Giành suất Olympic nhưng vẫn bị loại

ANTĐ - Đó là trường hợp đáng tiếc của VĐV đua thuyền Phạm Thị Huệ, khi cô từng trở thành VĐV thứ 15 của thể thao Việt Nam (TTVN) giành vé dự Olympic Rio 2016, nhưng vẫn không thể tham dự kỳ Thế vận hội của cuộc đời.

Cho đến thời điểm này, Phạm Thị Huệ vẫn đau đáu một nỗi dằn vặt chưa biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai, khi cô đã có những nỗ lực tột cùng để giành vé dự Olympic Rio 2016, nhưng cuối cùng vẫn phải ở nhà vì bị loại khỏi danh sách cuối cùng. Đó tất nhiên không phải là điều mà các nhà quản lý TTVN muốn, mà tất cả là do họ buộc phải chọn như vậy.

Tại vòng loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tháng 4 vừa qua, TTVN có 3 trường hợp thi đấu xuất sắc, vượt chuẩn Olympic là Phạm Thị Thảo - Tạ Thị Huyền (nội dung thuyền đôi hạng nhẹ) và Phạm Thị Huệ (thuyền đơn hạng nhẹ). Tuy nhiên, niềm vui của việc lần đầu được tham dự Thế vận hội đến chưa lâu, thì Phạm Thị Huệ đã phải nhận tin rằng cô đã bị gạt ra khỏi danh sách tới Rio de Jainero vào tháng 8 tới.

Nguyên do là theo quy định ở vòng loại môn rowing này, mỗi quốc gia chỉ được có tối đa 1 đại diện nam và 1 đại diện nữ. Do Việt Nam chỉ lập chiến tích ở các nội dung của nữ, nên chỉ được chọn 1 nội dung. Không còn cách nào khác, bộ môn rowing đã phải gạt Phạm Thị Huệ ra khỏi danh sách, để chọn bộ đôi Thảo - Huyền đi Olympic vì có thành tích khả quan hơn, cũng như được đánh giá có nhiều cơ hội hơn.

Điều đó khiến cho Phạm Thị Huệ trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam rơi vào nghịch cảnh giành vé dự Olympic nhưng lại buộc phải ở nhà! Người ta không thể trách các nhà quản lý của TTVN vì đưa ra lựa chọn này, cũng khó có thể trách bộ đôi Thảo - Huyền vì ít nhất, họ cũng xuất sắc và trải qua những nỗ lực vất vả không kém gì Phạm Thị Huệ. Chỉ trách quy định quá nghiệt ngã của BTC đã dẫn đến điều đáng tiếc này. Đó là một sự tiếc nuối và cũng sẽ là nỗi day dứt khôn nguôi với tay chèo sinh năm 1990 quê gốc Quảng Bình. 

Việc được đi dự Olympic là giấc mơ cả đời với mỗi VĐV. Chính vì thế, suốt 2 năm ròng rã, Huệ đã gạt mồ hôi, gạt nước mắt nhớ con của một người mẹ để chuyên tâm vào tập luyện, thi đấu. Thời điểm VĐV này vượt qua vòng loại tại Hàn Quốc cũng là lúc cô con gái của cô tròn 4 tuổi.

Phạm Thị Huệ coi tấm vé Olympic là món quà tuyệt vời nhất cho thiên thần nhỏ của mình. Chỉ có điều, giờ đây nó chỉ còn là một kỷ niệm mà mỗi khi nhắc tới, Huệ lại nghẹn ngào không biết phải khóc hay cười. “Tôi đã nỗ lực hết mình nhưng có lẽ chỉ còn biết nói rằng may mắn đã không mỉm cười. Dù thế nào thì tôi cũng tự hào vì thành quả phấn đấu của mình”, Huệ tâm sự.

Thế vận hội mùa hè diễn ra 4 năm một lần và kỳ Olympic tới sẽ diễn ra vào năm 2020. Thời điểm đó, Huệ đã tròn 30 tuổi và gần như không còn có thể thi đấu đỉnh cao với một môn đòi hỏi nhiều thể lực như rowing nữa. Đó là còn chưa kể, cú sốc bị loại vừa rồi có thể ảnh hưởng nặng nề đến quyết tâm của cô gái can trường Quảng Bình này.

Nhưng cũng như bao VĐV khác, Huệ có thể trở lại một cách mạnh mẽ từ điều mà cô gọi là “thất bại” này, bởi những ai hiểu cô đều biết rằng chính nghị lực phi thường của cô đã tạo nên một Phạm Thị Huệ của rowing như ngày hôm nay. Trước mắt Huệ vẫn còn đó nhiều đỉnh cao đang chờ để ghi tên cô, như những đỉnh cao trong lòng người hâm mộ vốn đã luôn nhớ đến Huệ kể từ khi cô chạm tới mốc chuẩn của Thế vận hội, điều đâu phải ai cũng làm được trong sự nghiệp đỉnh cao của mình.