Giáo dục phải chu toàn cả dạy chữ lẫn dạy người

ANTĐ - Ngày 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông và sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Giáo dục phải chu toàn cả dạy chữ lẫn dạy người ảnh 1Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội trường Quốc hội
về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

SGK cần có tính kế thừa

Một vấn đề mà các ĐBQH băn khoăn là nội dung của chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK). ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, sau 3 lần đổi mới nhưng đến giờ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, giáo dục vẫn thiên về truyền thụ kiến thức mà chưa có tư duy sáng tạo, chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người. Ngoài ra, chương trình cần phải có tính liên tục, liên thông từ tiểu học, phổ thông cho đến đại học. Cũng theo ĐB Hồ Thị Thủy, không nên đổi mới toàn bộ CT-SGK, vừa tốn kém vừa ảnh hướng đến chất lượng. Cần chọn lọc, giữ lại những nội dung tốt, mang truyền thống lịch sử của dân tộc. Tán thành quan điểm này,  ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng, CT-SGK phải có tính kế thừa, từ đó mới bổ sung, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. 

Ghi nhận kết cấu nội dung chương trình của Bộ GD-ĐT đề xuất đã có sự chuyển hướng từ dạy chữ thuần túy sang định hướng phát triển trí tuệ cùng với các phẩm chất và năng lực công dân cần thiết cho học sinh, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nhận định: “Trong thực tế, hoàn thành được sứ mệnh này là điều không đơn giản. Trước hết phải xây dựng được một chương trình chi tiết cho mỗi cấp học với kết cấu, hàm lượng kiến thức cân đối giữa giảng dạy, thực hành kỹ năng với khả năng tiếp nhận của học sinh. Ngoài ra, để thực hiện được Đề án này cần quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo CT-SGK mới. Việc này sẽ quyết định sự thành công của Đề án đổi mới CT-SGK”.

Giáo dục phải chu toàn cả dạy chữ lẫn dạy người ảnh 2Chương trình - sách giáo khoa mới cần có tính kế thừa

Cảnh tỉnh nói không đi đôi với làm

Chiều 20-11, thảo luận về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, hiện nay, việc quy định trách nhiệm của người lấy phiếu là chưa đầy đủ. ĐB Phạm Trường Dân nói: “Người lấy phiếu cần phải kê khai đầy đủ, trung thực tài sản và thu nhập cá nhân. Người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm cần quy định theo hướng bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có thể xin từ chức”.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu 2 lần. Lấy phiếu lần 1 là “giám sát”, lần 2 là “tái giám sát”. Thời điểm lấy phiếu nên vào cuối năm thứ hai và cuối năm thứ tư của nhiệm kỳ. Cuối năm thứ tư lấy phiếu là để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Đây là kênh quan trọng để cấp ủy đánh giá kiện toàn hệ thống chính trị. Cử tri cũng đề nghị lấy phiếu nên để 2 chứ không phải 3 mức. Ủng hộ quan điểm này, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nói: “Lấy phiếu 2 lần trong 1 nhiệm kỳ sẽ cảm nhận được sự quyết tâm, hiệu quả, tư duy, hành động của người lấy phiếu; cũng là để cảnh tỉnh ai đó nói không đi đôi với làm”. ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) phân tích thêm: “Thời gian 2 năm sau lấy phiếu là để nỗ lực, thúc đẩy trách nhiệm của mình. Cử tri phản ánh lấy phiếu chỉ nên đưa ra 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, bởi như thế sẽ giúp người được lấy phiếu cố gắng hơn, tạo ra tác động mạnh đến người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Biên soạn SGK không có lợi ích nhóm

Về vấn đề giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, cá nhân hay lợi ích nhóm. Phương án xã hội hóa CT-SGK là do Bộ đề xuất. “Thực tiễn các lần làm sách trước đây lực lượng tham gia đều là những nhà giáo, cán bộ khoa học, các chuyên gia. Bộ chỉ lo tổ chức bộ máy vận hành, lựa chọn nhân sự, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ quá trình biên soạn, thẩm định, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, tập huấn, thảo luận…” – 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.