Giao lưu trực tuyến: “Tư vấn phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Báo điện tử An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến: “Tư vấn phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân”.

Danh sách khách mời

BSCKII Khổng Minh Tuấn

BSCKII Khổng Minh Tuấn

Phó Giám đốc CDC Hà Nội

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương

Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn

ThS.BS Khuất Văn Sơn

ThS.BS Khuất Văn Sơn

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì

Nguyễn Hồng Liên (phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) hỏi:

Con tôi còn rất nhỏ, muốn cho cháu đi khám bệnh ở Bệnh viện Thanh Nhàn nhưng lo ngại tình trạng chờ đợi quá lâu. Xin hỏi bệnh viện có dịch vụ khám bệnh nhanh không? Thủ tục ra sao ạ?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:

Hiện nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đã có dịch vụ khám nhanh, khám ngoài giờ (thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ) và khám theo lịch hẹn đặt trước trên website bệnh viện. Mời bạn liên hệ các nơi này theo nhu cầu.

Trọng Hiếu (Đông Anh, Hà Nội) hỏi:

Mấy hôm nay trời rét tôi thấy có nhiều người bị đột quỵ, thậm chí tử vong. Xin bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương tư vấn những dấu hiệu cần lưu ý và biện pháp xử lý nếu xuất hiện dấu hiệu bênh?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:

Dấu hiệu lưu ý: Bệnh nhân có dấu hiệu đau đầu, yếu hoặc liệt tay hoặc chân; nói ngọng; rối loạn ý thức, rối loạn đại tiểu tiện.

Biện pháp xử lý nếu xuất hiện dấu hiệu trên: Gọi ngay cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có máy đo huyết áp tự động, nếu huyết áp quá cao (huyết áp tối đa trên 200mmHg) cho bệnh nhân uống ngay 1 viên thuốc hạ huyết áp (nếu có).

Nguyễn Bích Hồng (phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:

Hiện nay nếu vào bệnh viện, chúng tôi rất lo ngại tình trạng đông đúc và có nguy cơ lây nhiễm chéo. Xin hỏi Bệnh viện Thanh Nhàn, với tình hình các dịch bệnh rất phức tạp hiện nay, Bệnh viện có biện pháp gì để phòng, tránh lây nhiễm chéo và có tư vấn gì cho người đến khám bệnh trong vấn đề này?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:
Giao lưu trực tuyến: “Tư vấn phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân” ảnh 4

Bệnh viện đã thành lập một đội sàng lọc bệnh nhân ngay từ cổng bệnh viện với các công việc cụ thể như đo nhiệt độ, khai báo y tế và nhắc nhở yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào khuôn viên bệnh viện.

Đồng thời, bệnh viện đã có hệ thống biển báo, nội quy quy chế niêm yết tại những nơi đông người, thuận tiện cho người nhà bệnh nhân tuân thủ.

Ngoài ra, để nâng cao ý thức cho người dân, bệnh viện có phát loa hàng ngày yêu cầu tuân thủ phương pháp 5K theo đúng quy định của Chính phủ.

Đề nghị người dân đến bệnh viện cần tuân thủ phương pháp 5K: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung đông người - khai báo y tế.

Nguyễn Minh Chiến hỏi:

Tôi có thói quen dậy sớm tập thể dục quanh hồ Gươm, nhưng sau khi có mấy trường hợp bị đột quỵ gần đây, tôi sợ và bỏ tập. Nhưng khi bỏ tập thì người yếu đi, béo lên rất nhanh. Vậy tôi phải làm sao?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Chỉ nên tập thể dục ngoài trời trong những ngày thời tiết ấm áp. Còn những ngày thời tiết có nền nhiệt độ thấp thì nên hạn chế tối đa việc tập thể dục ngoài trời. Nếu cần thì bạn có thể tập thể dục trong nhà, nơi kín gió.

Hoặc bạn có thể thu xếp tập thể dục vào các thời gian khác trong nhà như trưa, chiều chứ không nhất thiết phải tập vào buổi sáng.

Nguyễn Lan Anh hỏi:

Xin hỏi bác sĩ, việc rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý có thể giúp phòng bệnh lây qua đường hô hấp không?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Mũi và họng là nơi xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh đường hô hấp. Do vậy, việc vệ sinh miệng và sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để rửa mũi, họng là cần thiết và có hiệu quả. 

Đình Bắc (Đống Đa, Hà Nội) hỏi:

Tôi có người nhà ở Nhật Bản tới đây sẽ về nước ăn Tết. Xin hỏi làm thế nào để có thể đăng ký cách ly tại nơi lưu trú hoặc nhà riêng?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Hiện nay, tất cả công dân Việt Nam sau khi nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở của thành phố quy định sau khi có xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được thực hiện cách ly tại 1 trong 19 khách sạn được cấp phép tổ chức cách ly theo yêu cầu.

Trước khi người nhà của bạn về nước thì bạn cần liên hệ với các cơ sở cách ly, đồng thời có đơn gửi cơ sở cách ly tập trung để được giải quyết. Danh sách các khách sạn cách ly tự nguyện được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Hà Nội.

Nguyễn Quốc Bình (đường Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng,Hà Nội) hỏi:

Xin bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương thông tin về tình hình khám, chữa, điều trị các bệnh lây nhiễm trong bệnh viện Thanh Nhàn hiện nay. So với cùng thời điểm các năm trước, các dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn không?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:

Tại thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch tại nơi công cộng và đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Nguyễn Thị Tuyết Thu hỏi:

Tôi thấy BV Thanh Nhàn được xướng tên nhiều trong các đợt chống dịch vừa rồi, vì đã có các bước can thiệp hiệu quả khi chống dịch. Tuy nhiên, ở vai trò là người bệnh, những thông tin đó khiến tôi có phần e ngại, là Thanh Nhàn "đón" nhiều bệnh nhân Covid-19 quá! Do vậy, khi định tới để siêu âm thai, tôi lại băn khoăn.

Xin hỏi lãnh đạo bệnh viện Thanh Nhàn có e ngại khi thương hiệu của viện mình gắn với Covid-19, và tạo ra tâm lý e ngại cho người bệnh như tôi không?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:
Bệnh viện Thanh Nhàn đã được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen về thành tích trong phòng chống dịch Covid-19

Bệnh viện Thanh Nhàn đã được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen về thành tích trong phòng chống dịch Covid-19

Theo sự phân công của Sở Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn là cơ sở cách ly cho những người nghi ngờ Covid-19. Nếu phát hiện ra những bệnh nhân dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương CSII để điều trị.

Bệnh viện Thanh Nhàn đã bố trí khu sàng lọc và khu cách ly điều trị riêng biệt so với khu khám chữa bệnh thông thường.

Từ những ca chúng tôi phát hiện, điều trị không những làm giảm uy tín mà còn nâng cao uy tín của bệnh viện trên toàn quốc. Với những kết quả đã đạt được trong đợt cao điểm phòng, chống Covid-19 vừa qua, Bệnh viện Thanh Nhàn đã được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen và Bộ Y tế gửi thông báo biểu dương Bệnh viện đã có tinh thần cảnh giác, sàng lọc, phát hiện sớm từ đó tránh được bệnh viện lớn của Thủ đô bị nguy cơ phong toả và ngăn bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.

Hà Thúy Linh (Định Công, Hoàng Mai) hỏi:

Hiện nay việc theo dõi lịch tiêm chủng trong sổ tiêm chủng không thuận tiện, khiến cha mẹ dễ bỏ quên lịch tiêm chủng của con nếu không xem sổ. Vậy xin hỏi ông Khổng Minh Tuấn, việc theo dõi lịch tiêm chủng của con có thể thực hiện online hoặc có sự nhắc nhở của các đơn vị tiêm chủng hay không?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Nếu con bạn đang tiêm chủng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại y tế xã, phường thì ngoài lịch ghi trong sổ, mỗi khi đến ngày tiêm đều có thông báo của trạm y tế xã, phường gửi đến các bà mẹ. 

BS Khổng Minh Tuấn trả lời nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm

BS Khổng Minh Tuấn trả lời nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm

Còn với các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, chỉ khi nào bạn thực hiện gói dịch vụ trọn gói thì nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng đó sẽ có trách nhiệm thông báo nhắc nhở các bà mẹ khi đến lịch tiêm của trẻ.

Đào Thị Yên (Phú Thọ) hỏi:

Tôi có nghe nói Việt Nam đã tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19. Xin hỏi nếu các bước thử nghiệm thuận lợi thì liệu bao giờ vaccine có thể được tiêm cho người dân?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu vào thử nghiệm vaccine phòng ngừa Covid-19 trên người ở phạm vi hẹp.

Sáng nay, 17/12, ba người Việt đầu tiên đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19

Sáng nay, 17/12, ba người Việt đầu tiên đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19

Sau khi thử nghiệm nếu có kết quả tốt, Bộ Y tế  sẽ tiếp tục cho thử nghiệm trên phạm vi rộng lần 2 và lần 3. Để có được vaccine thương phẩm sau khi kết quả thử nghiệm trên người đạt tiêu chuẩn thì  cần phải có các khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất cho việc sản xuất vaccine đại trà. 

Để thực hiện các bước này cần phải có thời gian và tùy theo hiệu quả của các bước. Chúng ta hy vọng giữa hoặc cuối năm 2021 có thể có được vaccine thương phẩm để sử dụng.

Kim Ngân (Tứ Hiệp, Thanh Trì) hỏi:

Tôi được biết ở huyện Thanh Trì có một số khu nhà ở khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp là nơi cách ly tập trung người nhập cảnh phòng Covid-19. Xin hỏi hiện ở khu vực này số lượng người cách ly nhiều không? Các cơ quan y tế có những biện pháp gì để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân lân cận?

ThS.BS Khuất Văn Sơn trả lời:

Các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân vùng lân cận khu cách ly tôi đã trả lời ở trên. Người dân ở các khu vực này có thể an tâm không bị lây nhiễm từ khu cách ly tập trung. Bạn quan tâm có thể đọc lại để biết thông tin.

Bùi Linh Thủy hỏi:

Bạn tôi mới đi nước ngoài về, và đã trải qua quá trình cách ly đầy đủ. Tuy nhiên, do áp lực tâm lý ở nước bạn (có nhiều ca mắc), về cách ly xong thì bị bạn bè xa lánh (với lý do "chưa chắc nó an toàn, virus có thể phát sau 1 tháng" nên bạn tôi rất buồn. Thậm chí, khi bị cảm lạnh thông thường, bạn tôi cũng lo lắng đứng ngồi không yên, hoang tưởng bị Covid-19 rồi.

Xin hỏi: Làm sao để khẳng định chắc chắn cơ thể mình ổn sau quá trình cách ly đầy đủ? Và có cơ sở nào hỗ trợ ổn định tâm lý cho những người bị khủng hoảng từ vùng dịch trở về?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Thời gian ủ bệnh đối với Covid-19 trung bình từ 5-7 ngày, tối đa là 14 ngày. Vì vậy, Việt Nam chúng ta  đang thực hiện tổ chức cách ly tập trung cho tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian đủ 14 ngày và 2 lần xét nghiệm.

Mọi công dân, hành khách, chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm

Mọi công dân, hành khách, chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm

Sau khi kết thúc cách ly đủ 14 ngày, những người này sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương trong vòng 1 tuần. Trong khoảng thời gian đó, nếu có bất kỳ hiểu biện bất thường nào của sức khỏe, cần phải đến các cơ sở y tế để khám và loại trừ Covid-19.

Nghĩa là sau khi 21 ngày, kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam, và đã được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì bạn có thể yên tâm, bạn không có nguy cơ mắc Covid-19.

Còn trong trường hợp bạn muốn được tư vấn gì để yên tâm hơn thì gọi điện đến đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội: 0969.082.115 hoặc 0949.396.115.

Ngô Ngọc Anh (sinh sống tại Nhật Bản) hỏi:

Xin hỏi bs Khuất Văn Sơn, khi được đưa vào khu cách ly, những người cách ly sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bao nhiêu lần, có mất chi phí gì không? người cách ly có phải chi trả chi phí sinh hoạt, ăn ở gì nữa không?

ThS.BS Khuất Văn Sơn trả lời:

Người được đưa vào khu cách ly tập trung sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và khoảng ngày thứ 13 ở khu cách ly tập trung.

Chi phí xét nghiệm Covid-19 ở khu cách ly tập trung hiện nay là 734.000 đồng/lần/người xét nghiệm. Người được xét nghiệm sẽ phải nộp 120.000 đồng/ngày/người, gồm chi phí ăn uống và chi phí khác. 

Dương Thị Bích Diệp hỏi:

Tôi ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đợt này thấy nhiều nhà có con nhỏ ở khu vực tôi sinh sống bị mắc tay chân miệng. Xin hỏi lúc này có phải cao điểm của bệnh tay chân miệng hay không, bệnh này có lây sang các trẻ khác không?

ThS.BS Khuất Văn Sơn trả lời:

Tay chân miệng là bệnh do virus, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Hiện nay vẫn có trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội. Khi mắc tay chân miệng cần thông báo cho trạm y tế phường Hoàng Liệt và nơi cháu học để được hướng dẫn phòng bệnh. 

Trước hết, gia đình cần đảm bảo vệ sinh nơi ở, vệ sinh bàn tay, cơ thể cho cháu. Đồng thời, để cháu hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan. 

Phạm Thu Linh (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:

Vừa rồi tôi thấy truyền hình thông tin Bộ y tế yêu cầu các bệnh viện hạn chế tối đa hoặc không cho người nhà bệnh nhân vào viện trông nom bệnh nhân. Xin hỏi tại Bệnh viện Thanh Nhàn, quy định như thế nào?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:

Để thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về hạn chế tối đa người nhà đến thăm, nom bệnh nhân, Bệnh viện Thanh Nhàn đã có những nội quy rất rõ ràng, niêm yết tại những nơi dễ nhìn, dễ thấy và những nơi tập trung đông người. Tại các khoa, phòng, chỉ cho phép 1 người nhà chăm nom khi cần thiết.

Lê Đăng Hoạt hỏi:

Tôi ở huyện Thanh Trì. Tôi thấy những người quanh mình thì ai cũng biết thông tin về Covid-19, nhưng họ vẫn rất chủ quan, cứ nghĩ đó là việc của ai, ai bị lây chứ không thể là mình.

Ví như lúc giãn cách xã hội, mọi người vẫn tụ tập uống chè, hút thuốc cuối giờ chiều. Rồi nhà ai có việc, thì vẫn đóng cửa uống rượu, cụng ly ầm ầm.

Xin hỏi, tôi có thể báo lên đường dây nóng nào để thông tin về các trường hợp vô ý thức đó?

ThS.BS Khuất Văn Sơn trả lời:

Với những trường hợp trên, bạn có thể báo đến các số điện thoại sau: 

- Khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS: 024.36815987

- Bộ phận trực dịch: 024. 22631408

- Giám đốc TT Y tế huyện Thanh Trì: 0913 599 556.

Hoặc bạn có thể gọi trực tiếp đến trạm y tế xã nơi bạn đang ở để phản ánh tình hình.

Rất cảm ơn sự hỗ trợ của bạn!

Hà Thanh Bình (đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng) hỏi:

Hôm cuối tuần tôi vào viện thăm người nhà vẫn thấy rất nhiều người không đeo khẩu trang ở trong khu khám bệnh, ngoài khuôn viên bệnh viện. Xin hỏi Bệnh viện Thanh Nhàn có biện pháp gì để đảm bảo bệnh nhân và người nhà tuân thủ quy định đeo khẩu trang?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:

Bệnh viện đã thành lập đội sàng lọc ngay từ ngoài cổng để nhắc nhở bệnh nhân, cặp nhiệt độ, khai báo y tế, đeo khẩu trang trước khi vào khám chữa bệnh.

Đồng thời, bệnh viện có biển báo ở những nơi tập trung đông người và nội quy từng khoa phòng yêu cầu người nhà và bệnh nhân bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện.

Ngoài ra để nâng cao ý thức của người bệnh và người nhà bệnh nhân, bệnh viện cũng phát loa hàng ngày khuyến cáo về phương pháp 5K đối với người dân để đề phòng dịch bệnh Covid-19.

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:
BSCK II Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn

BSCK II Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn

Bệnh viện đã thành lập một đội sàng lọc bệnh nhân ngay từ cổng bệnh viện với các công việc cụ thể như đo nhiệt độ, khai báo y tế và nhắc nhở yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào khuôn viên bệnh viện.

Đồng thời, bệnh viện đã có hệ thống biển báo, nội quy quy chế niêm yết tại những nơi đông người, thuận tiện cho người nhà bệnh nhân tuân thủ.

Ngoài ra, để nâng cao ý thức cho người dân, bệnh viện có phát loa hàng ngày yêu cầu tuân thủ phương pháp 5K theo đúng quy định của Chính phủ.

Nguyễn Ngọc Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi:

Tuần vừa rồi tôi có tiếp một chuyên gia người Anh tại khách sạn, đến hôm qua tôi có biểu hiện sốt, ho nhẹ nhưng sau khi uống thuốc thì hôm nay tôi đã đỡ hơn nhiều. Tôi băn khoăn liệu có nên đi viện khám sàng lọc hay không?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Hiện nay, tại Hà Nội không có tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Nếu chuyên gia người Anh mà đã nhập cảnh vào Việt Nam trên 14 ngày và có các kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính thì bạn không có nguy cơ nhiễm Covid-19. 

BS Khổng Minh Tuấn tham gia buổi giao lưu trực tuyến tại Báo An ninh Thủ đô

BS Khổng Minh Tuấn tham gia buổi giao lưu trực tuyến tại Báo An ninh Thủ đô

Tuy nhiên, ngoài việc tiếp xúc với chuyên gia người Anh đó, bạn còn tiếp xúc với nhiều đối tượng khác hàng ngày. Nếu, một trong những người mà bạn tiếp xúc đó mà đi từ vùng có dịch trở về bạn sẽ là người có nguy cơ.

Khi có các dấu hiệu như bạn miêu tả thì nên đến khám tại các cơ sở y tế theo phân tuyến của Sở Y tế Hà Nội như BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Đức Giang...  để loại trừ khả năng bạn có thể mắc Covid-19. 

Lê Đông hỏi:

Huyện Thanh Trì hiện dân số ngày một đông, nhất là các KĐT có quy mô dân số lớn, vậy lực lượng y tế cơ sở có đủ đáp ứng trong công tác khám bệnh cho người dân trên địa bàn? Nhiều người vẫn có tâm lý, ko tin tưởng vào cán bộ y tế địa bàn nên hay ra luôn bệnh viện dù bệnh chưa nặng, việc đưa bác sỹ về tuyến cơ sở có gặp khó khăn j?

ThS.BS Khuất Văn Sơn trả lời:
ThS. BS Khuất Văn Sơn trả lời câu hỏi của bạn đọc

ThS. BS Khuất Văn Sơn trả lời câu hỏi của bạn đọc

Các trạm y tế của huyện Thanh Trì đều có bác sĩ làm việc thường xuyên, hoặc bác sĩ của trung tâm y tế cử về làm việc các ngày cố định trong tuần. Tất cả các trạm đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, có máy móc, phương tiện y tế theo quy định của Bộ Y tế. 

Bạn có thể đến khám trực tiếp tại trạm y tế xã. Khi quá khả năng, trạm y tế sẽ hướng dẫn và chuyển bạn lên cơ sở y tế tuyến trên. Rất mong muốn bác đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu được thuận tiện, giảm chi phí không cần thiết, tránh quá tải các bệnh viện tuyến trên. 

Bảo Nam (Hà Đông- HN): hỏi:

Tôi được biết hiện đang có dịch cúm A và nghe nói có nhiều chủng cúm. Vậy mỗi năm nên đi tiêm phòng cúm 1 lần đúng không?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Cúm A hay cúm mùa là một loại bệnh thường xuyên xuất hiện ở Việt Nam hiện đã có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch của vaccine không bền vững. Vì vậy, để phòng không mắc cúm mùa thì cần phải tiêm vaccine hàng năm (mỗi năm 1 lần).

Thanh Thủy (Cầu Giấy- HN) hỏi:

Xin bác sĩ cho biết đã có vaccine phòng sốt xuất huyết hay chưa?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Hiện nay, trên thế giới đã có một số quốc gia nghiên cứu loại vaccine này nhưng không hiệu quả. Do vậy, đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết.

Nguyễn Phương Dung hỏi:

Tôi đã tiêm vacine thủy đậu cho con nhưng chưa tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, thời gian tiêm mũi 1 cách đây hơn 1 năm. Vậy tôi có phải tiêm lại từ đầu không thưa chuyên gia?

BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời:

Với vaccine thủy đậu, thời gian tiêm nhắc lại của mũi 2 với mũi 1 là 3 tháng đối với trẻ dưới 12 tuổi, và ít nhất 1 tháng đối với trẻ 13 tuổi trở lên và người lớn.

Cha mẹ lưu ý, nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng các bệnh

Cha mẹ lưu ý, nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng các bệnh

Con bạn đã tiêm mũi 1 được hơn 1 năm, và hiện nay chưa tiêm mũi 2 như vậy chưa đủ khả năng miễn dịch. Vì vậy, bạn cần phải cho cháu đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn để tiêm phòng tiếp tùy theo tình trạng của trẻ.

Thảo My (Thường Tín- Hà Nội) hỏi:

Trung tâm y tế huyện có tiêm phòng vaccine các mũi dịch vụ không?

ThS.BS Khuất Văn Sơn trả lời:
Giao lưu trực tuyến: “Tư vấn phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân” ảnh 13

Hiện nay, Trung tâm y tế huyện có kế hoạch chỉ đạo để tổ chức tiêm dịch vụ một số vaccine phòng bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực Đông Mỹ và 16 trạm y tế xã, thị trấn.

Bạn liên hệ và đăng ký để các điểm này có kế hoạch đáp ứng.

Nguyễn Thu Hạnh hỏi:

Hôm trước tôi vào Bệnh viện Đống Đa thăm người nhà bị sốt xuất huyết, mới biết đợt này có rất nhiều người mắc SXH. Trước đây tôi vẫn nghĩ SXH chỉ tăng mạnh vào mùa mưa, đến mùa lạnh là hết, vậy có phải bệnh này đã thay đổi?

BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương trả lời:
Các khách mời tham gia buổi Giao lưu trực tuyến

Các khách mời tham gia buổi Giao lưu trực tuyến

Bệnh sốt xuất huyết tiềm ẩn cả năm thường bùng phát vào dịp mưa, nắng thất thường. 

Việc bệnh này có khả năng lây lan mạnh còn phụ thuộc vào ý thức của người dân không nằm màn, môi trường sống xung quanh còn nhiều vật dụng chứa nước như tiểu cảnh, chai lọ, thùng nước... là môi trường để muỗi sinh sôi, nảy nở và phát triển.

Giao lưu trực tuyến về tư vấn phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân trên Báo ANTĐ

Giao lưu trực tuyến về tư vấn phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân trên Báo ANTĐ

Báo cáo mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội đầu tuần này cho biết, chỉ tính từ ngày 7 đến 13-12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 196 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên 6.572 trường hợp, 2 ca tử vong. Cùng đó, trong tuần qua cũng ghi nhận 11 trường hợp mắc tay chân miệng.

Đặc biệt, số ca mắc cúm mùa và thủy đậu đang gia tăng rất nhanh. Trong tháng 11 và đầu tháng 12-2020, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận tới 820 ca cúm mùa nhập viện, nhiều bệnh nhân biến chứng não, viêm phổi. Tương tự, số trẻ nhập viện do thủy đậu cũng tăng 10-20% so với những tháng trước đó.

Các bác sĩ cho biết, mùa đông xuân là thời điểm dễ bùng phát các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, cúm, quai bị, thủy đậu, ho gà... Ngay dịch Covid-19 cũng được cảnh báo là tăng nguy cơ quay trở lại vào mùa đông xuân, nhất là dịp Tết khi số người từ nước ngoài trở về Việt Nam sẽ tăng đột biến.

Mặt khác, thời tiết giá lạnh lúc này cũng khiến bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường ở người cao tuổi dễ tiến triển nặng, làm tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến…

Làm thế nào để tránh “dịch chồng dịch”, vừa tiếp tục khống chế hiệu quả Covid-19 vừa phòng chống được các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến mùa đông xuân như sởi, cúm, ho gà, quai bị, thủy đậu...? Các bệnh dịch nào có thể phòng được bằng vaccine và tiêm vaccine như thế nào, ở đâu để đảm bảo hiệu quả, an toàn?

Nhằm cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội phối hợp cùng Báo An ninh Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tư vấn phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân”.

Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra vào lúc 14h chiều nay, 17-12-2020, trên Báo điện tử An ninh Thủ đô tại địa chỉ: www.anninhthudo.vn, với sự tham gia của các khách mời:

- BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội

- BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn

- ThS.BS Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì

Phát biểu trước khi buổi Giao lưu trực tuyến diễn ra, đại diện Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô, TS Chu Quốc Dũng, Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô cho biết, việc tổ chức các chương trình giao lưu trực tuyến về phòng chống bệnh dịch nguy hiểm đã trở thành hoạt động thường xuyên của Báo An ninh Thủ đô vài năm trở lại đây. Đây là các hoạt động rất thiết thực của Báo An ninh Thủ đô và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để truyền thông phòng chống bệnh tật nói chung, các bệnh dịch nguy hiểm mùa Đông Xuân nói riêng.

“Nhiều năm qua, Báo An ninh Thủ đô và các cơ quan, đơn vị của ngành y tế, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông phòng chống bệnh tật.

Trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đang rình rập và thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay cũng có thể xem như một loại vaccine để góp phần phòng chống dịch bệnh. Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay. Hy vọng các câu hỏi của bạn đọc đều sẽ được giải đáp đầy đủ, thỏa đáng để người dân có thêm kiến thức phòng chống bệnh tật…” – TS Chu Quốc Dũng nói.

Sau khi Phó Tổng biên tập Chu Quốc Dũng tặng hoa các vị khách mời, buổi Giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu.

Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng tặng hoa các vị khách mời
Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng tặng hoa các vị khách mời