Giáo dục Thủ đô chuẩn bị năm học mới: Bứt phá vượt chuẩn

ANTD.VN - Năm học mới 2016-2017, ngoài thực hiện nhiệm vụ chung, Hà Nội đang đặt ra nhiều mục tiêu riêng đối với ngành giáo dục Thủ đô, trong đó có những biện pháp giải quyết nhu cầu bức thiết, có biện pháp dài hơi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong bối cảnh hội nhập thế giới.

Giáo dục Thủ đô chuẩn bị năm học mới: Bứt phá vượt chuẩn  ảnh 1Học sinh Hà Nội sẽ được tăng cường trang bị kỹ năng sống bên cạnh học kiến thức

Đầu tư trung tâm đào tạo kỹ năng sống

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017, thành phố đã đầu tư xây mới 26 trường tại các huyện khó khăn. Các trường này không chỉ được xây theo chuẩn quốc gia mà còn được đầu tư cao hơn quy định hiện hành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học của người dân Thủ đô.

Không dừng lại ở đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tháng 9 tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư 40 trường mầm non, phổ thông trên chuẩn quốc gia để làm mô hình mẫu cho các trường học xây mới tiếp theo. Thành phố cũng vừa rà soát các quỹ đất tại tất cả các quận, huyện để xây trường, trong đó, mới nhất là quyết định lấy 3.000m2 đất của một dự án sau nhiều năm không triển khai giữa trung tâm Hà Nội để đầu tư xây trường học. Chủ tịch UBND TP cho biết, 40 trường khởi công vào tháng 9 tới sẽ phải hoàn thành trước tháng 8-2017, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về môi trường học tập.

Ngoài việc tăng cường đầu tư trường lớp, Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào hoạt động một trung tâm chuyên về đào tạo kỹ năng sống cho học sinh. “Nhiệm vụ của ngành giáo dục không chỉ tập trung vào dạy kiến thức mà còn phải chăm lo phát triển toàn diện văn thể mỹ. Hiện nay, thành phố đã hợp tác với một nhóm chuyên gia đến từ nhiều nước để xây dựng một trung tâm quy mô để học sinh được rèn luyện thể lực, kỹ năng sống. Việc xây dựng sẽ được triển khai trong năm nay để năm 2018 đi vào hoạt động. Học sinh Thủ đô sẽ bắt buộc phải hoàn thành khóa học kỹ năng sống theo từng bậc học” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu yêu cầu.

Áp dụng học bạ điện tử

Trước thềm năm học mới, Hà Nội lần đầu tiên triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh đầu cấp. Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, thống kê cho thấy, tỷ lệ phụ huynh truy cập cổng thông tin đăng ký tuyển sinh trực tuyến đạt 51%. Không hài lòng với con số này, lãnh đạo thành phố yêu cầu ngành giáo dục phải quán triệt tới tất cả hiệu trưởng, giáo viên để đẩy mạnh việc triển khai phần mềm tuyển sinh vào các năm sau.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, từ ngày 5-9, Hà Nội sẽ áp dụng học bạ điện tử. Việc này sẽ giúp chấm dứt tình trạng sửa điểm và quan trọng hơn là tạo ra một kho dữ liệu để khai thác sau này. Việc cập nhật những đánh giá, nhận xét của mỗi học sinh trong suốt quá trình học tập sẽ là dữ liệu quan trọng để căn cứ vào đó, các nhà quản lý, tuyển dụng có thể tiếp cận, đánh giá chính xác năng lực của mỗi người, từ đó mới sử dụng nhân sự đúng vị trí . “Các nhà quản lý, hiệu trưởng cần phổ biến cho giáo viên hiểu tầm quan trọng của việc này” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch UBND TP cho rằng, công việc này phải được thực hiện ngay từ bậc học phổ thông chứ không thể chờ đến khi vào đại học. Trước tiên, phải quan tâm đến sức khỏe của học sinh hơn nữa. Theo đó, ngành giáo dục cần đưa vào tiêu chí thi đua vấn đề hạn chế tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhân lực sau này. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch, khu vệ sinh đạt chuẩn trong trường học cũng sẽ được đầu tư, giải quyết dứt điểm trong năm học này.

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, Hà Nội cũng dự kiến tổ chức các cuộc thi quốc tế lớn để học sinh được cọ sát, đồng thời cũng để bạn bè quốc tế biết đến giáo dục Thủ đô một cách trực tiếp chứ không phải chỉ thông qua vài khuôn mặt đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế. 

Chủ tịch UBND TP đặt vấn đề: “Hiện có bao nhiêu trường ở Thủ đô được công nhận bằng tú tài quốc tế? Chúng ta chưa có trường nào. Đây là điều đáng để trăn trở, suy nghĩ. Mô hình trường chất lượng cao không dám tự chủ hoàn toàn, kéo theo chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu. Học xong phổ thông, con em chúng ta vẫn phải mất thêm 2 năm học ngoại ngữ để có chứng chỉ nước ngoài. Nếu các trường phổ thông của Hà Nội có thể đạt tiêu chuẩn công nhận quốc tế thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho người dân. Sắp tới, thành phố sẽ phối hợp với trường ĐH Cambridge đầu tư vào trường THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội - Amsterdam để áp dụng chương trình chuẩn của họ song song với chương trình trong nước; giúp học sinh Thủ đô ra trường là có thể hội nhập với thế giới mà không mất thêm 2 năm” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.