Giáo sĩ Gullen - "con bài mặc cả" trong quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ?

ANTD.VN - Những lời bàn tán về việc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sẽ bị dẫn độ từ Mỹ về Thổ Nhĩ Kỳ lại xuất hiện, cho thấy sự phức tạp và nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Thổ hiện nay.

Giáo sĩ Gullen - "con bài mặc cả" trong quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ? ảnh 1Những người ủng hộ Tổng thống Edugan biểu tình đòi treo cổ giáo sĩ Gullen

Theo Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ 

Abdulhamit Gul, phái đoàn tư pháp Mỹ đang ở thăm nước này để thu thập các tài liệu liên quan đến các hoạt động của phong trào ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Gulen - người bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi năm 2016. Kết quả mà đoàn Mỹ thu được sẽ ảnh hưởng đến quá trình dẫn độ ông Gulen.

Sau cuộc đảo chính xảy ra đêm 15-7-2016, giáo sĩ Gulen - người đang sống lưu vong tại Pennsylvania (Mỹ) từ hơn 20 năm nay trở thành mục tiêu truy bắt số 1 của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, bất chấp mọi lời thuyết phục và cả “tối hậu thư” đầy cứng rắn của Ankara, Washington vẫn kiên quyết không chấp nhận yêu cầu dẫn độ ông Gullen.

Đơn giản bởi Washington hiểu rõ sự phức tạp trong chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. Là một học giả, nhà thơ, nhà lãnh đạo tư tưởng, ông Gullen là một trong số những người có ảnh hưởng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì thế khi mới lên giữ chức Thủ tướng vào năm 2003, ông Erdogan (nay là Tổng thống) còn phải dựa vào sự ủng hộ của phong trào Gulen để củng cố quyền lực. 

Tuy nhiên, quan hệ đồng minh này đã đổ vỡ, khi ông Erdogan dần cảm thấy bất an với quyền lực ngày càng lớn của phong trào Gulen. Hàng loạt những lời cáo buộc đã được tung ra nhằm “hạ bệ” ông Gullen, từ việc những đối tượng ủng hộ giáo sỹ Gulen có dính líu đến loạt vụ đánh bom của lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, đến lời tố cáo ông Gullen đứng sau giật dây trong vụ đảo chính nhằm lật đổ ông Erdogan hồi năm 2016.

Tất nhiên, những cáo buộc không có bằng chứng kể trên không thể buộc Mỹ phải dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, vụ nhà báo đối lập Jamal Khashoggi bị sát hại trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, có thể lái tương lai ông Gullen sang hướng khác. 

Là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 sang Mỹ, đồng thời cũng là bạn hàng vũ khí lớn thứ 2 của Mỹ, chưa kể được xem như ngọn cờ tiên phong trên mặt trận “chống Iran” ở Trung Đông, Saudi Arabia trở thành đồng minh đặc biệt quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, vai trò không thể chối bỏ của Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi khiến Washington vô cùng khó xử.

Thổ Nhĩ Kỳ càng tung nhiều bằng chứng liên quan đến vụ giết hại ông Khashoggi, Mỹ càng khó từ chối yêu cầu phải trừng phạt nặng Saudi Arabia. Điều này đương nhiên sẽ gây sứt mẻ mối quan hệ đồng minh với Saudi Arabia, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hy vọng gói vũ khí trị giá hơn trăm tỷ USD mà Saudi Arabia mua của Mỹ là cơ hội tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ, chưa kể các hợp đồng kinh tế khác.

Chấp nhận dẫn độ giáo sĩ Gulen cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này làm ngơ vụ Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi xem ra là lối thoát thuận lợi cho cả 3 bên trong tình hình hiện nay. Chắc Washington sẽ khó bỏ qua “con bài mặc cả” này.