Giao ô tô cho người… không biết lái: “Gửi trứng cho ác”

ANTĐ - Ngày càng có nhiều người mua ô tô để đi làm hàng ngày. Kéo theo đó, dịch vụ sửa, rửa, trông giữ…  ô tô cũng phát triển nhanh chóng. Khi đưa xe đến một trong các điểm trên, chủ xe thường giao chìa khóa cho nhân viên. Và khi người được giao xe có trình độ lái xe dạng “i tờ” thì hành động này chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”…

Giao ô tô cho người… không biết lái: “Gửi trứng cho ác” ảnh 1Một vụ tai nạn ô tô do nhân viên rửa xe gây ra

Rủi ro từ sự chủ quan, bất cẩn

Mới đây, ngày 15-11 vừa qua, tại garage ô tô H.C trên xa lộ Hà Nội (quận 2, TP.HCM),  một thợ học sửa xe đã tự ý điều khiển xe ô tô hiệu Audi Q7 từ cổng garage lên cầu sửa xe. Do không làm chủ được tốc độ và tay lái, người thợ này đã đâm thẳng xe vào người chị P.T.T.T (22 tuổi), khiến chị T ngã đập đầu xuống đất bất tỉnh. Dù đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, chị T đã tử vong.

Trước đó, tại một điểm rửa xe trên đường Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhân viên của điểm rửa xe này sau khi rửa xong lái ra chỗ khác đã để  xe lao vào một quán hủ tiếu bên đường, rồi tiếp tục đâm thẳng vào nhóm người đang ngồi ăn bên cạnh. Vụ việc khiến cháu L.K.N (10 tuổi)  bị chiếc ô tô cuốn vào gầm và kéo đi. Chiếc xe chỉ dừng lại khi lao vào tường nhà dân và bé N được đưa ra trong tình trạng đa chấn thương. Tương tự, ở một điểm rửa xe trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, do không quen điều khiển xe số tự động, chủ điểm rửa xe sau khi rửa xong chiếc ôtô 4 chỗ lái xe ra giao lại cho khách đã nhấn nhầm ga khiến ôtô đâm thẳng vào em L.L.M.T (14 tuổi) khiến em T bị thương nặng.

Giao ô tô cho người… không biết lái: “Gửi trứng cho ác” ảnh 2và vụ tai nạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Biên Hòa, Đồng Nai 
khiến 1 em nhỏ 14 tuổi bị thương

Thận trọng khi giao xe

Hiện nay, không ít người đi rửa, sửa, gửi ô tô đã không ngần ngại giao xe cho nhân viên tại những điểm đó, một phần do chủ quan, một phần do yêu cầu của chính những nơi cung cấp dịch vụ. Nguy hiểm ở chỗ, tại hầu hết các điểm này, nhân viên là lao động phổ thông không có bằng lái ô tô hoặc có bằng nhưng kinh nghiệm còn kém nên dễ dẫn đến những vụ tai nạn chết người. Bên cạnh đó, để thu hút sự chú ý của các chủ xe, các điểm sửa, rửa xe thường chọn mặt bằng ở mặt đường, các ngã ba, ngã tư - nơi có đông người qua lại. Do vậy, khi xảy ra tai nạn thường có thiệt hại nghiêm trọng về người. 

Đáng buồn là vẫn còn không ít chủ xe thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật, luôn nghĩ rằng “ai lái người đó chịu”. Tuy nhiên, trên thực tế, khi xảy ra tai nạn chủ những cửa hàng vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới do giao chìa khóa xe cho người không có giấy phép điều khiển. Còn người trực tiếp gây tai nạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại  khoản 2, Điều 202, Bộ luật Hình sự do “không có giấy phép và bằng lái xe theo quy định” và phải bồi thường thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, điều 205 Bộ luật Hình sự quy định hành vi điều động hoặc giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2-7 năm... Người điều khiển xe ô tô không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có quy định về việc các cơ sở cung cấp dịch vụ rửa, sửa, trông giữ xe ô tô phải thuê nhân viên có bằng lái xe. Do vậy, để bảo vệ tài sản của mình, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, chủ xe không nên giao xe bừa bãi cho nhân viên các điểm rửa, sửa, trông giữ xe, tránh tình trạng “mất cả chì lẫn chài”.