Giao thông đô thị Hà Nội thay đổi cả chất và lượng

ANTĐ - Bộ mặt giao thông đô thị Hà Nội đã và đang có những đổi thay rõ rệt. Đánh giá về sự thay đổi này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết:

Giao thông đô thị Hà Nội thay đổi cả chất và lượng ảnh 1
Giao thông Hà Nội đã có bước chuyển mình trong nhiều năm qua
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của đất nước, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực GTVT đã có những chuyển biến rất tích cực cả về chất và lượng. Với tư cách là công dân Thủ đô và cũng là người đứng đầu ngành GTVT, tôi cảm nhận được sự thay đổi to lớn đó.

Nhiều công trình lớn về hạ tầng giao thông tại Hà Nội đã được đầu tư, xây dựng như cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Đại lộ Thăng Long, Nhà ga T2 Nội Bài, đường vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì… Nhiều tuyến đường nội đô được mở rộng cùng với nhiều cầu vượt nhẹ bằng thép đã góp phần giảm ùn tắc trong khu vực nội thành… Rồi mạng lưới đường cao tốc đoạn qua Hà Nội: cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thời gian tới sẽ kết nối tới Vinh; cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (trên hành lang Côn Minh - Hải Phòng); cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và các tuyến quốc lộ hướng tâm khác với quy mô 4 làn xe như Quốc lộ 32, Quốc lộ 2, Quốc lộ 6… Hệ thống giao thông đối ngoại này đã và đang được từng bước được đầu tư theo quy hoạch, bảo đảm kết nối hạ tầng đường bộ giữa Thủ đô Hà Nội với các địa phương trong cả nước. 

- PV: Hà Nội đang xây dựng nhiều loại hình giao thông công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, theo Bộ trưởng để khai thác hiệu quả, Hà Nội sẽ phải làm gì?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Các loại hình giao thông công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị là rất cần thiết, có vai trò chiến lược, là xương sống trong giao thông công cộng hiện đại. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, ngay từ bây giờ, Hà Nội cần phải thực hiện một số giải pháp như: Quy hoạch phát triển GTVT phải kết hợp chặt chẽ với các lĩnh vực quy hoạch khác của Thủ đô, đặc biệt là quy hoạch đô thị để góp phần hình thành các vùng sinh thái - văn hóa và vành đai xanh; Gắn liền phát triển đô thị với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng, đảm bảo phát triển đô thị một cách đồng bộ và bền vững; Các tuyến đường sắt đô thị phải gắn kết với nhau, hình thành mạng lưới bao quát các khu vực đô thị của Hà Nội.

Đồng thời với phát triển hệ thống vận tải công cộng, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện giao thông cũ, Hà Nội cần có chính sách quản lý chặt chẽ chất lượng của các loại phương tiện giao thông, khuyến khích các loại hình phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm; Xây dựng chính sách đồng bộ, hợp lý nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt có chính sách phù hợp nhằm hạn chế, giảm bớt lượng xe máy tham gia giao thông.

- Theo Bộ trưởng, bộ mặt giao thông đô thị của Hà Nội sẽ ra sao trong 5-10 năm tới?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Mong muốn của tôi cũng như của người dân trong cả nước là giao thông Hà Nội phát triển bền vững, đồng bộ, có cơ cấu sử dụng phương tiện hợp lý. Trong đó, tập trung phát triển giao thông công cộng hiện đại có khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn với giá cước hợp lý và  thân thiện với môi trường. 

Với những kết quả đã đạt được và định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đã nêu trên, Bộ GTVT hy vọng Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới sẽ không còn xảy ra hiện tượng ách tắc giao thông, hạn chế tối đa TNGT. Đồng thời, hệ thống giao thông vận tải Hà Nội sẽ có triển bền vững, đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa với phát triển kinh tế, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; tạo nên môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và những cơ hội đầu tư thuận lợi.