Giao bài tập về nhà cho học sinh sai quy định: Sẽ kiểm tra và chấn chỉnh

ANTĐ - Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết như vậy trước phản ánh của Báo ANTĐ về tình trạng trẻ lớp 1 đã phải “vật lộn” với bài tập về nhà.

Nhiều hoạt động tập thể không phải là lý do để chuyển bài tập trên lớp thành bài tập về nhà


- Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn về việc không giao bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày nhưng ông nghĩ sao khi bạn đọc Báo ANTĐ phản ánh tình trạng này vẫn xảy ra?

- Tôi sẽ cho kiểm tra ngay những trường có phản ánh về việc giao bài tập về nhà cho học sinh, nếu có sẽ yêu cầu Ban Giám hiệu chấn chỉnh. Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ GD-ĐT là bắt buộc phải hoàn thành nội dung và kiến thức ngay tại lớp.

- Vậy lý do gì vẫn có giáo viên giao bài tập cho các con làm thêm vào buổi tối?

- Tôi cho rằng giáo viên giao bài tập về nhà có nhiều lý do. Thứ nhất phải khẳng định là thực tế có không ít phụ huynh sốt ruột, muốn con làm bài tập về nhà thay vì chơi điện tử, xem tivi... nên chủ động yêu cầu giáo viên giao bài tập cho con. Như vậy, giáo viên lại phải giao cho cả phụ huynh có nhu cầu lẫn không có nhu cầu để tránh khả năng phụ huynh hiểu lầm  cô chỉ quan tâm đến một số đối tượng học sinh nào đó. Còn nguyên nhân nữa thuộc về chủ quan giáo viên là các cô vẫn nghĩ học sinh làm thêm bài tập để tăng cường kiến thức, rèn luyện kỹ năng thì sẽ tiến bộ hơn không làm thêm bài tập. Điều này đúng với thực tế nhưng lại sai quy định và không đúng với tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học, nhất là học sinh lớp 1.

- Tuy nhiên vẫn có giáo viên giao “bài tập” cả cho phụ huynh, yêu cầu kèm thêm con ở nhà với lý do bận nhiều việc khác trên lớp?

- Có thể là giáo viên chưa nói một cách rõ ràng với phụ huynh. Nếu ở trên lớp với 50, 60 học sinh/lớp, giáo viên khó có thể kiểm tra hết khả năng tiếp thu kiến thức của tất cả học sinh. Nếu có sự phối hợp, kiểm tra ở nhà của phụ huynh thì sẽ hiệu quả hơn trong việc nắm bắt con có tiếp thu được hay không. Thời gian trên lớp, ngoài việc giảng dạy, giáo viên còn có các hoạt động tập thể, hoạt động chuyên môn theo kế hoạch do Ban Giám hiệu phê duyệt và kiểm tra. Tuy nhiên, tôi khẳng định những hoạt động này không ảnh hưởng đến việc dạy và học trên lớp của cô và trò nên không thể là lý do khiến giáo viên phải giao bài tập về nhà cho học sinh vì cô trò không hoàn thành bài tập trên lớp.

- Còn với những kiến thức, bài tập nâng cao ngoài sách giáo khoa, theo ông, giáo viên có nên giao cho học sinh?

- Thực tế trong một lớp học, học sinh có nhiều trình độ khác nhau. Với học sinh khá, giỏi thì giáo viên có thể ra thêm bài tập nâng cao, phù hợp với trình độ học sinh. Còn với học sinh trung bình, kém thì giáo viên được yêu cầu đảm bảo hình thành chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu chương trình. Việc này Hà Nội đã thực hiện từ lâu và năm nay Bộ GD-ĐT cũng chính thức quy định về việc dạy học theo hướng phân hóa. Sở dĩ như vậy vì chương trình, kiến thức sách giáo khoa chỉ đáp ứng mức độ chuẩn kiến thức, nếu chỉ dừng ở đây sẽ khiến những học sinh có khả năng tư duy tốt thấy nhàm chán, không có hứng thú, động lực phấn đấu. Nếu giáo viên không đưa ra hình thức bồi dưỡng hàng ngày sẽ không có đội ngũ học sinh giỏi. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định, việc này chỉ thực hiện trong các giờ hướng dẫn tự học trên lớp chứ không phải là giao về nhà.

- Vậy với những trường hợp cô giáo vẫn giao bài tập về nhà thì phụ huynh nên xử lý như thế nào?

- Theo tôi, phụ huynh nên trao đổi thẳng với giáo viên xem việc làm bài tập này có bắt buộc hay không vì như tôi đã nói, tùy từng đối tượng, giáo viên có phương pháp dạy học khác nhau. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, phụ huynh có điều kiện cũng nên dành thời gian ngồi học cùng con buổi tối để giúp con ôn bài. Với những trường hợp thấy con có sức tiếp thu tốt có thể mua thêm sách tham khảo vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng quan trọng là phải xem sức khỏe của con có đảm bảo hay không. Ngày nghỉ cuối tuần, tôi cũng mong rằng các vị phụ huynh dành thời gian trang bị thêm cho con những kiến thức văn hóa, lịch sử, môi trường... thay vì chỉ đưa đến các lớp học thêm văn hóa.