Giáo sư Hoàng Minh Giám - Một cộng sự được Bác Hồ tin cậy

ANTĐ - Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng lại là hàng danh gia vọng tộc nhưng Hoàng Minh Giám đã sớm đem lòng yêu nước và đem chí trai tài ra giúp nước, lòng hướng về Hồ Chí Minh… Sau Cách mạng Tháng Tám, ông trở thành một cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”. 
Giáo sư Hoàng Minh Giám - Một cộng sự được Bác Hồ tin cậy ảnh 1
Hồ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Hoàng Minh Giám
cùng các thành viên Chính phủ lâm thời, năm 1945 
(Giáo sư Hoàng Minh Giám đứng hàng thứ 3, thứ 2 từ trái sang)


Một trí thức lớn của cách mạng  
GS. Hoàng Minh Giám là một nhà giáo mẫu mực và tận tụy. Năm 1935, ông đã cùng nhiều trí thức yêu nước và tiến bộ như Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Phạm Vũ Ninh, mở Trường Tư thục Thăng Long và ông là hiệu trưởng. Ông là thầy học của nhiều trí thức trong và ngoài nước, có nhiều hoạt động để động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ trí thức phát triển và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, dựng xây Tổ quốc. Cách mạng Tháng Tám thành công, vừa về đến Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mời GS Hoàng Minh Giám tham gia Chính phủ lâm thời và ngày 30-8-1945, Đại tướng đã ký Sắc lệnh số 1 cử GS. Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Cùng ngày, GS. Hoàng Minh Giám đã được cùng Bác Hồ tiếp Thiếu tá tình báo Mỹ Archimedes L.A.Patti, Trưởng phái bộ OSS. Ông đã được Bác Hồ tin tưởng giao cho những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, có mặt bên Bác trong những thời khắc lịch sử liên quan vận mệnh dân tộc, như đàm phán với Jean Sainteny, đại biểu Chính phủ Pháp, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Đặc biệt, ông còn tháp tùng Bác Hồ hội kiến với Đô đốc kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, Georges Thierry DArgenlieu ở vịnh Hạ Long, để đi đến quyết định triệu tập hội nghị trù bị Việt - Pháp tại Đà Lạt, chuẩn bị cho hội nghị chính thức ở Fontainebleau và là thành viên của Chính phủ trong Hội nghị này tại Pháp. Ngày 19-12-1946, ông chính là người chuyển bức thư của Hồ Chủ tịch đến Sainteny và bị văn phòng Sainteny khước từ, và đêm đó, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, là nhà ngoại giao lão luyện, ông đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương lớn trong hoạt động đối ngoại, thực hiện thành công chủ trương “phá vây”, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN khác, mở đường cho Việt Nam vươn ra thế giới… Với phong cách một nhà trí thức,  nhà ngoại giao lịch lãm, ông có mặt ở nhiều hội nghị quốc tế lớn, cùng tháp tùng Hồ Chủ tịch trong nhiều chuyến đối ngoại đặc biệt…
Giáo sư Hoàng Minh Giám - Một cộng sự được Bác Hồ tin cậy ảnh 2
Các đồng chí Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp và Vương Thừa Vũ trong buổi 
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lời đề tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 10 năm 
chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội 28-4-1964

Người nặng lòng với văn hóa dân tộc
Hơn 20 năm (1954 - 1976) trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền sau đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL), GS. - Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã có công lao xây dựng ngành Văn hóa với những tư tưởng và chương trình hành động mang tầm chiến lược.  Nhà thơ Huy Cận, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa thời đó, kể: GS. Hoàng Minh Giám đặc biệt quan tâm chăm lo bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc, nhờ đó, nhiều di sản có giá trị đã được gìn giữ đến hôm nay.  Ông là người có công lớn trong việc phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, mà đến hôm nay trong hội nhập phát triển, ta mới thấy tầm vóc tư tưởng ấy là hoàn toàn đúng đắn. Ông luôn quan tâm đến hệ thống tổ chức, xây dựng những thiết chế văn hóa: bảo tàng, thư viện, trường đại học. Đặc biệt, hoạt động điện ảnh đã được ông chú ý phát triển, bằng chứng là những thành công của nền điện ảnh cách mạng cho đến nay vẫn còn được ghi nhận. Hàng loạt bộ phim kinh điển được xây dựng, nhiều phim đoạt  giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế và trong nước, như “Chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Vợ chồng A phủ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Nổi gió”… Trong thời kỳ khó khăn gian khổ, bên cạnh văn nghệ phục vụ quân dân chiến đấu, sản xuất, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã quan tâm tạo nền móng cho nghệ thuật bác học phát triển như tổ chức đào tạo và trình diễn nhạc giao hưởng, múa ba-lê...  GS. Hoàng Minh Giám đã cùng đất nước đi trọn chặng đường lịch sử, và với bất kỳ cương vị nào, ông cũng đều mẫn cán, trách nhiệm, có những đóng góp có tính nền móng cho nhiều lĩnh vực. Còn nhớ, lúc GS. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám từ trần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã nói về ông với tình cảm chân thành: “Với tôi, anh là người bạn đồng nghiệp thân thiết, người bạn chiến đấu trung thành và thủy chung”.