Giáo sư Vũ Đình Cự từ trần

ANTĐ - Do lâm bệnh nặng, GS. TSKH Vũ Đình Cự, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã từ trần vào hồi 5 giờ 30 phút ngày 7/9/2011 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936; quê quán xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; thường trú tại phòng 14, K5, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; tham gia cách mạng tháng 7/1956; vào Đảng tháng 4/1985; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, VIII; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X; nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại biểu Quốc hội khóa VII, VII, IX, X.

Do lâm bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 5 giờ 30 phút ngày 7/9/2011 (tức ngày 10 tháng 8 năm Tân Mão) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Do có nhiều công lao và thành tích trong hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Vũ Đình Cự, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Vũ Đình Cự theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước.

Linh cữu của đồng chí Vũ Đình Cự được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng được tổ chức từ 6 giờ 30 phút đến 9 giờ 45 phút, ngày 12/9/2011 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu vào lúc 10 giờ cùng ngày, sau đó là Lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội.

Lễ an táng tổ chức vào 10 giờ 45 phút ngày 13/9/2011 tại quê nhà, Nghĩa trang Đồng Bốn, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

TÓM TẮT TIỂU SỬ

đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự,

nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

_____

Đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự, sinh ngày 15-02-1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Trú quán: Phòng 14-K5, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Tham gia cách mạng từ tháng 7-1956, vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 4-1985.

QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

Từ năm 1956 đến năm 1961, đồng chí là cán bộ giảng dạy Trường đại học Bách Khoa, Hà Nội.

Từ năm 1961 đến năm 1964, đồng chí là nghiên cứu sinh vật lý tại Trường đại học Lô-mô-nô-xốp Liên Xô, Bí thư Chi đoàn thanh niên. Từ 1964-1967, bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ vật lý tại Liên Xô.

Từ năm 1967 đến năm 1991, đồng chí đã đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm bộ môn vật lý chất rắn Trường đại học Bách Khoa Hà Nội; Tổ trưởng tổ nghiên cứu phá bom từ trường, thủy lôi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam; Viện trưởng Viện công nghệ Quốc gia; Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật của Quốc hội; Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử của Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng khoa học- kỹ thuật thành phố Hà Nội; đồng chí được phong giáo sư từ năm 1980.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (Tháng 6-1991), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ năm 1992, đồng chí là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử- viễn thông của Nhà nước; Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội Việt- Mỹ.

Năm 1994, đồng chí được cử giữ chức Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương.

Tháng 6-1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 9-1997, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX, X.

Do công lao và thành tích hoạt động cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.