Giao lưu trực tuyến ‘Tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19, những điều cần biết’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 14h chiều nay, 18-10, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến “Tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19, những điều cần biết”, trên Báo điện tử An ninh Thủ đô (www.anninhthudo.vn)...

Hà Nội đã triển khai nhiều đợt tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, đặc biệt ở chiến dịch cao điểm đầu tháng 9 vừa qua đã tiêm cho toàn bộ người trên 18 tuổi? Hiệu quả từ chiến dịch này mang lại như thế nào?

  • 1. Thời gian: 13:00 18/10/2021
  • 2. Địa điểm: Trụ sở Tòa soạn An ninh Thủ đô

Danh sách khách mời

BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội

BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội

Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội

Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội

Tuệ Anh hỏi:
Tới đây Hà Nội sẽ tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, vậy trẻ đi tiêm cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn? Đăng ký tiêm vaccine cho trẻ như thế nào?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Theo công văn số 8688?BYT-DP ngày 14/10 của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi thì hiện nay Bô Y tế đã có chỉ đạo về việc mở rộng tiêm chủng đến nhóm đối tượng này dựa trên tình hình cung ứng vaccine cũng như tình hình dịch tại địa phương.

Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi theo lộ trình lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho nhóm dưới 18 tuổi đến 16 tuổi và hạ dần độ tuổi). Lưu ý, việc triển khai phải được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

CDC Hà Nội đang tham mưu cho Sở Y tế trình UBND TP Hà Nội về xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình hình cung ứng vaccine của Bộ Y tế, theo chỉ đạo có thể ưu tiên nhóm tuổi lớn trước rồi giảm dần độ tuổi.

Cao Anh Phương hỏi:
Trong các đợt tiêm vaccine cao điểm vừa qua, Hà Nội tổ chức tiêm ở ngay các điểm tiêm trong cộng đồng, huy động nhiều nhân lực không chuyên về nghiệp vụ tiêm chủng. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Hà Nội vừa triển khai một chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử với ngày tiêm cao điểm nhất là gần 600.000 mũi/ngày.

Để có thể thực hiện được chiến dịch với quy mô lớn như vậy, Hà Nội đã tổ chức các điểm tiêm lưu động vưới sức chứa lớn để đảm bảo giãn cách, đồng thời huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc và quyết tâm của toàn thể cán bộ cũng như người dân.

Công tác giữ trật tự, phân luồng, rà soát và mời đối tượng ra tiêm do chính quyền địa phương thực hiện. Công tác chuyên môn do y tế đảm nhiệm từ khâu bảo quản vaccine, khám sàng lọc, thực hành tiêm cho đến xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm.

Để bổ sung nhân lực phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, ngành y tế Hà Nội đã huy động toàn bộ nhân lực y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến về an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với tổng số hơn 5.000 nhân viên y tế tham dự.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ cũng được đẩy mạnh để phát hiện những tồn tại, kịp thời khắc phục không để xảy ra những sự cố đáng tiếc trong tiêm chủng.

Đặng Anh hỏi:
Chúng tôi rất lo lắng vì bố mẹ đã tiêm đủ liều vaccine nhưng các con chưa tiêm, tới đây khi trẻ được đi học trở lại thì nguy cơ lây nhiễm sẽ lớn. Tâm lý này rất phổ biến ở các gia đình có con trong độ tuổi đi học, vậy chuyên gia có thể cho lời khuyên gì để giảm thiểu nguy cơ?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Việc tiêm chủng nhằm giảm thiểu tối đa các triệu chứng nặng khi mắc Covid-19 chứ không giảm nguy cơ lây nhiễm vì vậy, kể cả khi đã tiêm chủng đầy đủ thì người dân vẫn phải nghiêm túc thực hiện 5K.

Hiếu Minh hỏi:
Khi các hoạt động được trở lại trạng thái bình thường, CDC Hà Nội có khuyến cáo gì để người dân không chủ quan với dịch Covid-19.
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, mọi người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K, hoàn thành 2 mũi vaccine là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tuân thủ các hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

Tuệ Nhi hỏi:
Thời điểm hiện nay, ngoài mối lo dịch Covid-19 thì các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết cũng có nguy cơ bùng phát. Sở Y tế đang triển khai các biện pháp gì để tránh nguy cơ dịch chồng dịch.
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Song song với việc phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo CDC Hà Nội chuẩn bị đầy đủ kế hoạch, phương án để đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, tiến hành tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị như máy móc, hóa chất,... thường xuyên có văn bản chỉ đạo các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trong công tác phòng chống dịch.

Trần Ngọc Hồi (Sơn Tây, Hà Nội) hỏi:
Tôi được biết người dân có thể đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19 trực tuyến trên các app hay sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế. Xin được hướng dẫn cụ thể?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:
Từ ngày 10/7/2021, Bộ Y tế đã triển khai hình thức đăng ký tiêm chủng trực tuyến

Từ ngày 10/7/2021, Bộ Y tế đã triển khai hình thức đăng ký tiêm chủng trực tuyến

Từ ngày 10/7/2021, Bộ Y tế đã triển khai hình thức đăng ký tiêm chủng trực tuyến, mọi người dân có thể đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19 online qua 2 cách:

Thứ nhất là truy cập Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 để đăng ký trực tiếp trên website https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Thứ hai là đăng ký tiêm vaccine Covid-19 bằng ứng dụng "Sổ Sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine.

Để đăng ký tiêm, người dân phải cung cấp thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm điêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã áp dụng cả 2 hình thức đăng ký: tại hộ gia đình thông qua chính quyền địa phương, tổ dân phố; đồng thời rà soát danh sách đăng ký tiêm trực tuyến để mời người dân ra tiêm chủng nhằm tránh bỏ sót đối tượng.

Loan Trần hỏi:
Những người vừa tiêm vaccine Covid-19 có được tiêm các loại vaccine khác hay không?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Hiện nay, theo Quyết định số 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ Y tế quy định về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Coivid-19 thì cùng 1 buổi tiêm chủng có thể tiêm nhiều loại vaccine.

Thanh Yến hỏi:
Hiện ở Việt Nam đã có dịch vụ tiêm vaccine COVID-19 chưa? Nếu người dân muốn tự trả tiền để được lựa chọn loại vaccine có được hay không?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:
Phóng viên Hà Loan trợ giúp Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng trả lời câu hỏi của bạn đọc

Phóng viên Hà Loan trợ giúp Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng trả lời câu hỏi của bạn đọc

Theo chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ: Vaccine phòng Covid-19 hiện này là hoàn toàn miễn phí, không thực hiện thu phí dưới bất kỳ hình thức nào.

Như trao đổi phía trên, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Mọi vaccine đều đảm bảo tính an toàn và khả năng bảo vệ. Vì vậy, người dân không nên lựa chọn vaccine, hãy tham gia tiêm chủng ngay khi có thể.

Ngoài ra, với tâm lý lựa chọn vaccine cũng có thể là một yếu tố tiêu cực trong ngành Y. Vì vậy, đề nghị chúng ta nên hết sức tránh để xảy ra điều này.

Trần Văn Hiến hỏi:
Những người đã tiêm vaccine mũi 2 chậm hơn nhiều so với khoảng cách thời gian giữa 2 mũi tiêm mà nhà sản xuất khuyến cáo thì có hiệu quả phòng bệnh hay không?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Khoảng cách khuyến cáo là khoảng cách tối thiểu có thể tiêm được liều tiêm kế tiếp. Việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp người được tiêm được bảo vệ khỏi bệnh đó trong khoảng thời gian sớm nhất. Việc tiêm chậm (do ốm, nằm trong khu vực phong tỏa hay hết vaccine...) đồng nghĩa với việc người được tiêm sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để bảo vệ tối ưu còn về hiệu quả phòng bệnh vẫn được đảm bảo.

Vì vậy, đối với những người tiêm mũi 2 muộn hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất thì nên tiếp tục tiêm mũi 2 ngay khi có đủ điều kiện.

Nguyen Thái Hà hỏi:
Xin BS Khuất Văn Sơn cho biết, học sinh tại một số vùng dịch của huyện Thanh Trì có được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 sớm so với các địa phương vùng xanh không?
Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trả lời:

Hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi. Hà Nội cũng đã và đang rà soát, lập danh sách trẻ em dưới 18 tuổi theo từng quận, huyện, xã, phường và tổ dân phố để sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm khi có vaccine được cấp phép từ Bộ Y tế.

Hiện nay, nguồn vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi là vẫn do Bộ Y tế phân phối cho các tỉnh, thành phố. Vì vậy, khi nào có hướng dẫn của Bộ Y tế và thành phố thì huyện Thanh Trì sẽ triển khai ngay.

Đặng Anh hỏi:
Hiện nay, dù thành phố đã chuyển trạng thái mới nhưng nhiều lĩnh vực vẫn còn quy định hạn chế, vậy sau khi 70% người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, thành phố có thể trở lại trạng thái hoàn toàn bình thường như trước khi có dịch hay không?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Theo phân loại cấp độ dịch tại Nghị quyết 128 của Chính phủ: Nếu trên 70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và số ca mắc mới tại cồng đồng dưới 20 trường hợp/100.000 dân//tuần thì thuộc cấp độ 1, vùng an toàn.

Nếu dựa vào tiêu chí trên thì cho đến thời điểm này Hà Nội đạt được tiêu chí vùng an toàn.

Còn nếu độ phủ vaccine đã đạt trên 70% thì chưa đảm bảo được, mà phải phụ thuộc vào số ca mắc mới trong cộng đồng theo tiêu chí tại NQ 128.

Trà Trần hỏi:
Hiện những người đi tiêm vaccine có bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm trước khi tiêm hay không, nhất là với những người đã tiêm mũi 1?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Bộ Y tế hoàn toàn không có khuyến cáo phải thực hiện xét nghiệm đối với những người đến tiêm chủng, dù là chưa tiêm mũi nào hay đã tiêm mũi 1.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi Covid-19 chỉ cần xét nghiệm khi có yêu cầu hoặc từ vùng có dịch cấp độ 4.

Linh Hoàng hỏi:
Người đi tiêm chủng có quyền được yêu cầu cán bộ tiêm chủng cho xem công khai vỏ chai, nhãn mác loại vaccine sẽ tiêm cho họ hay không?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:
Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất!

Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất!

Theo Thông tư 34/2018/TT-BYT quy định một số điều chủa Nghị định 106/2016/NĐ-CP thì người thực hiện khám sàng lọc và người thực hành tiêm chủng phải thông báo cho người được tiêm về loại vaccine được tiêm, liều lượng, đường dùng. Điều này cũng giúp người được tiêm cùng đối chiếu với cán bộ y tế để giảm thiểu tối đa những sai sót.

Vì vậy, kể cả người đi tiêm không yêu cầu thì cán bộ y tế cũng phải thông báo về loại vaccine được tiêm, xem nhãn mác trên lọ vaccine và hạn dùng, cũng như giải đáp mọi thắc mắc về loại vaccine đó trước khi tiêm.

Phan Trang hỏi:
Được biết các chủng virus SARS-CoV-2 biến chủng liên tục, vậy người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid năm nay thì vào năm sau, các năm tiếp theo có cần tiếp tục tiêm chủng nữa hay không?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Hiện tại, theo khuyến cáo của tất cả các nhà sản xuất, đều chưa có khuyến cáo tiêm bổ sung đối với các loại vaccine phòng Covid-19 do các loại vaccine này đều có khả năng phòng được chủng gốc và có một số hiệu quả nhất định đối với các biển chủng.

Tuy nhiên, Covid-19 là bệnh mới nổi, vaccine phòng bệnh này cũng được nghiên cứu và được Tổ chức Y tế Thế giới - WHO chấp nhận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chính vì vậy, vừa phải tiêm vừa cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung dữ liệu lâm sàng để đưa ra các khuyến cáo mới tốt nhất cho người dân trong giai đoạn mới.

Xuân Như hỏi:
Công ty tôi nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì, từng có ca bệnh liên quan đến Covid-19. Hiện giờ tôi mới được tiêm 1 mũi vaccin ở nơi cư trú nên rất lo lắng khi đi làm. Nếu giờ công ty tôi tổ chức cho tiêm mũi 2 thì tôi tiêm theo Công ty được không?
Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trả lời:

Để được hỗ trợ tiêm mũi 2 một cách nhanh nhất, bạn có thể đăng kí tại nơi cư trú hoặc đăng kí tại UBND nơi trụ sở công ty đang đóng.

Trần Minh Thức (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hỏi:
Đến thời điểm này, dịch Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát tốt, thành phố cùng cả nước đang chuyển sang trạng thái mới thích ứng, linh hoạt với dịch bệnh. Hoạt động phòng chống dịch của ngành y tế Hà Nội sẽ có những thay đổi như thế nào?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:
Hà Nội đã triển khai rất thành công chương trình tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19

Hà Nội đã triển khai rất thành công chương trình tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19

Ngành Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 13/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128; Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 13/10 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới.

Thùy Linh hỏi:
Nhiều người dân cho rằng chỉ các “VIP” mới được tiêm vaccine Moderna, tiếp đó đến Pfitzer, còn bình dân thì tiêm vaccine Astra, Sinopham…, điều này có đúng không?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:
Tất cả các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam đều đã được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt về tính hiệu lực và an toàn.

Tất cả các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam đều đã được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt về tính hiệu lực và an toàn.

Xin khẳng định là điều này hoàn toàn không chính xác. Như thông điệp của Chính phủ: "Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất", việc ưu tiên phòng bệnh sớm luôn được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Việt Nam đang tiếp cận với vaccine phòng bệnh Covid-19 từ nhiều nguồn: Qua viện trợ, quà tặng, cơ chế COVAX... Ngoài ra còn có nguồn do Chính phủ Việt Nam đặt mua. Như vậy, lượng vaccine về Việt Nam không phải do chúng ta quyết định mà do nhiều yếu tố khách quan.

Vì vậy, tùy từng thời điểm, chúng ta sẽ có các loại vaccine khác nhau. Ngay từ khi vaccine được kiểm định chất lượng tại Việt Nam xong sẽ được tiến hành phân bổ và triển khai tiêm đến người dân ngay, nên có những thời điểm chúng ta chỉ có một loại nhưng cũng có thời điểm có nhiều loại vaccine khác nhau.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng tất cả các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam đều đã được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt về tính hiệu lực và an toàn. Mỗi loại vaccine có thể có cách bào chế khác nhau nên tính sinh miễn dịch có khác biệt đôi chút, tuy nhiên đều đảm bảo tính hiệu quả, đặc biệt đều phòng được các thể nặng, biến chứng Covid-19. Vì vậy hoàn toàn không có vaccine nào là vaccine "xịn" hay VIP hơn cả. Theo quan điểm của tôi, tất cả các loại vaccine đều tốt như nhau.

Tuấn Trần hỏi:
Hiện lượng vaccine Covid-19 về nước đã nhiều hơn, vậy trong đợt tiêm chủng tới đây Hà Nội có ưu tiên phân loại vaccine để đảm bảo người đã tiêm mũi 1 loại nào thì tiêm đúng mũi 2 loại đó hay không?, hay vẫn triển khai tiêm phối hợp các loại vaccine?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Việc tiêm chủng cần được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Về cơ bản thì đã tiêm vaccine loại nào thì sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 loại đó mà không thay thế. Tuy nhiên, riêng vaccine Pfizer thì Bộ Y tế có hướng dẫn được phép thay thế khoảng cách tối thiểu 8 tuần theo công văn của Bộ Y tế về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19.

Tôi xin nhấn mạnh lại là chỉ thay thế trong trường hợp thiếu vaccine AstraZeneca. Việc tiêm chuyển đổi này có thể làm gia tăng các phản ứng thông thường sau tiêm vì vậy cán bộ tư vấn tiêm chủng cần tư vấn kỹ cho người được tiêm và phải được sự đồng ý của người được tiêm trước khi tiêm.

Ngoài ra, có một số ý kiến về việc tiêm chủng chuyển đổi giữa Moderna và Pfizer trong tình trạng thiếu vaccine Moderna hiện tại, theo Công văn của Bộ Y tế thì Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2.

Theo đó, nếu đã tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm Pfizer và ngược lại. Lưu ý rằng, đây chỉ là khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng và phải có sự đồng ý của UBND địa phương đó. Tại Hà Nội, hiện tại chưa có chỉ đạo chuyển đổi như vậy.

Nga Hoàng hỏi:
Khi đi tiêm tại các điểm tiêm vaccine ở cộng đồng, nếu không may gặp tai biến sẽ được xử lý như thế nào?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Để đảm bảo mục tiêu an toàn tiêm chủng là hàng đầu, ngành Y tế Hà Nội đã điều động tăng cường hơn 100 tổ cấp cứu lưu động từ tất cả các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội ngoài các tổ cấp cứu thường trực sẵn tại các điểm tiêm chủng.

Tất cả quy trình tiêm chủng đều được tổ chức thực hiện chặt chẽ, tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo tiêm chủng an toàn là hàng đầu, tiêm đến đâu an toàn đến đó. Tất cả các cán bộ y tế đều được tập huấn chuyên môn về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT.

Tất cả các điểm tiêm chủng đều trang bị sẵn các phương tiện phòng chống phản vệ như hộp thuốc cấp cứu phản vệ tại bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi xử trí phản vệ sau tiêm chủng, có bảng phân công nhân lực cụ thể để xử trí phản vệ sau tiêm chủng tại từng điểm tiêm, xây dựng các phương án và quy trình xử trí phản vệ. Tất cả các Trung tâm Y tế, bệnh viện, các điểm tiêm chủng lưu động đều có đội cấp cứu lưu động thường trực tại đơn vị với đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu sẵn sàng tham gia cấp cứu, điều trị người bệnh khi có trường hợp phản vệ xảy ra.

Ngoài ra, để sẵn sàng xử trí trường hợp khi bị phản vệ, tại khu vực bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi sau tiêm của tất cả các điểm tiêm chủng đều được thực hiện hút sẵn 01 bơm tiêm có chứa dung dịch drenalin 1mg/ml.

Sau tiêm chủng, tất cả người được tiêm sẽ ở lại theo dõi sức khỏe tối thiểu 30 phút sau tiêm để được xử trí các triệu chứng của phản vệ sau tiêm vaccine nếu có. Toàn bộ nhân viên y tế tại các điểm tiêm chủng đều được tập huấn về hướng dẫn phòng, chẩn đoán, xử trí phản vệ theo Thông tư 51/2017/TT-BYT. Ngoài ra, tại phòng theo dõi sau tiêm luôn có ít nhất 01 cán bộ y tế thường trực luôn theo dõi sức khỏe của những người đã tiêm với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu thiết yếu.

Minh An hỏi:
Huyện Thanh Trì có mấy ổ dịch trong đợt dịch vừa qua, hiện trên địa bàn huyện còn ca bệnh nào không? Tôi có đối tác làm ăn trên địa bàn, liệu có thể đi vào huyện để làm việc bình thường hay chưa?
Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trả lời:
Người dân đi lại, làm việc bình thường trên địa bàn huyện Thanh Trì

Người dân đi lại, làm việc bình thường trên địa bàn huyện Thanh Trì

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4, địa bàn huyện có 51 ổ dịch.

Hiện nay, đã có 49 ổ kết thúc, còn 2 ổ dịch dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/10 và 1/11/2021. Về số ca bệnh, thì huyện Thanh Trì hiện nay còn 22 ca đang điều trị tại các bệnh viện Trung ương và thành phố Hà Nội.

Huyện Thanh Trì không còn nơi nào phong toả, cho nên nếu có việc công tác, làm ăn trên địa bàn, người dân đi lại bình thường.

Trung Đức hỏi:
Vừa qua có không ít người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nhưng vẫn mắc bệnh, trong đó có cả những nhân viên y tế. Ở Hà Nội có thống kê nào về số lượng người đã tiêm vaccine nhưng vẫn dương tính hay không?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Nên phân biệt khái nhiệm nhiễm bệnh và mắc bệnh. Việc nhiễm virus SARS-CoV-2 được khẳng định bằng các xét nghiệm, việc mắc bệnh được khẳng định bằng nhiễm virus SARS-CoV-2 đồng thời có các biểu hiện trên lâm sàng.

Có một số các trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng vẫn có thể nhiễm bệnh do: Hiệu quả bảo vệ của vaccine được đánh giá bằng tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ.

Đối với tất cả các loại vaccine hiện tại không có loại vaccine nào có hiệu quả bảo vệ được 100%, hơn nữa hiệu lực bảo vệ của vaccine được đo lường bằng việc giảm triệu chứng nặng và số trường hợp tử vong do Covid-19. Vaccine không phòng được tất cả các biến chủng do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Tuy nhiên, các trường hợp này đã được tiêm 2 mũi vaccine vì vậy sẽ giảm các triệu chứng nặng do virus SARS-CoV-2.

Thanh Hà hỏi:
Con tôi đang học lớp 9. Được biết sắp tới thành phố tiêm vaccine cho người từ 12-18 tuổi nhưng cháu đang điều trị bệnh phổi. Nếu cháu không đủ điều kiện tiêm chủng thì có ảnh hưởng gì đến việc thi chuyển cấp, học tập của cháu sau này không ạ?
Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trả lời:
Phóng viên Phạm Phương trợ giúp Bác sỹ Tiến sỹ Khuất Văn Sơn giao lưu với bạn đọc An ninh Thủ đô
Phóng viên Phạm Phương trợ giúp Bác sỹ Tiến sỹ Khuất Văn Sơn giao lưu với bạn đọc An ninh Thủ đô

Hiện chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vaccine cho người từ 12-17 tuổi.

Tuy nhiên, đối với trường hợp con bạn, theo hướng dẫn tạm thời khám sáng lọc trước khi tiêm chủng vaccine Covid-19, đối với các trường hợp mắc bệnh mạn tính thì sẽ phải trì hoãn tiêm chủng cho đến khi điều trị khỏi bệnh phổi.

Hồng Hà hỏi:
Tôi vừa quay lại Thanh Trì sau hơn 2 tháng kẹt tại Đà Nẵng, tôi đã tiêm mũi 1 thì làm thế nào để được tiêm mũi 2 trên địa bàn huyện thưa BS Khuất Văn Sơn?
Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trả lời:

Trong trường hợp người dân đã tiêm mũi 1, sau đó di chuyển trở về huyện Thanh Trì, để được tiêm mũi 2, người dân có thể đăng kí trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc qua app Sổ Sức khỏe điện tử để trên hệ thống ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.

Để việc tiêm chủng được nhanh chóng, chính xác, người dân đã tiêm mũi 1 vẫn cần mang theo Giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 vì hiện tại nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, nhiều cơ sở tiêm chưa nhập dữ liệu kịp thời, nhiều người dân dù đã tiêm nhưng vẫn chưa được thể hiện đầy đủ thông tin trên hệ thống Sổ Sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng.

Hoàng Lan hỏi:
Phụ nữ cho con bú có được chích vắc-xin Covid-19 không thưa bác sĩ?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:
Phóng viên Ngân Tuyền trợ giúp khách mời TS.CKII Khổng Minh Tuấn giao lưu với bạn đọc An ninh Thủ đô. Ảnh: Phú Khánh

Phóng viên Ngân Tuyền trợ giúp khách mời TS.CKII Khổng Minh Tuấn giao lưu với bạn đọc An ninh Thủ đô. Ảnh: Phú Khánh

Hiện tại, chỉ có vaccine Sputnik V có chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. Các vaccine còn lại vẫn có thể tiêm chủng được cho phụ nữ cho con bú.

Phạm Thanh Hằng (Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Khi đi tiêm vaccine COVID-19, người dân cần làm gì để hoàn thành thủ tục sớm, được tiêm nhanh?
Thạc sỹ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Về quy trình, khi đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bao gồm cả 2 phía: người dân và nhân viên y tế.

Đối với nhân viên y tế phải đảm bảo đúng quy trình từ khám sàng lọc, tư vấn về loại vaccine, thông báo về các phản ứng có thể gặp phải sau tiêm và cách xử trí cho đến bàn tiêm phải đối chiếu vaccine với chỉ định của bác sĩ... Tất cả các quy trình này đều phải được làm đầy đủ và đúng tuần tự từng bước, vì vậy nên môi người đến tiêm đều phải mất một khoảng thời gian nhất định, không thể giảm bớt để giảm thiểu tối đa nguy cơ sai sót.

Thứ hai là đối với người dân đi tiêm: Cần chuẩn bị sẵn giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh thư và điền các thông tin đầy đủ theo hướng dẫn để bác sĩ thực hiện khám sàng lọc cũng như phục vụ công tác nhập thông tin lên phầm mềm tiêm chủng. Để tránh sai sót, người dân nên viết ro ràng thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số căn cước công dân hoặc chứng minh thư.

Lưu ý phải sử dụng thống nhất một loại số liệu mới có thể đảm bảo thông tin được cập nhật lên phần mềm chính xác. Tránh các trường hợp phiếu khám khai bằng số điện thoại của những người khác nhưng ứng dụng trên điện thoại khai bằng số điện thoại cá nhân; hoặc phiếu khám khai chứng minh thư nhưng ứng dụng trên điện thoại lại khai căn cước công dân... thì sẽ không hiển thị dữ liệu tiêm.

Bên cạnh đó người dân khi đi tiêm có thể chuẩn bị sẵn phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng, đơn thuốc, sổ khám bệnh (nếu có) để cán bộ y tế khám sàng lọc có thông tin đầy đủ, đảm bảo tiêm chủng an toàn...

Minh Hà hỏi:
- Thưa bác sĩ, huyện Thanh Trì đã tiêm được bao nhiêu mũi vaccine Covid-19, tỷ lệ bao phủ là bao nhiêu?
Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trả lời:

Tính đến hết ngày 17/10, tỷ lệ bao phủ mũi hai trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội, đã chiếm 62%, so với tỷ lệ trung bình của thành phố là hơn 53,5%.

Theo thứ tự thì Thanh Trì đang đứng thứ 7/23 quận, huyện.

Nguyên Khôi hỏi:
Được biết, Hà Nội đang có kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trong thời gian tới. Loại vaccine mà WHO khuyến cáo tiêm cho trẻ em độ tuổi này là Pfizer. Liệu Hà Nội có nhập đủ vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho số trẻ trong độ tuổi này trong thời gian ngắn tới hay không? Và dự kiến, kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em sẽ được cố định vào ngày cụ thể nào. Tôi xin cảm ơn!
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi. Hà Nội cũng đã và đang rà soát, lập danh sách trẻ em dưới 18 tuổi theo từng quận, huyện, xã, phường và tổ dân phố để sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm khi có vaccine được cấp phép từ Bộ Y tế.

Hiện nay, nguồn vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi là vẫn do Bộ Y tế phân phối cho các tỉnh, thành phố. Vì vậy, TP sẽ chuẩn bị sẵn sàng để khi nào Bộ Y tế có kế hoạch thì Hà Nội sẽ triển khai ngay.

Kế hoạch tiêm có thể triển khai theo hình thức tiêm tập trung tại các trường học khi trẻ em quay trở lại trường và tiêm vét những trường hợp sót hoặc tạm hoãn tại các trạm y tế xã, phường.

Tuấn Hoàng hỏi:
Tôi ở xa trung tâm huyện Thanh Trì, muốn hỏi những trường hợp nào thì được tiêm vaccine ở các bệnh viện, cơ sở y tế? Trường hợp nào tiêm ở cơ sở?
Thạc sỹ Bác sỹ Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trả lời:

Để thuận lợi nhất, mời bạn đến điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại xã. Tại đây, các bác sĩ sẽ khám, sàng lọc cho bạn để chỉ định đủ điều kiện tiêm chủng. Nếu đủ điều kiện, bạn sẽ được tiêm ngay tại địa phương.

Trong những trường hợp cần thiết phải chuyển bệnh viện như: có tiền sử về dị ứng, về bất cứ nguyên nhân nào kể cả vaccine và thành phần của vaccine hoặc có suy giảm miễn dịch nặng như ung thư giai đoạn cuối, rối loạn đông máu... thì các bác sĩ sẽ chuyển bạn đến tiêm tại các bệnh viện trên địa bàn.

Nguyễn Minh Anh (Thanh Trì, Hà Nội) hỏi:
Trong bối cảnh mới, công tác xét nghiệm, tiêm chủng, khoanh vùng, cách ly người đến từ vùng dịch… để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô sẽ chuyển trọng tâm ra sao?
BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời:

Theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như hướng dẫn triển khai thực hiện NQ của Bộ Y tế, trọng tâm công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất: tiếp tục tăng cường công tác tiêm vaccine Covid-19 bao phủ mũi 1 đạt trên 95% và trả mũi 2 trong thời gian sớm nhất an toàn nhất.

Thứ hai: Công tác xét nghiệm sẽ tiếp tục xét nghiệm đối với các trường hợp nguy cơ và nguy cơ cao (các trường hợp F1, các trường hợp đi từ vùng đỏ, vùng có dịch); xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho các đối tượng có nguy cơ (các đối tượng có tiếp xúc nhiều như lái xe, nhân viên giao hàng, công nhân các nhà máy, xí nghiệp, nhân viên siêu thị, người bán hàng tại các chợ dân sinh)

Thứ ba: công tác khoanh vùng xử lý ổ dịch, sẽ thực hiện một cách hẹp nhất và chặt nhất. Cụ thể, phát hiện sớm nhất các trường hợp dương tính với Covid-19 để tổ chức khoanh vùng, cách ly trong phạm vi hộ gia đình có bệnh nhân dương tính hoặc tổ dân phố có nguy cơ tiếp xúc cao, đồng thời tổ chức công tác giám sát chặt chẽ các đối tượng trong vùng cách ly tránh trường hợp lây nhiễm chéo.

Buổi giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử An ninh Thủ đô diễn ra lúc 14h chiều nay, 18-10

Buổi giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử An ninh Thủ đô diễn ra lúc 14h chiều nay, 18-10

Hai năm qua, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Tiêm vaccine là giải pháp quan trọng hàng đầu để giúp phòng chống dịch và chuyển trạng thái sang sống chung với dịch bệnh.

Tổng biên tập ANTĐ Nguyễn Thanh Bình (bìa trái) tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến

Tổng biên tập ANTĐ Nguyễn Thanh Bình (bìa trái) tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến

Tính đến 18 giờ ngày 17/10/2021, toàn Hà Nội đã tổ chức tiêm được tổng số 9.035.719 mũi vaccine Covid-19, trong đó: tiêm được 5.945.331 mũi 1 (đạt 97,96% dân số trên 18 tuổi và 71,63% tổng dân số), tiêm được 3.090.388 mũi 2 (đạt 50,92% dân số trên 18 tuổi và 37,23% tổng dân số).

Như vậy, vẫn còn khoảng 50% dân số từ 18 tuổi trở lên, hay 70% tổng dân số Thủ đô vẫn chưa được tiêm mũi 2 vaccine Covid-19.

Từ nay đến cuối năm, khi lượng vaccine được phân bổ nhiều hơn, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Đồng thời, Hà Nội cũng chuẩn bị việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi.

Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu mà thành phố ưu tiên tập trung triển khai trong 3 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ bùng phát dịch cuối năm như sốt xuất huyết, thủy đậu… cũng được thành phố hết sức quan tâm, nhằm tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Để người dân hiểu biết đầy đủ hơn về kết quả tiêm chủng vaccine Covid-19 của Hà Nội đến thời điểm này và kế hoạch triển khai trong thời gian tới, cũng như rất nhiều thông tin liên quan khác đến công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố đang triển khai, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến mang chủ đề “Tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19, những điều cần biết” trên Báo điện tử An ninh Thủ đô.

Buổi giao lưu diễn ra lúc 14h ngày 18/10/2021, tại Trụ sở báo An ninh Thủ đô.

Khách mời:

1. BS.CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

2. ThS Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

3. ThS.BS Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì.

Kính mời quý bạn đọc quan tâm gửi câu hỏi tới các vị khách mời thông qua comment dưới bài viết này để được giải đáp.