Giao lưu trực tuyến về giải phóng mặt bằng tại Hà Nội

(ANTĐ) - Từ 9 giờ đến 11 giờ 30 phút sáng 22-4, Báo An ninh Thủ đô tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất, ông Phùng Văn Tiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) đã trả lời những kiến nghị, thắc mắc của bạn đọc.

Giao lưu trực tuyến về giải phóng mặt bằng tại Hà Nội

(ANTĐ) - Từ 9 giờ đến 11 giờ 30 phút sáng 22-4, Báo An ninh Thủ đô tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất, ông Phùng Văn Tiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) đã trả lời những kiến nghị, thắc mắc của bạn đọc.

Giao lưu trực tuyến về giải phóng mặt bằng tại Hà Nội ảnh 1
Một khu chờ GPMB tại đường Khuất Duy Tiến

+ Chúng tôi là các hộ dân sản xuất nông nghiệp thuộc huyện Từ Liêm, nằm trong diện thu hồi đất của dự án Khu đô thị Cổ Nhuế. Nghị định 84/CP của Chính phủ có nói người bị thu hồi từ 30% diện tích đất sẽ được bồi thường bằng đất, vì sao thành phố lại định hướng bồi thường bằng tiền hoặc nhà tái định cư? (Nguyễn Thu Hà, 28 tuổi, Hoàng Mai)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội:

Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà nội thực hiện các quy định của Trung ương (trong đó có Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Nghị định 84/2007/NĐ-CP.Trong chính sách GPMB của UBND Thành phố ban hành theo Quyết định số 137/2007/QĐ-UB ngày 30/11/2007 đã quy định tại khoản 1 Điều 40 Quyết định số 137/2007/QĐ-UB còn việc giao đất dịch vụ hay đất ở nếu không có đất nông nghiệp được giao bổ sung cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp trên 30% diện tích được giao; do đặc thù của Thủ đô Hà Nội đã trình xin ý kiến của Chính phủ về nội dung trong Khoản 2 Điều 40 Quyết định số 137/2007/QĐ-UB

Trong lúc chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đang chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, quận, huyện nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện Điều 48 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP cho phù hợp với đặc thù của Thành phố, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc này các cơ quan, quận huyện được giao đang tiến hành nghiên cứu để báo cáo thành phố.

Giao lưu trực tuyến về giải phóng mặt bằng tại Hà Nội ảnh 2
Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội

+ Chính sách pháp luật đất đai phức tạp, lại thay đổi liên tục, năng lực cán bộ cơ sở có hạn, có khi chưa kịp cập nhật chính sách cũ thì đã có chính sách mới. Theo ông, thành phố phải làm gì để khắc phục bất cập này? (Trần Minh Quân, 37 tuổi, Tây Hồ)

 Ông Phùng Văn Tiến - Phó Chi cụctrưởng Chi cục quản lý công sản(Sở Tài chínhHàNội):

Ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan dự thảo, lấy ý kiến tham gia góp ý của UBND các quận huyện để trình UBND thành phố ban hành quy định về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư của UBND thành phố cho phù hợp với Nghi định mới của Chính phủ.

Quyết định số 137/2007/QĐ-UB của UBND thành phố ban hành ngày 30/11/2007 và đến cuối tháng 12/2007 UBND thành phố đã tổ chức tập huấn chính sách mới cho các đồng chí cán bộ chủ chốt của 14 quận huyện, Sở Ngành và các Chủ đầu tư lớn trên địa bàn thành phố. Xuất phát từ thực tế cho thấy ở đâu cán bộ cơ sở cấp xã nắm vững chính sách kết hợp với làm tốt công tác vận động, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thì công tác GPMB ở đó thuận lợi, do đó lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các quận huyện phối hợp với Sở Tài chính, Ban chỉ đạo GPMB TP tổ chức tập huấn chính sách mới kịp thời tới cán bộ chủ chốt của UBND cấp xã, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn (Đến nay, Sở Tài chính và Ban chỉ đạo GPMB TP đã phối hợp tổ chức tập huấn cho 07 quận huyện; Sở Tài chính và Ban chỉ đạo GPMB TP tiếp tục đôn đốc các quận huyện còn lại tổ chức tập huấn)  

Ông Đào Lê Bình - Tổng biên tập báo ANTĐ tặng hoa cho ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP
Ông Đào Lê Bình - Tổng biên tập báo ANTĐ tặng hoa cho ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP

 Hà Tây sắp sáp nhập về Hà Nội, Thành phố đã có chuẩn bị gì về cơ chế chính sách GPMB khi sáp nhập? (songhong@yahoo.com)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

Việc chủ trương mở rộng thành phố sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 5, khi được Quốc hội thông qua thành phố sẽ triển khai thực hiện. Hiện nay cơ chế chính sách GPMB của TP Hà Nội đã được ban hành bằng QĐ 137/2007/QD-UB ngày 30-11-2007 có hiệu lực từ ngày 1-1-2008; Ban chỉ đạo GPMB đang rà soát các cơ chế chính sách GPMB của Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình trên cơ sở đó để cùng các ngành tham mưu cho UBND thành phố bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của HN khi được mở rộng và phù hợp với các QĐ của pháp luật, trong quá trình xem xét bổ sung điều chỉnh chính sách GPMB sẽ thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin của thành phố để người dân, các cơ quan ban ngành tham gia đóng góp. 

- Tháng 2 năm 1983, gia đình tôi được quân đội cấp cho một căn hộ cấp 4 cùng với một khuôn viên đất nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi sử dụng ổn định từ đó đến nay không có tranh chấp khiếu kiện. Nay thành phố thu hồi để làm đường thì việc đền bù như thế nào? (Lê Việt Dũng, 42 tuổi, quận Thanh Xuân)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT và NĐ
Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT và NĐ

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó giám đốc Sở TNMT&NĐ:

Trường hợp nhà ở, đất ở của ông sẽ được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại khoản 3 Điều 6; Khoản 2 Điều 21 nghị định số 197/2004/NĐ-CP; khoản 3 điều 8 Nghị định 198/2004/NĐ-CP; Cụ thể, theo điều 23 Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND ngày 30-11-2007 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố. Ông có thể nghiên cứu chi tiết các quy định nói trên tại trang Web của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội. http://tnmtnd.hanoi.gov.vn

Nhà tôi ở ngoài đê sông Hồng, thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Chúng tôi được biết thành phố đang lập quy hoạch phát triển thành phố bên sông Hồng và dự kiến sẽ di dời hết 18 vạn dân sống ngoài đê. Vậy chúng tôi xin hỏi bao giờ dự án này sẽ thực hiện và nếu di dời thì chúng tôi sẽ ở đâu? Liệu đây có phải quy hoạch treo không? (Nguyễn Hoàng Trâm, 50 tuổi, quận Ba Đình)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội:

Quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng đang trong quá trình lập quy hoạch, trong phương án này có kế hoạch di dời các hộ dân. Hiện nay, thành phố  đang công khai dự thảo quy hoạch để nhân dân, các cơ quan chuyên môn, các nhà quy hoạch tham gia đóng góp. Sau khi hoàn chỉnh sẽ trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Khi quy hoạch được phê duyệt,  việc thực hiện quy hoạch sẽ được triển khai bằng các dự án cụ thể. Phương án tái định cư sẽ được thực hiện trên cơ sở phải xây dựng các khu tái định cư đáp ứng với từng dự án cụ thể. (Việc này sẽ phải chuẩn bị trước khi thực hiện GPMB). Như vậy, việc di chuyển tái định cư của các hộ trong diện GPMB sẽ được được đảm bảo.

Quy hoạch đang trong quá trình triển khai xây dựng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa thể nói đây là quy hoạch treo

Ông Phùng Văn Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội)
Ông Phùng Văn Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội)

+ Giá đất bồi thường luôn là câu chuyện nóng và tâm điểm gây khiếu kiện ở Hà Nội. Nhiều nơi giá đất thị trường trên 100 triệu đồng/m2 nhưng sao thành phố chỉ đền bù 60 triệu đồng/m2? Theo ông, tại giá đất chúng ta xác định chưa thật sát giá thị trường hay còn nguyên nhân nào khác?(Vũ Thành Nam, 33 tuổi, Ba Đình)

Ông Phùng Văn Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội): 

Khoản 1 điều 56 Luật đất đai 2003 quy định: giá đất do Nhà nước quy định phải xác định sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường

Theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 điều 56 Luật đất đai 2003 quy định: Giá đất làm căn cứ tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất do UBND cấp tỉnh quy định phải dựa trên cơ sở phương pháp, khung giá đất do Chính Phủ quy định và phải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến trước khi quyết định.

Giá các loại đất do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại quyết định số 150/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 dựa trên cơ sở Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính Phủ và đã được Hôi đồng nhân dân Thành phố thông qua; giá đất này áp dụng cho nhiều mục đích, trong đó có việc áp dụng để tính giá trị quyền sử dụng đất để bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Theo quy định tại điều 12 Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 và điều 9 Quyết định số 150/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND thành phố Hà Nội thì trong trường hợp mức giá đất do UBND thành phố ban hành hàng năm chưa phù hợp với thực tế cụ thể tại nơi thu hồi đất, UBND cấp huyện nghiên cứu phương án điều chỉnh mức giá đất cụ thể, báo cáo Sở Tài chính chủ trì cùng các Sở Ngành liên quan thẩm định, báo cáo UBND thành phố quyết định trên cơ sở văn bản cháp thuận của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố. Trường hợp điều chỉnh cao hoặc thấp hơn 20% mức giá của cùng vị trí, cùng mục đích sử dụng đất đã công bố phải lập phương án trình xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân để quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp gần nhất.

+ Báo chí vừa đăng tải thông tin Luật Đất đai sắp có đợt bổ sung, điều chỉnh, trong đó, chính sách GPMB rất được chú trọng. Ở địa bàn “nóng” như Hà Nội, chính sách GPMB sẽ có những biến động như thế nào?- (Nguyễn Ngọc Khánh, 29 tuổi, Long Biên)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội: 

 Trong quá trình thực hiện các chính sách theo quy định của Luật đất đai năm 2003, thực tiễn đã phát sinh một số bất cập, cần phải xem xét điều chỉnh bổ sung. UBND Thành phố đã có ý kiến với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về những bất cập này. Những nội dung cơ bản cần phải thảo luận, xem xét là: Chưa phân định rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, gộp hết địa tô tăng lên do Nhà nước muốn quy hoạch, đầu tư tạo ra vào giá đất là chưa đúng, sinh ra khúc mắc;  giá đất nông nghiệp nội thành và ngoại thành có chênh lệch cao trong khi cùng mục đích sử dụng; giá đất công bố hàng năm tạo tâm lý so bì giữa người bị thu hồi trước và thu hồi sau, cũng như khó khăn cho các nhà đầu tư trong xác định chi phí sản xuất kinh doanh; thỏa thuận bồi thường của các dự án kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp trong GPMB tạo nên chênh lệch về mức bồi thường giữa các dự án cùng khu vực; làm rõ khái niệm “giá đất trong điều kiện bình thường” cũng như quy trình xác định nội dung này để đảm bảo căn cứ pháp lý khi phải giải trình với các cơ quan nội chính….

+ Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết tiến độ nhiều dự án trọng điểm của thành phố đang bị chậm do ách tắc trong khâu GPMB, ông có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp nào cho vấn đề này? (Trần Phương Mai, 31 tuổi, Gia Lâm)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội: 

 Nhiều dự án chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ, tuy nhiên cũng phải đánh giá khách quan rằng không phải tất cả đều do nguyên nhân GPMB, có nhiều dự án đã bàn giao mặt bằng nhưng Chủ đầu tư thi công rất chậm hoặc để đất trống gây nên  bức xúc của người bị thu hồi đất và nhân dân. Đối với các dự án ách tắc trong khâu GPMB tập trung chủ yếu ở các nguyên nhân sau:

 + Cơ chế chính sách về đất đai, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định thay đổi nhiều, thiếu ổn định và đồng bộ.

 + Một số dự án các điều kiện cần và đủ để thực hiện công tác GPMB như: vốn,quỹ nhà, đất tái định cư, thủ tục thu hồi đất chưa đảm bảo đồng bộ đáp ứng tiến độ được giao phải hoàn thành…

 + Sự chỉ đạo tập trung quyết liệt ở một số dự án trọng điểm chưa được sự chỉ đạo và thực hiện thường xuyên, dứt điểm ở một số Quận, huyện, Chủ đầu tư;

 - Giải pháp:

 +  Đề nghị UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo các sở ngành liên quan tham mưu đề xuất cơ giải pháp thực hiện Điều 48 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP;

 + Đề nghị UBND các Quận, huyện phê duyệt kế hoạch, tiến độ cho từng dự án quá trình thực hiện thường xuyên rà soát điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo phù hợp, khả thi, rõ trách nhiệm của từng đơn vị theo cấp ngành và chủ đầu tư công khai để nhân dân biết.

 Tôi đượcbiết quy hoạch mở rộng đường Láng đã được phê duyệt sẽ mở rộng tới 55m.Tuy nhiên quy hoạch đã phê duyệt từ lâu nhưng vẫn “treo”. Vậy tôi có thể xin phép xây dựng mới nhà của mình hay không trong lúc chờ đợi GPMB?(Trần Văn Tài,37tuổi, quận Đống Đa)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Hiện nay đường Láng đã được mở rộng về phía sông Tô Lịch. Đề nghị ông liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để tìm hiểu thêm về Quy hoạch mở rộng đường Láng trước đây đã được phê duyệt. Đề nghị ông liên hệ với UBND quận Đống Đa để được hướng dẫn về thủ tục xin Giấy phép xây dựng nhà ở.

+ Là công dân Hà Nội, chúng tôi rất quan tâm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ nay tới đó chỉ còn gần 900 ngày nữa, liệu các dự án trọng điểm của thành phố có kịp hoàn thành đúng hẹn để phục vụ người dân không? (Lê Vũ Hoàng, 55 tuổi, Hoàn Kiếm)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

 Phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trên địa bàn Thành phố đang triển khai 39 cụm công trình trọng điểm gồm 68 dự án, trong đó 26 dự án không phải GPMB và 42 dự án phải thu hồi đất GPMB. Xác định nhiệm vụ trong tâm này, Thành ủy, HĐND và UBND TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong các cấp chính quyền từ trong tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành theo đúng tiến độ của từng dự án. Tuy nhiên một số các dự án khó có thể hoàn thành do thời gian thực hiện quá ngắn, trong khi các điều kiện về hồ sơ pháp lý (quyết định thu hồi đất, tái định cư, vốn…) Để thực hiện được cần phải có cơ chế đặc thù, trình Chính phủ cho phép.

+ Mỗi năm Hà Nội thu hồi bình quân 1.000 ha đất nông nghiệp nên công việc cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp đang là vấn đề nóng hiện nay, thành phố đã có chính sách gì để hỗ trợ người dân khi tư liệu sản xuất đã bị mất?- (Nguyễn Viết Thành, 62 tuổi, Hoàng Mai)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội

Giải quyết việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ người dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội.

Ngoài chính sách hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho người bị thu hồi đất để tự học nghề và chuyển đổi nghề 35.000 đồng/m2 đất thu hồi theo Quyết định 137/2007/QĐ-UBND), Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về lao động, việc làm nhằm giải quyết lao động, việc làm cho nhân dân nói chung và lao động trong khu vực thu hồi đất nông nghiệp nói riêng. Cụ thể như: Chương trình về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn; Chương trình thí diểm đào tạo, giải quyết lao động, việc làm khu vực thu hồi đất nông nghiệp sang đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị; các Chương trình khuyến nông, chương trình hỗ trợ, xoá nghèo... phát triển kinh tế hộ gia đình của các Hội nông dân, Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Thanh niên; Ngày 17/4/2008 vừa qua, HĐND TP đã thông qua Đề án “Một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp" các cơ chế, chính sách cụ thể chúng tôi đã trả lời ý kiến độc giải nêu trên ...với mục tiêu để người bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất.

+ Nhiều trường hợp người bị thu hồi đất nông nghiệp đã quá độ tuổi lao động hoặc không đủ trình độ vào làm ở các nhà máy, xí nghiệp, vậy thành phố sẽ giải quyết thế nào với những trường hợp này? (Nguyễn Thị Việt Hương, 34 tuổi, Đống Đa)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

Đối với các trường hợp người bị thu hồi đất nông nghiệp đã quá độ tuổi lao động, lao động lớn tuổi hoặc không đủ trình độ vào làm ở các nhà máy, xí nghiệp, Thành phố  đã có nhiều giải pháp quan tâm, giải quyết như phát triển nhiều cơ sở dịch vụ (chợ, siêu thị, dịch vụ khác) để thu hút lao động tại chỗ vào làm việc có thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời đào tạo tại chỗ chuyển đổi nghề đối với lao động trên 35 tuổi với những công việc không đòi hỏi kỹ năng phức tạp. Đặc biệt, Thành phố đã trình và được HĐND Thành phố thông qua một số chính sách hỗ trợ ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được ban hành theo Quyết định số  137/2007/QĐ-UB ngày 30/11/2007 (hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ cho người cao tuổi cô quả, hỗ trợ học tập phổ thông ….); đồng thời chỉ đạo các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất để UBND TP xem xét thực hiện việc giao đất kinh doanh dịch vụ cho các hộ gia đình bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Nhà bỏ hoang và những khu đất trống như "cái gai" trước mặt Nhà bỏ hoang và những khu đất trống như "cái gai" trước mặt
Nhà bỏ hoang và những khu đất trống như "cái gai" trước mặt
Nhà bỏ hoang và những khu đất trống như "cái gai" trước mặt Nhà bỏ hoang và những khu đất trống như "cái gai" trước mặt

+ Thành phố đang xây dựng đề án hỗ trợ người nông dân hậu GPMB? Ông có thể cho biết những đề xuất mới của thành phố nhằm giúp người dân có được đời sống ổn định hơn? (Phạm Thu Huyền, 32 tuổi, Cầu Giấy)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/2006/CT-TTg ngày 27/3/2006 về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển đô thị và công nghiệp, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TU ngày 11/12/2006 về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô; UBND Thành phố ban hành Chỉ thị số 14/2006/CT-UBND ngày 14/7/2006 để thực hiện, tiếp theo ngày 17/4/2008 UBND Thành phố đã trình và được HĐND Thành phố thông qua Đề án "Một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp" với nhũng nội dung chính như sau:

- Thành lập Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giao dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/CP của Chính phủ nhằm chi hỗ trợ học tập, trợ cấp khó khăn và hỗ trợ học nghề.

- Xây dựng, ban hành quy chế ưu tiên đấu thầu kinh doanh dịch vụ tại các Khu đô thị, khu công nghiệp dịch vụ mới hình thành

- Xã hội hoá các hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị và khu công nghiệp khi xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi được tham gia kinh doanh, ưu tiên cho lao động trong các hộ bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao.

- Có cơ chế về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tại các khu vực thu hồi nhiều đất nông nghiệp (trên 30%) để tạo điều kiện kinh doanh dịch vụ, phục vụ các khu công nghiệp, đô thị, giải quyết việc làm tại chỗ; đồng thời đảm bảo sự gắn kết hạ tầng của khu đô thị và công nghiệp hiện đại với vùng dân cư cũ (thôn, xã; tổ dân phố, phường).

Hà Nội còn cần rất công trình đẹp
Hà Nội còn cần rất công trình đẹp

+ Thống kê cho thấy khiếu nại tố cáo (KNTC) liên quan tới GPMB đạt tới trên 70% tổng số KNTC? Ông có thể giải thích vì sao lại có tỷ lệ này? (Đỗ Tiến Hưng, 29 tuổi, Thanh Xuân)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

Các nguyên nhân chủ yếu là:

1/ Công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế, tình trạng lấn chiếm đất, giao đất cấp đất trái thẩm quyền còn diễn ra.

2/ Cơ chế chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư thay đổi nhiều thiếu đồng bộ và ổn định tạo nên những mâu thẫu lớn, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất; mối quan hệ giữa sở hữu và sử dụng đất đai còn chưa rõ trong việc định giá đất.

3/ Việc đầu tư các dự án còn dàn trải và thiếu tập trung trong triển khai các dự án GPMB, còn một số dự án sau GPMB triển khai đầu tư chậm để đất trống kéo dài gây lãng phí và bức xúc trong dân .

4/ Công tác thanh tra, kiểm tra và khắc phục tồn tại sau thanh tra, kiểm tra giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo có lúc có nơi chưa được coi trọng không thường xuyên và giải quyết dứt điểm.

5/ Việc chuẩn bị nhà đất tái định cư còn nhiều hạn chế, chất lượng một số khu nhà tái định cư còn thấp chưa xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, do vậy đời sống của người dân trong các khu tái định cư gặp nhiều khó khăn.

6/ Lực lượng tham gia công tác GPMB nhất là ở cơ sở còn thiếu chiều sâu (do kiêm nhiệm ) cá biệt có nơi thực hiện không nghiêm quy trình GPMB.

+ Theo ông, bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật đủ mạnh, làm thế nào để dần dần hạn chế khiếu nại, tố cáo liên quan tới GPMB? (Hoàng Trần Sơn, 45 tuổi, Thanh Trì)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

- Công tác GPMB phải thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải tuân thủ nguyên tắc dân chủ, công khai công bằng và đúng pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động giải thích thuyết phục trong GPMB đã được Thành phố chỉ đạo đồng bộ và hiệu quả, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và của các Bộ ngành; thực hiện.

- Có cơ chế hậu GPMB và đào tạo chuyển đổi nghề đối với các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo từ Thành phố đến Quận, Huyện và xã phường. Chỉ đạo tập trung quyết liệt dứt điểm kịp thời các vụ việc khiếu nại tố cáo của công dân, xủ lý kịp thơì nghiêm minh các sai phạm.

- Tiếp tục kiệm toàn bộ máy tổ chức nhân sự: làm công tác GPMB từ Thành phố xuống các Quận, Huyện đảm bảo chuyên sâu nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ chính sách, có đạo đức trong GPMB.

- Báo chí đưa tin thành phố đang chuẩn bị công tác

Ông Phùng Văn Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội)
Ông Phùng Văn Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội)

GPMB để khởi công nhà ga T2- sân bay Nội Bài và Cầu Nhật Tân trong năm 2008. Chúng tôi là những người dân sống trong khu vực liên quan GPMB nên rất quan tâm, đề nghị thành phố cho biết thông tin về dự án? (Nguyễn Ngọc Lễ, 45 tuổi, Tây Hồ).

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

 Đối với Dự án nhà ga T2 – Sân bay Nội Bài, Chính phủ đề ra yêu cầu khởi công trong năm 2008 (trong đó riêng nhà ga T2 cần GPMB trên 90ha); thực hiện sự vụ của Chính phủ, Thành phố Hà Nội họp với Bộ Giao thông vận tải để thống nhất các giải pháp để thực hiện, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, ngành của Bộ và của Thành phố để phối hợp thực hiện với tinh thần cải cách hành chính cụ thể về phía Thành phố Hà Nội, giao nhiệm vụ GPMB cho UBND huyện Sóc Sơn (Trung tâm quỹ đất huyện Sóc Sơn) để GPMB theo quy hoạch, đồng thời giao Ban chỉ đạo GPMB Thành phố là đầu mối liên lạc, thay mặt UBND Thành phố đôn đốc, chỉ đạo, đề xuất những tháo gỡ vướng mắc. UBND Thành phố đã thống nhất với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng cơ chế đặc thù trong GPMB để thực hiện dự án này.

- Theo ông, về tổ chức làm công tác GPMB và trình tự GPMB theo quy định hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu của công tác này chưa. Có cần điều chỉnh bổ sung gì không? - (Trần Minh Thùy, 56 tuổi Đông Anh)

Ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội:

Trình tự GPMB hiện nay theo quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính Phủ, Hà Nội đã thực hiện trong Chương VI Quyết định 137/2007/QĐ-UBND ngày 30/11/2007, nhìn chung là đầy đủ, chi tiết nhưng tôi thấy cần phải điều chỉnh một số nội dung cho sát hợp với thực tế, đó là:

- Phương án tổng thể để làm thủ tục thu hồi đất: nên tính khái quát, đủ nội dung, không nên chi tiết cụ thể diện tích của từng hộ bởi: không thể vào các hộ dân để đo đạc khi chưa có Quyết định pháp lý về thu hồi đất.

- Thời gian chính quyền quận, huyện ký Quyết định thu hồi đất từng hộ chậm nhất là 15 ngày sau khi có quyết định của UBND Thành phố về tổng thể dự án.

Thực tế hồ sơ và công tác quản lý đất đai của phòng Tài nguyên Môi trường quận, huyện chưa đầy đủ và chính xác như ý tưởng của chúng ta khi đề ra yêu cầu của nội dung này.

- Thực tế nhiều dự án nhỏ, thời gian GPMB chỉ có khoảng trên dưới 40 ngày, nhưng quy trình hiện nay về GPMB rất dài (trên 172 ngày) mà kinh nghiệm cho thấy nếu công tác GPMB không tập trung, dứt điểm dễ sinh ra khó khăn, phức tạp. Vì vậy nên quy định yêu cầu cơ bản của công tác GPMB: đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, dân chủ, kỷ cương; đảm bảo lợi ích chính đáng của các hộ dân và tổ chức trong diện GPMB.

- Nên có cơ chế cụ thể để các Trung tâm Phát triển Quỹ đất có đủ cơ sở thực hiện nhiệm vụ GPMB theo quy hoạch.

Ông Trịnh Kiên Đĩnh trả lời trực tiếp câu hỏi của người dân
Ông Trịnh Kiên Đĩnh trả lời trực tiếp câu hỏi của người dân

- Tôi có mua một miếng đất ở xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm - Hà Nội. Tôi đã kê khai làm hồ sơ cấp sổ đỏ từ năm 2005 mà vẫn chưa được. Miếng đất nói trên của tôi là thành phố cấp giãn dân từ năm 1986 đến nay, vừa rồi tôi mới biết là khi thành phố xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Long mở rộng thu hồi hết. Vậy tôi có được cấp sổ đỏ nữa không? Nếu thành phố thu hồi thì có được đền bù thoả đáng không?- (Văn Đình Hoạt, 30 tuổi, Từ Liêm)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Trường hợp đất mua của ông có nguồn gốc là đất giãn dân được UBND Thành phố giao từ năm 1986, nếu đến nay đã có quyết định thu hồi đất của UBND TP để thực hiện dự án theo quy hoạch thì về nguyên tắc khi đã có quyết định thu hồi đất thì không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi thực hiện GPMB, trường hợp nhà đất của ông đủ điều kiện để được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND ngày 30-11-2007 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố và giá đất khi bồi thường được xác định theo quy định tại Quyết định số 150/2007/QĐ-UBND ngày 28-12-2007  về giá các loại đất năm 2008 trên địa bàn thành phố.

Tôi có mua một miếng đất ở xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm - Hà Nội. Tôi đã kê khai làm hồ sơ cấp sổ đỏ từ năm 2005 mà vẫn chưa được. Miếng đất nói trên của tôi là thành phố cấp giãn dân từ năm 1986 đến nay, vừa rồi tôi mới biết là khi thành phố xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Long mở rộng thu hồi hết. Vậy tôi có được cấp sổ đỏ nữa không? Nếu thành phố thu hồi thì có được đền bù thoả đáng không? (Văn Đình Hoạt, 30 tuổi, Từ Liêm)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Trường hợp đất mua của ông có nguồn gốc là đất giãn dân được UBND thành phố giao từ năm 1986, nếu đến nay đã có quyết định thu hồi đất của UBND TP để thực hiện dự án theo quy hoạch thì về nguyên tắc khi đã có quyết định thu hồi đất thì không được cấp GCN quyền sử dụng đất. Khi thực hiện GPMB, trường hợp nhà đất của ông đủ điều kiện để được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND ngày 30-11-2007 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố và giá đất khi bồi thường được xác định theo quy định tại Quyết định số 150/2007/QĐ-UBND ngày 28-12-2007 về giá các loại đất năm 2008 trên địa bàn thành phố.

Nhà bỏ hoang đã lâu năm vẫn "sừng sững" giữa thành phố
Nhà bỏ hoang đã lâu năm vẫn "sừng sững" giữa thành phố

- Thưa ông, nhà tôi thuộc phạm vi GPMB đường vành đai I và được bố trí tái định cư tại Khu Nam Trung Yên. Nay vì không có nhu cầu ở, tôi muốn bán lại cho chủ sử dụng khác có vi phạm quy định gì không? (Nguyễn Tuấn Dũng, 27 tuổi, Thanh Xuân)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Trường hợp khi GPMB ông được mua nhà tái định cư theo Quyết định của UBND TP tại khu Nam trung Yên. Theo quy định của Luật Đất đai, sau khi ông được cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại căn hộ tái định cư, ông có các quyền của người sở hữu nhà và sử dụng đất: mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp...

- Từ tháng 9-2006, tôi được UBND phường phổ biến thu hồi đất để GPMB và đền bù tái định cư tại Nam Trung Yên. Đến nay, đã quá 1 năm nhưng công tác GPMB vẫn chưa diễn ra. Vậy tôi muốn hỏi đến bao giờ thì sẽ làm và khu tái định cư có còn ở Nam Trung Yên nữa không? (Hà Tú Lan, 21 tuổi, 91 Kim Ngưu, Thanh Lương, Hai Bà Trưng)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Câu hỏi của bà không rõ tên của dự án, chúng tôi xin trả lời về nguyên tắc như sau: Theo quy định tại Quyết định số 136/2007/QĐ-UBND ngày 30-11-2007 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ thu hồi đất và giao đất trình UBND TP quyết định; trong đó, căn cứ văn bản chủ trương thu hồi theo quy hoạch hoặc văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND quận, huyện nơi có đất bị thu hồi có trách nhiệm chỉ đạo, phổ biến chủ trương thu hồi đất, các quy định về thu hồi đất, về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi có trách nhiệm niêm yết công khai chủ trương thu hồi đất tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và tại các điểm sinh hoạt khu dân cư, thông báo trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn. Tiếp theo, phòng tài nguyên và môi trường quận, huyện phải làm thủ tục tổ chức điều tra, lập hồ sơ danh sách các thửa đất thu hồi. Trường hợp khu đất phải trích đo địa chính thì UBND quận, huyện phải có thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất về việc đo địa chính. Tiếp theo, UBND phường, xã thị trấn phải thu thập số liệu, tài liệu hiện có để lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trình UBND quận huyện xét duyệt... Sau khi phương án trên được phê duyệt, UBND quận, huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người đang sử dụng đất biết lý do thu hồi đất, dự kiến về mức bồi thường hỗ trợ tái định cư, phương án chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm; thời gian di chuyển và bàn giao đất bị thu hồi được nêu trong phương án tổng thể.

Như vậy, việc trích đo bản đồ địa chính, lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình UBND quận, huyện phê duyệt và thông báo về việc thu hồi đất cho người bị thu hồi mới chỉ là một trong những thủ tục hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất.

Hà Nội vẫn còn ngổn ngang các công trình vướng về GPMB Hà Nội vẫn còn ngổn ngang các công trình vướng về GPMB
Hà Nội vẫn còn ngổn ngang các công trình vướng về GPMB Hà Nội vẫn còn ngổn ngang các công trình vướng về GPMB
Hà Nội vẫn còn ngổn ngang các công trình vướng về GPMB

- Chúng tôi gồm 5 gia đình, có hộ khẩu riêng cùng chung sống trên một khu đất có diện tích 207m2, đã có sổ đỏ. Vừa qua UBND phường thông báo Thành phố sẽ thu hồi đất toàn bộ diện tích đất này. Xin hỏi việc tái định cư của gia đình tôi được giải quyết thế nào? Có được giải quyết bồi thường bằng đất? (Nguyễn Vũ Bằng, 40 tuổi, Hai Bà Trưng)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Câu hỏi của ông nêu 5 gia đình, có hộ khẩu riêng, cùng chung sống trên một khu đất có diện tích 207 m2; khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư, thì gia đình ông được bồi thường hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND ngày 30-11-2007 của UBND TP. Về nguyên tắc, các hộ gia đình sẽ được bố trí mua căn hộ tái định cư tại các dự án xây dựng nhà chung cư tái định cư của thành phố. Câu hỏi của ông cần phải được làm rõ, 5 gia đình có hộ khẩu riêng và đã được cấp chung một (đồng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà) hay nhiều Giấy chứng nhận (mỗi gia đình một Giấy chứng nhận) sẽ quyết định phương án được mua nhà tái định cư (Điều 48,  Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND).

- Từ năm nay 1980 đến nay, gia đình tôi vẫn đang canh tác trên diện tích đất nông nghiệp là 270m2, không tranh chấp, khiếu kiện. Theo phương án giao đất năm 1999 thì gia đình tôi được giao 236m2. Vừa qua Nhà nước thu hồi, UBND xã chỉ xác nhận và trả tiền đền bù cho diện tích 236m2, phần diện tích còn lại, UBND xã nhận tiền đền bù. Xin hỏi việc làm này có đúng?  (Trần Xuân Lâm, 37 tuổi, Thanh Trì)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Thực hiện Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình (phương án giao đất năm 1999) thì gia đình ông được giao 236 m2 đất nông nghiệp. Đây là diện tích đất sử dụng hợp pháp, khi Nhà nước thu hồi đất ông được trả tiền đền bù đất nông nghiệp cho diện tích đất này. Phần diện tích đất nông nghiệp còn lại (thực hiện phương án rút bù khi thực hiện Nghị định 64/NĐ-CP) nếu là quỹ đất công ích của xã thì UBND xã được nhận tiền hỗ trợ về đất theo quy định.

Trong khi đó vẫn còn nhiều những khu đất hoang như thế này!
Trong khi đó vẫn còn nhiều những khu đất hoang như thế này!

  Theo thông báo giá đền bù cây bưởi thì mức đền bù cao nhất hiện nay là 100.000 đồng/cây có đường kính gốc từ 15cm đến dưới 20cm. Xin hỏi việc định giá này có phù hợp trong khi cây bưởi Diễn của chúng tôi có thể cho thu hoạch ít nhất 30 quả với giá từ 17.000 đồng đến 20.000 đồng/quả? (Nguyễn Tuấn Khải, 43 tuổi, Từ Liêm)

Ông Phùng Văn Tiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội):

Thông báo giá số 5630/TB-STC, ngày 28/12/2007 áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2008, trong đó quy định mức giá bồi thường đối với cây bưởi có đường kính gốc lớn hơn hoặc bằng 0,15m và nhỏ hơn 0,20m là 100.000 đồng/cây, cây bưởi có đường kính gốc lớn hơn 0,20m là 150.000 đồng/cây. Đồng thời trong thông báo giá số 5360/TB-STC cũng quy định rõ: "Những quận, huyện có những cây trồng đặc thù của địa phương mình hoặc theo thời giá tại địa phương chưa hợp lý, có công văn đề xuất mức giá gửi về Sở Tài chính Hà Nội để được xem xét kịp thời cho từng dự án".

(Trước đây, theo đề nghị của UBND huyện Từ Liêm, Sở Tài chính Hà Nội đã có công văn số 1909/STC-BG ngày 5/6/2007 cho phép UBND huyện Từ Liêm áp dụng mức giá bồi thường đối với cây bưởi Diễn có đường kính gốc lớn hơn 0,15m nằm trong chỉ giới thu hồi đất thực hiện dự án Depot tuyến đường sắt đô thị tại xã Minh Khai huyện Từ Liêm là 600.000 đồng/cây.)

Mức giá bồi thường tại các thông báo giá của Sở Tài chính chỉ áp dụng cho cây, hoa màu canh tác trong điều kiện bình thường có mật độ gieo trồng phù hợp với đặc điểm kinh tế kỹ thuật, phù hợp điều kiện phát triển sinh trưởng tự nhiên của cây trồng. Các trường hợp gieo trồng, ươm cây quá mật độ UBND quận huyện căn cứ cụ thể quyết định mức hỗ trợ, đảm bảo nguyên tắc bồi thường công bằng, hạn chế tối đa lợi dụng giải phóng mặt bằng để trục lợi.

Trong khi giá cả các mặt hàng đều tăng thì giá bồi thường cây hoa cúc năm 2007 - dự án do công ty Nam Cường làm chủ đầu tư tại xã Cổ Nhuế cho 1m2 hoa cúc là 100.000 đồng. Tại sao năm 2008, khi phổ biến giá bồi thường - dự án bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì giá bồi thường cho 1m2 trồng cúc chỉ có 80.000 đồng? (Phạm Anh Vũ, 32 tuổi, Từ Liêm)

Ông Phùng Văn Tiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội):

Theo đề nghị của UBND huyện Từ Liêm, ngày 23/7/2007Sở Tài chính đã có công văn số 2639/STC-BG cho phép UBND huyện Từ Liêm áp dụng thông báo giá số 6069/TB-STC để lập phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu đô thị mới xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (do công ty Nam Cường làm chủ đầu tư).

Theo quy định tại thông báo số 6069, ngày 28/12/2006 quy định mức giá bồi thường đối với cây cúc như sau:

Cúc giống: 10.000 đồng/m2 (mật độ không quá 100 cây/m2)

Cúc chưa có hoa: 700 đồng/cây

Cúc có hoa: 1000 đồng/cây

Vì vậy, thông tin của bạn về mức giá bồi thường của công ty Nam Cường cho cây hoa cúc là chưa chính xác.

Theo quy định tại thông báo số 6069, UBND cấp huyện căn cứ đặc điểm kinh tế kỹ thuật gieo trồng phù hợp điều kiện phát triển sinh trưởng tự nhiên của cây trồng để quyết định việc bồi thường hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc bồi thường, hạn chế việc trồng dâm cây quá mật độ quy định để trục lợi.

Theo báo cáo của nhiều quận huyện, tình trạng lợi dụng giải phóng mặt bằng trồng giâm cây quá mật độ quy định, không phù hợp với đặc điểm kinh tế kỹ thuật và yêu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng diễn ra tương đối phổ biến ở các quận, huyện gây dư luận bức xúc trong nhân dân. Do đó, theo đề nghị của UBND các quận huyện, bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2007, trên cơ sở tham khảo ý kiến của UBND 14 quận, huyện trong Thông báo giá của Sở Tài chính đã quy định bổ sung mật độ đối với từng cây trồng cụ thể.

Công tác GPMB của thành phố gặp quá nhiều khó khăn
Công tác GPMB của thành phố gặp quá nhiều khó khăn

 Theo quyết định số 137/2007/QĐ-UB, mỗi dự án đều phải xây dựng giá bồi thường thiệt hại đất đầu đi và giá nhà tái định cư, với tiến độ các dự án theo yêu cầu là rất gấp, theo ông UBND Thành phố có thể công bố giá kịp thời theo tiến độ của dự án hay không? (nguyendangtai meoinocuoptraitimcon@yahoo.com)

Ông Phùng Văn Tiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội):

Theo quy định tại NĐ 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Quyết định số 136/2007/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 và Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 của UBND TP thì phải có Quỹ nhà tái định cư để lập, phê duyệt phương án tổng thể bồi thường hỗ trợ tái định cư trước khi cấp thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất. Theo quy định tại NĐ 90/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Quy định của Luật Xây dựng thì chủ đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư và tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà tái định cư phải có đầy đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán (tổng dự toán) xây dựng nhà chung cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo tờ trình liên ngành số 1164/TTrLN-STC của các Sở Tài chính, Tài nguyên môi trường và nhà đất, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư ngày 21/4/2008 trình TP phê duyệt quy trình, nguyên tắc và phương pháp xác định giá bán nhà tái định cư thì: Trong thời hạn tối đa là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về quỹ nhà bằng văn bản của Sở TNMT&NĐ, Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội phối hợp với tổ chức được TP giao nhiệm vụ đặt hàng mua nhà tái định cư và Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm báo cáo Sở Tài chính bằng văn bản kèm theo các hồ sơ liên quan, trong đó có: Hồ sơ dự toán hoặc tổng dự toán, thống kê diện tích sàn căn hộ nhà chung cư tái định cư. Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng thẩm tra, trình UBND TP phê duyệt giá bán nhà tái định cư đối với từng dự án GPMB cụ thể.

Như vậy theo quy định trên và đối chiếu với quy định về trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư tại chương 6 quyết định số 137/2007/QĐ-UBND là phù hợp tạo điều kiện thực hiện đúng tiến độ GPMB.

GPMB ở đường Cát Linh - La Thành
GPMB ở đường Cát Linh - La Thành

- Tôi được biết quy hoạch mở rộng đường Láng đã được phê duyệt sẽ mở rộng tới 55m. Tuy nhiên quy hoạch đã phê duyệt từ lâu nhưng vẫn “treo”. Vậy tôi có thể xin phép xây dựng mới nhà của mình hay không trong lúc chờ đợi GPMB? (Trần Văn Tài, 37 tuổi, quận Đống Đa)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

- Hiện nay đường Láng đã được mở rộng về phía sông Tô Lịch. Đề nghị ông liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để tìm hiểu thêm về Quy hoạch mở rộng đường Láng trước đây đã được phê duyệt. Đề nghị ông liên hệ với UBND quận Đống Đa để được hướng dẫn về thủ tục xin Giấy phép xây dựng nhà ở.

+ Doanh nghiệp khắp nơi đến Hà Nội làm ăn, kinh doanh luôn ta thán chuyện thiếu mặt bằng sản xuất. Người thì nói nguyên nhân chính xuất phát cơ chế, bộ máy hành chính của thành phố gây khó khăn, người lại nói Hà Nội thực sự quá thiếu đất cho phát triển kinh tế. Theo ông đâu là sự thực? (Nguyễn Thu Hiền, 55 tuổi, Công ty TNHH Hà Sinh)

 Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung tạo điều kiện cho các dự án đầu tư phát triển khu cụm công nghiệp, chế xuất nhằm tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố theo 2 mô hình:

- Phát triển khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. các doanh nghiệp được phép kinh doanh hạ tầng, làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn khu và cho các doanh nghiệp (thứ cấp) thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, sản xuất.

- Phát triển khu cụm công nghiệp vừa và nhỏ do các BQL dự án quận huyện làm chủ đầu tư với quan điểm là không kinh doanh. các doanh nghiệp (thứ cấp) được trực tiếp thuê đất với Nhà nước.

Với cả 2 mô hình này, Nhà nước đều hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội 2001-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 9-11-2001, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2001-2005 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 25-11-2002, hàng năm, thành phố đều quan tâm bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích xây dựng khu công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời kỳ 2001-2010, phù hợp Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-6-1998, đáp ứng đủ quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp và đất dành cho cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố; Cụ thể, chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2001-2005: quỹ đất khu công nghiệp là 1.156 ha, thực hiện 779 ha, đạt 67,39%. Quỹ đất dành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là 82 ha, thực hiện 184 ha, đạt 224,39%. kế hoạch sử dụng đất 2006-2010: Chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp là 1.104 ha, đã thực hiện: năm 2006 là 12 ha, năm 2007: 81 ha. Kế hoạch năm 2008 là 205 ha, năm 2009 là 286 ha và 2010 là 520 ha. chỉ tiêu kế hoạch đất cơ sở sản xuất kinh doanh giai đoạn 2006-2010 là 459 ha; đã thực hiện năm 2006: 17 ha, năm 2007: 87 ha, kế hoạch năm 2008: 102 ha, năm 2009: 203 ha, năm 2010: 50 ha. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Sở TN-MT&NĐ thụ lý, thẩm định hồ sơ trình UBND TP quyết định giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần liên hệ với Sở TNMT&NĐ Hà Nội (18 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) để được hướng dẫn thủ tục theo quy định tại Quyết định 136/2007/QĐ-UBND ngày 30-11-2007 của UBND TP.

+ Luật Đất đai 2003 có quy định “chủ đầu tư dự án tự thỏa thuận với người dân về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, Hà Nội có thực hiện việc này không? Nếu chúng tôi muốn thỏa thuận với người dân thì thành phố có chấp thuận không? (Vũ Danh Sỹ, 41 tuổi, nhà đầu tư)

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TNMT&NĐ Hà Nội:

Quyết định 136/2007/QĐ-UBND ngày 30-11-2007 của UBND TP quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 là các trường hợp UBND TP ra quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư; tại Điều 6 quy định các trường hợp Nhà nước không ra quyết định thu hồi đất (theo quy định của Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ). Các trường hợp Nhà nước không ra quyết định thu hồi đất, chủ dầu tư tự nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất; trường hợp sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh mà làm thay đổi mục đích sử dụng đất thì phải làm thủ tục đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định; trường hợp thuê đất của người đang sử dụng đất thì người thuê đất không được chuyển mục đích sử dụng đất.

Thực tế, từ khi thành phố triển khai Luật Đất đai 2003, đã có nhiều đơn vị thực hiện việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thí dụ: công ty TNHH Tâm Dung nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 11.366 m2 đất tại xã Mai Lâm, Đông Anh; Chi nhánh Công ty TNHH Hồ tây một thành viên – Dầu khí Hà Nội – Hà Nội Petro – HP thuộc Công ty TNHH Hồ Tây một thành viên được chuyển mục đích sử dụng 8.808 m2 đất tại Dương Xá, Gia Lâm để xây dựng xưởng chiết nạp gas... Công ty cổ phần công nghệ nhựa nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 16.649 m2 đất tại xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm để xây dựng xưởng sản xuất bao bì nhựa.

 Bạn đọc thân mến!

Trong khoảng thời gian 2 giờ 30 phút giao lưu trực truyến, Báo An ninh Thủ đô điện tử đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn đọc gửi đến. Các thành viên trong Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, Sở TN,MT&NĐ, Sở Tài chính đã trả lời được gần 40 câu hỏi. Do thời gian có hạn, khoảng 50 câu hỏi còn lại sẽ được các cơ quan nói trên tiếp tục trả lời sau buổi giao lưu trực tuyến. Báo An ninh Thủ đô sẽ thông tin tới bạn đọc phần trả lời trên Báo An ninh Thủ đô điện tử tại địa chỉ http:// www.anninhthudo.vn và Báo An ninh Thủ đô ra hằng ngày.

Trân trọng cảm ơn bạn đọc!

                                                    An ninh Thủ đô