Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng"

ANTD.VN - Để người dân có thêm kiến thức phòng chống những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa Đông - Xuân; cảnh báo không chủ quan với dịch SXH cuối mùa, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng”.

Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra vào 14h chiều nay, 27-11 trên Báo An ninh Thủ đô điện tử (www.anninhthudo.vn)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố hiện đã có dấu hiệu chững lại.

Dù vậy, thời điểm cuối năm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay, diễn biến các dịch bệnh mùa đông – xuân được dự báo rất khó lường. Lý do vì thời điểm cuối năm, trước và sau Tết, nhu cầu giao lưu, đi lại, tập trung đông người tăng cao là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng.

Mặt khác, điều kiện thời tiết, môi trường khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, sởi, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết…

Nguy hiểm hơn, ở thời điểm cuối vụ dịch SXH như hiện nay, dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh, không chỉ xuất hiện ở người dân mà cả chính quyền các địa phương hay một số cán bộ y tế. Trong khi đó, thực tiễn đã chỉ ra, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả thì sự vào cuộc của cộng đồng đóng vai trò quyết định.

Trước tình hình đó, để người dân có thêm kiến thức phòng chống những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa Đông - Xuân; cảnh báo không chủ quan với dịch SXH cuối mùa, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng”.

Buổi giao lưu diễn ra lúc 14h chiều nay, 27-11, tại Báo An ninh Thủ đô. Các vị khách mời tham gia trả lời câu hỏi trực tiếp của bạn đọc gồm:

1. Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

2. Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội)

3. Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 4 

Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng tặng hoa các vị khách mời

Phát biểu đề dẫn tại cuộc Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng cho biết, các can thiệp của y tế công cộng tập trung vào vấn đề phòng bệnh hơn là chữa bệnh thông qua giám sát các trường hợp và khuyến khích các hành động tốt cho sức khoẻ.

Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, chữa một bệnh này có ý nghĩa sống còn để phòng ngừa các bệnh khác, chẳng hạn các vụ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Các chương trình tiêm chủng vắc-xin, vệ sinh nước sạch, môi trường là những ví dụ của công tác hoạt động y tế công cộng.

Từ thế kỷ 17, bệnh sốt xuất huyết đã được mô tả lần đầu tiên vào năm 1764, rồi phải đến thế kỷ 19 căn nguyên gây bệnh mới được phát hiện năm 1907. Năm 1953 một vụ dịch sốt xuất huyết Dengue xảy ra ở Philippines.

Năm 1958 một vụ dịch tương tự xảy ra ở Thái Lan. Do dịch ngày càng lan rộng ra các nước Đông Nam Á, như Việt nam năm 1958- 1960, Singapore, Lào, Campuchia… và các nước Tây Thái Bình Dương trong những năm sau, nên Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 1964 đã thống nhất tên gọi của bệnh là sốt xuất huyết Dengue.

Cho đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đều có thể có bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue. Nhiều công trình nghiên cứu về bệnh này đã được tiến hành.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề như cơ chế bệnh sinh của bệnh, điều trị những thể bệnh nặng…

Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu bổ sung, cập nhật. Gần đây nhất, Hà Nội từng trải qua đỉnh dịch vào cuối năm 2017.

Những diễn biến đó càng khiến chúng ta không được phép chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có dấu hiệu chững lại và được khống chế.

Thời điểm cuối năm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay, diễn biến các dịch bệnh mùa Đông - Xuân được dự báo rất khó lường.

Lý do vì thời điểm cuối năm, trước và sau Tết, nhu cầu giao lưu, đi lại, tập trung đông người tăng cao là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng.

Mặt khác, điều kiện thời tiết, môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người. Trong khi đó, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dân chưa tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh, chưa có miễn dịch với các bệnh truyền nhiễm.

"Báo An ninh Thủ đô có kinh nghiệm trong một số hoạt động phối hợp với ngành y tế nói chung trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, và đặc biệt có nhiều năm phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của ngành y tế trên địa bàn Hà Nội.

Chúng tôi cho rằng, việc phổ biến kiến thức, truyền thông bằng nhiều loại hình sinh động, tiếp tục góp phần thiết thực phòng chống những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa Đông - Xuân. 

Đây không phải là lần đầu tiên Báo ANTĐ phối hợp với  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng.

Mỗi lần chúng ta đều lựa chọn chủ đề có tác động, tác dụng và mang lại hiệu quả thiết thực đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến các địa bàn cơ sở. Bởi vậy, chủ đề giao lưu trực tuyến lần này là: “Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng”" - ông Chu Quốc Dũng nói.

Danh sách khách mời

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa

Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa

Nguyễn Quang Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi:
Xin hỏi nếu phun hoá chất diệt muỗi gây sốt xuất huyết tại nhà, có thể sử dụng hoá chất diệt muỗi thông thường?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Hiện nay, việc phun hóa chất diệt muỗi, phun hóa chất khử khuẩn đều phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, chỉ được sử dụng các loại hóa chất nằm trong danh mục cho phép lưu hành của Bộ Y tế. 

Cụ thể hiện nay đối với hóa chất diệt muỗi SXH Việt Nam đang sử dụng hóa chất Delthamethrin và các đơn vị tham gia diệt muỗi bằng loại hóa chất này đều phải được cấp phép đủ  điều kiện. Người dân nếu muốn sử dụng hóa chất phun trong hộ gia đình thì cần phải quan tâm đến loại sản phẩm đã được cấp phép của Bộ Y tế sử dụng trong gia dụng và y tế. 

Nguyễn Quang Minh, Phường Ô Chợ Dừa hỏi:
Xin hỏi bà Trần Thị Bích Thái, các gia đình trên địa bàn phương Ô Chợ Dừa nếu muốn được phun thuốc muỗi thì liên hệ đến cơ quan nào?
Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa trả lời:
UBND Phường phối hợp Trung tâm Y tế quận Đống Đa tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng theo kế hoạch hoặc phun đột xuất với các địa bàn có ổ dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ngoài những chiến dịch này, nếu hộ gia đình thấy xuất hiện muỗi hoặc có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi thì có thể liên hệ với Trạm Y tế phường, số điện thoại 0243.513.2956 để được tư vấn, hỗ trợ. 
Đặng Thị Thanh Hòa, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa hỏi:
Xin hỏi đại diện phường Ô Chợ Dừa, hiện số lượng, tỷ lệ phun thuốc muỗi trên địa bàn phường ra sao? Hoạt động phun thuốc muỗi của phường có nhận được sự hợp tác của các hộ gia đình không?
Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa trả lời:

Từ đầu năm đến nay, UBND Phường đã tổ chức 4 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các tổ dân phố với tổng số 6.179 hộ gia đình, tỷ lệ số hộ được phun khoảng 72%. 

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 9

Đa phần các hộ dân đã có ý thức phối hợp trong việc diệt mầm bệnh sốt xuất huyết

Với sự chỉ đạo sát sao của UBND Quận Đống Đa, sự hỗ trợ của tích cực của Trung tâm Y tế quận, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền phường Ô Chợ Dừa, với sự tham gia nhiệt tình của các lực lượng y tế, công an, dân quân, cán bộ hội đoàn thể, tổ dân phố, nên đa phần người dân có ý thức chấp hành, phối hợp cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, còn một số bộ phận ý thức phòng chống dịch bệnh chưa cao, chưa thật sự hợp tác với UBND phường và ngành y tế trong các chiến dịch phun hóa chất.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cũng như có những giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức chấp hành của những hộ dân này để công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa hiệu quả cao hơn.

Nguyễn Phương Anh, Sinh viên hỏi:
Bác sĩ cho cháu hỏi, bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm đến tính mạng không ạ? Nếu mắc bệnh mà tự chữa ở nhà có được không ạ?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Bệnh SXH xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B-mức độ nguy hiểm trung bình. Trong một cuộc đời mỗi con người, tối đa có thể 4 lần bị mắc SXH.

Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời vẫn có thể dẫn đến tử vong, nhưng đa số các trường hợp bệnh có diễn biến nhẹ sẽ được điêu trị ngoại trú. 

Khi phát hiện có người bị mắc bệnh SXH phải được đưa đến các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán để đưa ra cách điều trị phù hợp, người dân không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà.

hỏi:
Các ca bệnh đều xuất hiện từ cộng đồng, vậy khi mắc bệnh nghi bệnh truyền nhiễm người dân cần phải khai báo đến cơ quan nào? Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo Trung tâm y tế Thạch Thất và UBND phường Ô Chợ Dừa.
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:
Mọi người dân khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nên báo cho trạm y tế phường, xã trên địa bàn để có thể được khám chuẩn đoán, điều trị ban đầu, quyết định hướng xử trí: có thể xét nghiệm xác định bệnh và có phương án khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời như phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành và vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng bệnh cho toàn thể cộng đồng.
Hoàng Hải hỏi:
Tôi ở xã Hữu Bằng. Ở xã tôi, vệ sinh môi trường rất ô nhiễm nên thường xuyên là tâm điểm của các dịch bệnh truyền nhiễm. Xin hỏi nếu gia đình tôi phun thuốc muỗi nhưng nhà hàng xóm không phun thì có sợ muỗi sốt xuất huyết từ nhà hàng xóm có bay sang nhà tôi gây bệnh không?

Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:

Việc phun thuốc muỗi đơn lẻ theo từng hộ gia đình sẽ khó phát huy được hiệu quả mong muốn, vì muỗi thường hoạt động trong bán kính khoảng 200m nên nếu chỉ phun thuốc trong phạm vi gia đình mình thì hiệu quả rất hạn chế.

Bên cạnh đó, trên thị trường có nhiều loại thuốc chưa được kiểm định, không rõ chất lượng, nếu người dân mua phải những loại thuốc này thì hiệu quả đạt được cũng không như mong muốn; hiện nay lợi dụng nhu cầu của người dân cũng có một số đối tượng thường xuyên chào mời sử dụng dịch vụ phun thuốc muỗi, người dân cũng nên cẩn trọng với loại hình dịch vụ này, tránh tình trạng tiền mất mà hiệu quả thì không đạt được.

Trần Lệ Hà hỏi:
Tôi cũng có chung câu hỏi là nếu hộ dân không hợp tác trong phòng chống dịch sốt xuất huyết như không tham gia cùng tổ dân phố vệ sinh môi trường, cống rãnh nơi sinh sống, không cho phun thuốc muỗi khi có dịch sốt xuất huyết thì phường, quận có cơ chế xử lý như thế nào, đã có trường hợp nào bị xử lý hay chưa?

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 10

Hành vi không thực hiện hoặc từ chối các biện pháp vệ sinh diệt trùng sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng

Hiện nay đã có quy định của pháp luật về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, tại Khoản 2, điều 11, nghị định 176 ban hành năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc từ chối các biện pháp vệ sinh diệt trùng, tẩy ổ trong khi có dịch. 

Hiện nay ngành y tế đã xử phạt một số đơn vị và cá nhân vi phạm lĩnh vực này. Tuy nhiên, chủ trương của ngành y tế là tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân cũng như cộng đồng cho nên việc xử phạt chưa thực sự mạnh mẽ. 

Triệu Hùng hỏi:

Thời gian qua, tôi thấy một số người lợi dụng hình ảnh nhân viên phun thuốc muỗi của phường để đi lừa đảo. Họ cũng đeo bình đầy đủ, mang rất nhiều giấy tờ cho ký. Nhưng sau đó, họ thu tiền rất cao (5 triệu đồng), rồi vờ bỏ đi. Tôi xin hỏi: Vậy làm sao để biết nhân viên phun thuốc muỗi là "chuẩn"?

Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa trả lời:

Khi tổ chức phun hóa chất, UBND Phường sẽ tổ chức các hoạt động thông tin trên loa truyền thanh, họp với các tổ trưởng dân phố để thông tin tới các hộ gia đình, gửi tờ thông báo phát tới từng hộ gia đình, nêu rõ thời gian tổ chức chiến dịch, các nội dung hướng dẫn gia đình cần chuẩn bị trước khi phun... 

Việc phun hóa chất diệt muỗi do Phường tổ chức hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, người dân cần cảnh giác khi có người đến yêu cầu phun thuốc muỗi, thu tiền mà hộ gia đình không nhận được thông báo của UBND Phường. Trong trường hợp như vậy, nhân dân cần thông tin ngay cho Công an phường, UBND phường, Trạm Y tế phường để chính quyền có biện pháp xử lý kịp thời.

Cấn Thị Thành (Thạch Thất, Hà Nội) hỏi:
Quê tôi ở xã Bình Yên (Thạch Thất). Ở nhà tôi, bố tôi có thú chơi cây cảnh, trong nhà có rất nhiều chậu cây cảnh có chứa nước, tôi được biết những vật dụng chứa nước như vậy có thể chữa mầm bệnh sốt xuất huyết. Vậy cần phải xử lý như thế nào?
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 11

Kiểm tra, vệ sinh, thau rửa bể thường xuyên là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn muỗi sinh sôi, phát triển

Ở những gia đình có thú "chơi" cây cảnh có chứa nước, đây là môi trường thuận lợi để muỗi truyền sốt xuất huyết đẻ trứng, sinh sản. Vì vậy cần phải tháo nước, thay nước thường xuyên hàng ngày, hàng tuần; cọ rửa kỹ thành, chậu bể, đối với những chậu, bể lớn người dân nên thả cá để góp phần tiêu diệt bọ gậy.

Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 12

Kiểm tra, vệ sinh, thau rửa bể thường xuyên là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn muỗi sinh sôi, phát triển

Ở những gia đình có thú "chơi" cây cảnh có chứa nước, đây là môi trường thuận lợi để muỗi truyền sốt xuất huyết đẻ trứng, sinh sản. Vì vậy cần phải tháo nước, thay nước thường xuyên hàng ngày, hàng tuần; cọ rửa kỹ thành, chậu bể, đối với những chậu, bể lớn người dân nên thả cá để góp phần tiêu diệt bọ gậy.

Nguyễn Văn Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi:
Vợ tôi có thai được 7 tháng, không may mắc sốt xuất huyết đã được bệnh viện truyền và cho uống bổ sung sắt vì thiếu máu, liệu thai nhi có bị ảnh hưởng gì khi mẹ bị SXH không?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:
Tình trạng xuất huyết trong bệnh SXH không làm mất máu ra khỏi cơ thể mà chỉ là tình trạng thoát huyết tương. Vì vậy, cơ thể không bị thiếu sắt. Tuy nhiên, đối với phụ nữ có thai mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào đều có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi và cơ thể thai phụ. Vì vậy cần phải được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế để bác sỹ có tư vấn cụ thể. 
Nguyễn Thị Là (Thạch Thất) hỏi:
Nếu người nhà tôi mắc dịch SXH, Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì cho bệnh nhân khi điều trị không?
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:
Việc điều trị sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế bệnh nhân sẽ được hưởng quyền lợi theo chính sách BHYT.
Nguyễn Thị Hương (Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Chồng tôi mới ra viện ngày 25-11, sau 10 ngày điều trị sốt xuất huyết. Tôi thì mới sinh con nhỏ mới được 3 tháng. Vậy chồng tôi có cần phải hạn chế gì khi tiếp xúc với con nhỏ không?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Hiện nay, bệnh SXH lây nhiễm do trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti hay còn gọi là muỗi vằn đốt người bệnh và truyền sang người lành. Chưa có bằng chứng lây truyền trực tiếp từ người sang người. Vì vậy, chồng bạn bị SXH và đã được điều trị khỏi sẽ không có khả năng lây nhiễm cho bạn và mọi người trong gia đình.

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 13

Khi người dân mắc bệnh SXH cần báo ngay cho cơ sở y tế  để có biện pháp phun muỗi, phòng bệnh

Tuy nhiên, tại nơi bạn ở đang có muỗi truyền bệnh mang mầm bệnh cần phải triển khai các biện pháp để muỗi không sinh sản phát triển cũng như diệt đàn muỗi đang mang mầm bệnh bằng cách phun hóa chất. Khi người dân mắc bệnh SXH cần phải báo cho cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý tránh lây lan cho cộng đồng. 

Lê Băng Băng hỏi:

Tôi thấy những chỗ ao hồ như hồ Hoàng Cầu là nơi tập trung nhiều ổ muỗi. Ven hồ còn có rất nhiều rác, vũng nước. Ngay mấy bồn lọc nước của xe đạp lọc nước trước đây (giờ bỏ hết rồi) cũng đầy rác, trữ lại dễ thành chỗ sinh dịch bệnh. Vậy UBND phường Ô Chợ Dừa ở ngay gần đấy có biết hay không?

Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của UBND Quận Đống Đa về công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, UBND phường luônchú trọng thực hiện công tác này. Đặc biệt, sáng thứ Bảy hàng tuần, Hội Phụ nữ phường kết hợp với cán bộ cơ sở tổ dân phố phát động các buổi quét dọn đường phố, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, làm sạch môi trường, tránh phát sinh mầm bệnh; Nhắc nhở các hộ dân có ý thức đổ rác đúng giờ quy định, không vứt rác thải ra đường...

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 14

Khu vực quanh hồ Hoàng Cầu đã sạch sẽ hơn nhiều

UBND phường cũng chỉ đạo khu dân cư thực hiện việc đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực này. Hiện tượng mất vệ sinh, ứ đọng rác ở ven hồ Hoàng Cầu đến nay cũng đã được xử lý, giải quyết có hiệu quả.

Trần Nam Anh, Ứng Hòa hỏi:
Tuyên truyền SXH đến cộng đồng dân cư có khó khăn gì không? Người dân có vai trò thế nào trong tuyên truyền SXH?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 15

Công tác tuyên truyền phòng chống SXH trong cộng đồng rất cư là rất quan trọng

Hiện nay công tác tuyên truyền phòng chống SXH đã được triển khai rộng khắp từ tuyến thành phố tới các cơ sở và các hộ gia đình. Trong đó, vai trò của các chủ hộ gia đình trong công tác phòng chống SXH là rất quan trọng, bởi lẽ lực lượng cán bộ y tế có hạn, dân số đông, số hộ gia đình lớn.

Nên nếu chỉ dựa vào lực lượng cán bộ y tế sẽ không đủ khả năng truyền tải các thông tin tuyên truyền về bệnh.  Vì vậy, rất cần có sự tham gia vào cuộc của người dân cũng như toàn cộng đồng.

Nguyễn Thùy Trang, Long Biên hỏi:
Tôi nghe nói người có nhóm máu khác nhau thì ưa muỗi khác nhau có đúng không?
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:
Về việc người có nhóm máu khác nhau thì khả năng hấp dẫn muối khác nhau đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào. Tất nhiên, đối với những người thường xuyên bị muỗi đốt thì nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nói riêng và các bệnh do muỗi truyền nói chung cũng sẽ cao hơn.
Đặng Hoàng hỏi:
Xin hỏi có phải khi bị sốt xuất huyết thì cần kiêng tắm hay không? Xin hỏi thêm nếu bị sốt xuất huyết thì cần hạn chế ăn các loại thức ăn gì?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Khi cơ thể nhiễm bệnh, điều đầu tiên là cần phải nâng cao thể trạng thì mới đủ sức khỏe chống đỡ lại bệnh tật. Tức là không cần kiêng ăn uống.

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 16

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội giao lưu cùng bạn đọc báo An ninh Thủ đô

Đối với bệnh SXH sau giai đoạn sốt sẽ là thời kỳ hạ sốt trong thời gian này chúng ta không được dùng bất kỳ một loại thuốc hạ sốt nào có thành phần Aspirin, còn không phải kiêng bất kỳ một loại thức ăn nào khác.

Riêng đối với việc vệ sinh cá nhân như tắm thì không nên kiêng, tuy nhiên, trong giai đoạn hạ sốt cũng là thời điểm có thể dẫn đến tình trạng sốc dengue. Vì vậy, khi chúng ta vận động cũng như tắm có thể làm tăng nguy dẫn tới sốc.

Đinh Thắng hỏi:
Tôi ở thị trấn Liên Quan (Thạch Thất). Ở khu vực tôi sống cũng có nhiều người từng mắc sốt xuất huyết, một số người nói nếu bị sốt xuất huyết mà không nặng thì chưa cần đi viện, chỉ cần ở nhà cạo gió hoặc truyền dịch là đỡ. Xin hỏi cách xử lý này có đúng không?
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:

Sốt xuất huyết là bệnh do nhiễm virus Dengue nên chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người dân khi nghi ngờ mắc bệnh nên đến trạm y tế hoặc các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp truyền miệng như cạo gió, đánh cảm, kiêng tắm hoặc xông lá thuốc...

Phạm Nguyên Minh (Thạch Thất) hỏi:
Bệnh viện tuyến huyện có đủ khả năng cấp cứu, chữa bệnh SXH không thưa ông Hoàng Thế Hùng? Nếu chúng tôi có nhu cầu chuyển viện lên tuyến trên để chữa trị có được không?
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 17

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, ông Hoàng Thế Hùng trả lời câu hỏi của bạn đọc

Đối với bệnh sốt xuất huyết- là bệnh do nhiễm virus Dengue nên chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người dân khi nghi ngờ mắc bệnh nên đến trạm y tế hoặc các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý truyền dịch tại các địa chỉ chưa được cấp phép.

Hiện tại bệnh viện tuyến huyện hoàn toàn có đủ khả năng về chuyên môn kỹ thuật, con người, thuốc, trang thiết bị để đáp ứng cho việc điều trị hiệu quả đối với bệnh sốt xuất huyết, những trường hợp nặng sẽ được chuyển tuyến kịp thời. Cho nên, nếu bị sốt xuất huyết thì hoàn toàn có thể điều trị được tại bệnh viện tuyến huyện, điều này hạn chế tối đa những phát sinh tốn kém khi điều trị vượt tuyến, đồng thời cũng giảm quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên.

Hải Âu , Ba Đình hỏi:
Các loại thuốc xịt ngoài da chống muỗi đốt trên thị trường có tác dụng phòng SXH không? Nếu bị muỗi có mầm bệnh SXH đốt, sau đó tôi bôi ngay thuốc chống sưng tấy, chống ngứa thì có tác dụng phòng bệnh SXH không?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm có tác dụng xua, diệt muỗi. Khi chúng ta dùng các sản phẩm này sẽ hạn chế tối đa số lượng muỗi bay vào nhà và đốt người. Khi muỗi đã mang mầm bệnh SXH mà đốt cơ thể con người thì mầm bệnh đó sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh SXH. Việc chúng ta sử dụng các loại kem bôi chỉ có tác dụng giảm các phản ứng tại chỗ trên da tại nơi muỗi đốt chứ không có tác dụng ngăn ngừa mầm bệnh phát triển và gây bệnh trong cơ thể khi đã bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

Để phòng bệnh SXH biện pháp duy nhất là không để muỗi đốt bằng cách ngủ buông màn và loại trừ ổ bọ gậy trong nhà. 

Bùi Bích Đào hỏi:

Xin hỏi, nếu một lúc mà cơ thể bị mắc nhiều loại bệnh thì sẽ điều trị thế nào, hay chấp nhận chết?

Như là vừa nhiễm virus Whitmore, vừa bị sốt xuất huyết, vừa tiêu chảy? Người nhà tôi vừa mắc mấy chứng một lúc, phải tiêm truyền rất nhiều mà chưa đỡ.

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Khi cơ thể  có những biểu hiện khác thường có thể đã mắc một bệnh hoặc một hội chứng bệnh. Để xác định mắc bệnh gì, do nguyên nhân nào gây ra cần phải khám và chẩn đoán trong các cơ sở y tế. 

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 18

BSCKII, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội giao lưu với bạn đọc Báo An ninh Thủ đô

Với câu hỏi của bạn chúng tôi cho rằng, có thể đây là trường hợp mắc hội chứng như vậy, nhưng nếu không được khám xét thì rất khó để chẩn đoán.

Có những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, ví dụ như SXH hoặc bệnh Whitemore, nhưng trên nền một cơ thể đang có bệnh mãn tính ví dụ như bệnh đái tháo đường, tim mạch thì biểu hiện của bệnh sẽ trở thành một hội chứng nếu không có can thiệp của các chuyên khoa sâu thì không thể xác định đâu là nguyên nhân chính và đâu là bệnh cảnh nền.

Vì vậy, khi người dân có các biểu hiện ốm đau cần phải được khám và chẩn đoán tại các cơ sở đúng chuyên khoa. 

Nguyễn Hồng Đăng hỏi:
Tôi là người dân phường Ô chợ Dừa (Đống Đa), một trong những khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết nên không khỏi lo lắng. Thế nhưng cũng trong khu tôi sống có nhiều hộ còn rất chủ quan với bệnh này, thậm chí ngăn cản không cho cán bộ y tế vào phun thuốc muỗi, diệt loăng quăng. Việc này sẽ ảnh hưởng đến những người sống xung quanh như chúng tôi. Chính quyền, ngành y tế có giải pháp gì để xử lý việc này?

Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa trả lời:

Với những hộ gia đình không hợp tác, UBND đã có những biện pháp linh hoạt để tuyên truyền, vận động tham gia hưởng ứng các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Cụ thể, thông qua loa truyền thanh, loa di động, qua các buổi truyền thông tại các khu dân cư, tổ dân phố, phát tờ rơi tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia công tác phòng chống dịch. 

Công tác phòng chống dịch cũng là một trong những nội dung mà các Chi bộ Đảng khu dân cư đưa vào các cuộc họp để quán triệt đến các Đảng viên nhằm nâng cao ý thức của Đảng viên, cũng như quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống dịch.

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 19

Bà Trần Thị Bích Thái - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (ở giữa)

UBND Phường cũng tổ chức các lực lượng gồm Y tế, Công an Phường, Dân quân, các hội, đoàn thể, cán bộ tổ dân phố đi thuyết phục, vận động các hộ gia đình không hợp tác. Đồng thời, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ gia đình trong việc dọn dẹp, vệ sinh quanh khu vực nhà ở.

Với những hộ dân vẫn kiên quyết không hợp tác, Y tế phường sẽ kết hợp cùng cán bộ tổ dân phố để xác minh rõ lý do, yêu cầu xuất trình bằng chứng nếu gia đình khẳng định đã tự phun hóa chất diệt muỗi.

UBND Phường cũng kiên quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, tổ chức không hợp tác trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh được quy định tại Nghị định 176/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Minh Quân, (Canh Nậu, Thạch Thất) hỏi:

Thạch Thất có nhiều địa phương có làng nghề đang phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng, tôi xin hỏi người dân cần làm gì để chủ động phòng tránh dịch bệnh?

Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết thì ngoài việc chủ động của ngành Y tế, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và các ban, ngành tại địa phương, thì mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần trở thành một hạt nhân trong hoạt động phòng, chống dịch thông qua hành động của mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình cụ thể:

Các bậc phụ huynh cần nêu gương, hướng dẫn cho con cái và người thân trong gia đình có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường: thu gom phế thải, phế liệu có khả năng đọng nước; trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt hạn chế tối đa việc phát sinh phế thải, phế liệu. 

Đối với học sinh từ cuối bậc tiểu học cần thực hành các hoạt động theo hướng dẫn của nhà trường để chủ động xử lý phế thải, phế liệu, giảm nguy cơ phát sinh bọ gậy tại gia đình.

Ngoài ra, người dân cũng cần tích cực hưởng ứng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong các chiến dịch, hoạt động thu gom phế thải, phế liệu để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương.

Nguyễn Thúy Quỳnh (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Thời tiết hiện nay rất nhiều trẻ bị cúm. Bệnh cúm là bệnh thông thường hay bệnh truyền nhiễm, bệnh này có nguy hiểm không?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cho nên hàng năm vẫn xuất hiện bệnh cúm mùa lưu hành trong mùa Đông Xuân. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo có khả năng xảy ra địa dịch cúm mùa.

Tuy nhiên, năm 2019 đã sắp trôi qua, số lượng ca mắc cúm mùa ở Hà Nội cũng chưa gia tăng. Nhưng dự báo năm 2020, dịch cúm mùa vẫn có thể tiếp tục xảy ra, bao gồm các loại cúm A/H1N1, cúm A/H2N3.

Đặc biệt năm 2009 đại dịch cúm H1N1 cũng đã xảy ra tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, nhưng đã có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, để phòng chống lây nhiễm, người dân nên chủ động đi tiêm phòng vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ hàng năm.

 

Nguyễn Thị Loan (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Xin hỏi Sở Y tế Hà Nội có kế hoạch, biện pháp gì để phòng chống bệnh mùa đông xuân, bảo vệ sức khỏe cho người dân trong điều kiện thời tiết hiện nay?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 20

BSCKII, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn

Ngay từ đầu tháng 10-2019 Sở Y Tế đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế trong ngành tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh mùa Đông Xuân.

Cụ thể, với tất cả các bệnh có vaccine phòng bệnh như bệnh cúm mùa sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân tiêm vaccine phòng bệnh. Các trạm y tế cơ sở hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân như mặc quần áo ấm, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đường vào những ngày thời tiết lạnh cũng như tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng.

Lê Vũ Minh hỏi:

Nhà tôi ở Thạch Thất, vẫn mang đậm nét nông thôn. Chúng tôi ở không gian rộng, nhiều chỗ trũng nước, dù có phát quang, phun thuốc, nhưng khó triệt để (đặc biệt ở những khu chuồng trại).

Xin hỏi, có phương án nào chống muỗi sinh sôi hiệu quả ngoài việc phun thuốc hay không? Liệu rắc vôi bột thì có khá hơn không? Vôi bột rắc quá nhiều có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không?

Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 21

Ông Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất

Việc rắc vôi bột không có ý nghĩa nhiều trong việc tiêu diệt cũng như phòng chống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Giải pháp căn bản và hiệu quả để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là người dân chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy ngăn chúng phát triển thành muỗi trưởng thành, đóng vai trò là trung gian truyền bệnh.

Tạ Minh Tâm (Đống Đa) hỏi:
Diễn biến hiện tại của bệnh SXH trên địa bàn thành phố ra sao? Từ đầu mùa dịch đến nay, có bao nhiêu ca mắc bệnh, bao nhiêu người đã chết? 
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Năm 2019 cùng với bối cảnh chung của Khu vực Đông Nam Á và thế giới, số lượng mắc bệnh SXH có gia tăng hơn so với năm 2018. Lí do bởi biến đổi khí hậu là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển.

Không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là Singapore là một trong những nước rất phát triển nhưng cũng có lượng mắc SXH gia tăng so với năm 2018. 

Trong đó, Phippines là quốc gia có lượng ca bệnh và tử vong cao nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. 

Giao lưu trực tuyến "Hiệu quả từ mô hình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng" ảnh 22

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 11.000 ca SXH

Tại Hà Nội số ca mắc SXH cũng tăng hơn so với năm 2018, đến thời điểm hiện nay đã ghi nhận trên 11.000 trường hợp mắc, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Với tình hình thời tiết hiện nay, dự báo bệnh SXH rất có thể diễn biến tiếp tục phức tạp trong những tháng mùa đông tới. Bởi nhiệt độ ở trên 20 độ C, là điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH tiếp tục sinh sản, phát triển. Vì vậy chúng ta không nên chủ quan mà vẫn cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh.

Trần Thị Lành (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Xin hỏi Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, hiện ở khu vực tôi sinh sống cũng có người mắc sốt xuất huyết. Vậy chúng tôi cần làm gì để tránh bị lây bệnh?
Bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa trả lời:

Trước tiên, bạn cần thông tin với Trạm Y tế phường tên, tuổi, địa chỉ, triệu chứng của bệnh nhân để Trạm Y tế kịp thời cử cán bộ y tế xuống địa bàn thực hiện giám sát, xác định và báo cáo thông tin lên Trung tâm Y tế Quận, UBND Phường để có biện pháp phòng chống và xử lý dịch theo quy định. 

Khi xác định là ổ dịch, Trạm Y tế sẽ tham mưu UBND Phường triển khai các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch như: Thông báo đến tổ trưởng tổ dân phố, thông báo cho người dân tình hình dịch bệnh và ngày giờ tổ chức phun hóa chất tại ổ dịch, phối hợp với tổ dân phố phát thông báo đến từng hộ gia đình trong diện khoanh vùng.

Tại nhà, cần kiểm tra vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, các dụng cụ chứa nước tồn đọng để diệt bọ gậy của muỗi sốt xuất huyết; nằm ngủ mắc màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt và dùng các biện pháp chống muỗi như: bôi kem chống muỗi, lắp mành rèm, hoặc đèn bắt muỗi.

Đồng thời, bạn có thể tuyên truyền cho hộ gia đình có người mắc sốt xuất huyết cần cho bệnh nhân nằm màn để tránh muỗi đốt truyền từ người bệnh sang người lành.

Nguyễn Mai Anh, giáo viên trường THCS Thạch Thất hỏi:
Với môi trường đông học sinh như trong trường học, giáo viên chúng tôi cần sử dụng biện pháp gì để đề phòng bệnh sốt xuất huyết lây lan?
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:
Đối với các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, bệnh viện nói chung, trường học nói riêng cần thực hiện việc vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu thường xuyên hàng ngày, hàng tuần. Đồng thời, trong các hoạt động của nhà trường nên hạn chế tối đa phát sinh phế thải, phế liệu có thể đọng nước là môi trường để muỗi truyền bệnh, sinh sôi và phát triển. Nhà trường cần phối hợp với các cơ quan y tế, đặc biệt là các trạm y tế trên địa bàn để thường xuyên tổ chức, tuyên truyền các nội dung về bệnh sốt xuất huyết các biện pháp phòng chống bệnh đặc biệt là vệ sinh môi trường, hạn chế muỗi truyền bệnh, hướng dẫn học sinh lớp cuối cấp tiểu học và THPT biết cách nhận biết và xử lý phế thải, phế liệu, nguy cơ phát sinh bọ gậy để thực hành hoạt động này tại trường và gia đình.
Nguyễn Thùy Dương (Thạch Thất) hỏi:
Vùng nông thôn có nhiều điều kiện cho muỗi gây bệnh khu trú, phát triển, việc phun thuốc muỗi có đảm bảo hết muỗi gây bệnh không?
Th.S Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) trả lời:
Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ có vai trò tiêu diệt đàn muỗi trưởng thành tại thời điểm hiện tại. Để đáp ứng việc khống chế, không để dịch lây lan tức thời, giải pháp căn bản phải chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy ngăn chúng phát triển thành muỗi trưởng thành, đóng vai trò là trung gian truyền bệnh.
Minh Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi:
Xin hỏi chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thời tiết chuyển mùa hiện nay, buổi sáng và chiều tối rất lạnh nên trẻ con rất dễ bị ốm, viêm hô hấp. Xin hỏi cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết này?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Trong thời tiết giao mùa hiện nay những đối tượng người già, trẻ em là những đối tượng chậm đáp ứng với sự thay đổi của thời tiết, chính vì vậy, khi không có sự bảo vệ sức khỏe tốt thì dễ bị nhiễm bệnh do yếu tố của thời tiết. Ví dụ như cảm lạnh, cảm cúm,...

Để phòng những bệnh do thời tiết giao mùa kể trên thì đầu tiên phải tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như mặc áo ấm khi ra ngoài, và tránh đến những nơi tụ tập đông người là những nơi dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.