỉa hè xem dòng người bon chen; là những ổ gà bầm dập lốp xe. Ở đó là giao thông Hà Nội với nhiều tồn tại nhưng cũng ken đặc phận đời đang nỗ lực cho bản thân và cho thành phố, ngày ngày.

Như phép so sánh mật độ dân số ở trên, dễ hiểu nếu người nào đã sống ở Hà Nội, cảm nhận đầu tiên khi đi thành phố khác là giao thông thoải mái. Song, nhìn sâu xa hơn, chính áp lực trong mật độ dân cư trên cũng là những lực cản rất lớn cho việc phát triển hạ tầng ở Thủ đô. Nhưng, người Hà Nội vẫn đang gắng sức tạo nên sự thay đổi hiện trạng đó. Những nỗ lực mà đi xa thành phố một thời gian con người mới thấy thành tựu rõ ràng. 

Tôi có một người bạn, cậu ấy học đại học 4 năm ở Hà Nội rồi về địa phương lập nghiệp. Sau mấy năm xa cách, việc đầu tiên cậu ấy làm khi quay lại Thủ đô là nhờ tôi chở đi các tuyến phố chính của Hà Nội. Phải nhờ chở đi vì sau mấy năm sống ở địa phương, cậu ấy cảm thấy chóng mặt khi nhìn các phương tiện thêu dệt như con thoi trên đường phố Thủ đô.

Song, cậu ấy vẫn muốn đi thật nhiều trên phố xá. Bởi, ở đó có những gánh hàng hoa nhỏ xinh duyên dáng, có những hương thầm sắc ẩn mà mỗi song cửa sắt là một trang sử thép của Thủ đô, mỗi gánh hàng rong đều có thể vắt qua hai thế kỷ... Và hơn tất cả, mỗi lần, sau vài năm lên Hà Nội, là một lần cậu bạn cảm thấy bất ngờ trước những đổi thay về diện mạo giao thông đất kinh kỳ.

Dễ thấy, ở Hà Nội, người vẫn đông lên, còn quỹ đất chỉ có vậy. Mặt tiền là tiền mặt, các tuyến đường đều san sát nhà cửa hai bên. Điều này khác rất xa so với nhiều địa phương với quỹ đất rộng, tiện lợi cho quy hoạch. Nhưng, ở Hà Nội, những tuyến đường mới vẫn mở ở nhiều nơi. Phương tiện giao thông công cộng được tăng cường và ngày càng “lấy lòng” người tham gia giao thông. Những nút cổ chai vẫn đang được xoay xở tháo gỡ. Những bước chuyển âm thầm của giao thông Thủ đô vẫn đang diễn ra dẫu khuất lấp giữa nhịp sống hối hả của người dân Kẻ Chợ. 

Và, khi ở một nơi thật xa, tận hưởng một hệ thống giao thông cùng văn hóa giao thông thoải mái, ta sẽ thấy giao thông Hà Nội không giậm chân tại chỗ hoặc tệ đi như chúng ta vẫn nghĩ nếu đặt đúng những tồn tại vào hệ thống của nó. 

Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nhìn qua lớp đất đỏ bazan với những con đường thênh thang, người ta sẽ thấy đường phố Hà Nội chật chội thật đấy mà cũng chuyên chở nhiều nỗ lực và bước tiến giữa bộn bề khó khăn thật đấy..