Giành giật sự sống sau tiếng còi cấp cứu 115

ANTD.VN - Hẳn bạn đọc sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết thông tin, chỉ có 20 chiếc xe cấp cứu 115 “gánh” gần 8 triệu dân Hà Nội. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100-200 ca cần cấp cứu, có những thời điểm, các kíp cấp cứu đang trên đường vận chuyển người bệnh đến bệnh viện đã vội nhận lệnh đến cấp cứu bệnh nhân khác. Vậy mà họ vẫn âm thầm nỗ lực, kiên trì vượt qua mọi khó khăn vì người bệnh bằng chữ tâm của người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Đằng sau những chuyến xe màu trắng vang lên tiếng còi cấp cứu vội vã trên đường phố là những con người không ngại gió mưa, đêm ngày hết mình giành giật từng phút, chạy đua với tử thần để đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất. Đó chính là lực lượng cấp cứu 115 Hà Nội. Nhưng có lẽ, ít ai hiểu được sự vất vả thầm lặng của những kíp trực làm nhiệm vụ cấp cứu này. 

Giành giật sự sống sau tiếng còi cấp cứu 115 ảnh 1Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội tại  địa chỉ 11 phố Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cái khó bó cái... nhanh

Có mặt tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vào một buổi sáng đầu tháng 5, chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh những chiếc xe cấp cứu chưa kịp về đến khu vực chờ của Trung tâm đã lại quay đầu vội vã di chuyển đến nơi bệnh nhân cần.

Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội hiện có 1 trung tâm và 4 trạm vệ tinh Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông và Thanh Trì phục vụ quanh thành phố. Trung tâm có tổng 20 chiếc xe cấp cứu, chiếc mới nhất đã sản xuất cách đây hơn 10 năm. Hàng ngày, nhân viên trực điều hành tiếp nhận tin cấp cứu và điều xe khẩn trương lên đường. Tuy nhiên, con số 4 trạm và 1 trung tâm là quá ít ỏi. Theo bản đồ, 4 trạm vệ tinh này hầu như mới chỉ phục vụ được các khu vực nội thành, còn có rất nhiều khu vực “trắng” về cấp cứu.

Nói như vậy bởi lẽ, đối với các huyện xa nội thành như Ba Vì, Sơn Tây, Phú Xuyên, Sóc Sơn… thì nếu xe từ các trạm này đến được nhà bệnh nhân cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Chưa kể đến việc trung bình mỗi ngày có khoảng 100-200 ca cần cấp cứu, có những thời điểm, các kíp cấp cứu đang vận chuyển người bệnh đến bệnh viện đã vội nhận lệnh đến cấp cứu bệnh nhân khác.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 1 triệu dân cần có 15 kíp xe cấp cứu, trong khi hiện Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chỉ có 14 kíp phục vụ cho 8 triệu dân toàn thành phố. Tỷ lệ chưa đến 1/10 này đã nói lên đầy đủ áp lực và khó khăn dồn lên lực lượng 115 Hà Nội trong công tác cấp cứu trước bệnh viện. Trong khi đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân Thủ đô, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội còn phục vụ các hoạt động văn hóa - chính trị - xã hội của Trung ương và Hà Nội khi được giao nhiệm vụ.

Suốt từ năm 2010 đến nay, 115 Hà Nội chưa mở rộng thêm được trạm cấp cứu nào cho dù sức ép dân số tăng lên từng ngày. Bởi vậy, có những lúc cán bộ, nhân viên trung tâm chỉ biết trào nước mắt trước những lo lắng, thúc giục của người bệnh trước thực tế cái khó bó cái... nhanh.

Là người thực sự hiểu được sự thiếu thốn về cơ sở vật chất là thế nào, bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay, với 4 trạm và 1 trung tâm, chúng tôi đang phải “căng mình” phục vụ gần 8 triệu dân thành phố Hà Nội. Cán bộ nhân viên làm cấp cứu trước bệnh viện thực sự trăn trở làm sao để chạy đua với tử thần, giành giật sự sống cho người bệnh. Đối với những thông tin cần cấp cứu ở xa các trạm, chúng tôi phải nỗ lực liên hệ với các bệnh viện gần nhất đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh viện cũng sẵn sàng các phương tiện và nguồn lực để làm nhiệm vụ chuyên môn cấp cứu ngoại bệnh viện này”.

Giành giật sự sống sau tiếng còi cấp cứu 115 ảnh 2Các nhân viên trực điều khiển cấp cứu 115 làm việc hết công suất 24/24h

 Âm thầm làm tốt nhiệm vụ 

“Không ít lần tôi và đồng nghiệp phải hứng chịu những lời nói rất nặng nề của người nhà bệnh nhân vì họ luôn cho rằng xe cấp cứu tới chậm. Nhưng ít ai hiểu được trong thâm tâm những người làm công việc cấp cứu bệnh nhân, luôn muốn làm sao tiếp cận được nạn nhân nhanh nhất, duy trì và ổn định tình trạng sức khỏe bệnh nhân kịp đến bệnh viện. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, việc tắc đường là điều ngoài ý muốn, xe đành phải tới chậm hơn so với dự tính. Những lúc ấy, lòng chúng tôi như có lửa đốt, sốt ruột vô cùng”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Nhân viên lực lượng cấp cứu 115 cũng đã quen với tình huống khi người nhà nạn nhân gọi điện xong vài phút, quãng đường cách xa tới cả chục km nhưng họ đã nóng ruột gọi điện trở lại tổng đài phàn nàn sao chưa thấy xe đến. Lại có khi đến nơi thì bị người nhà nạn nhân căn vặn rằng tại sao xe lại đến chậm. Những lần như thế, các nhân viên y tế chỉ biết ngậm ngùi không dám nói, lẳng lặng làm tốt nhiệm vụ của mình.

Không chỉ vậy, các nhân viên y tế 115 Hà Nội còn có những lần bị cả người nhà của người bệnh tấn công khi các bác sĩ thông báo nạn nhân đã tử vong từ trước khi cấp cứu đến. “Trong lần cấp cứu cho bệnh nhân tại một chung cư ở số 279 phố Đội Cấn, Hà Nội, lúc ấy khoảng 4h sáng, kíp cấp cứu có tôi và bác sĩ Ngô Thị Bích Hạnh khẩn trương lên đường. Tuy nhiên, khi đến hiện trường, cụ bà đã tử vong trước đó. Ngay khi thông báo cho người nhà là một thanh niên khoảng 20 tuổi biết tình trạng của bà đã bất ngờ nổi khùng ném đồ đạc và gào khóc. Một lúc sau đó, chúng tôi nghe thấy tiếng người nhà tri hô chạy đi, lúc nhìn lại tôi thấy thanh niên này cầm dao truy đuổi. Hoảng loạn, 2 nữ bác sĩ chúng tôi vội chạy vào một nhà dân cầu cứu”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy kể lại.

Giành giật sự sống sau tiếng còi cấp cứu 115 ảnh 3Lực lượng cấp cứu 115 Hà Nội phối hợp với các lực lượng cứu hộ nhanh chóng đưa người bị nạn mắc kẹt sau tai nạn đi cấp cứu

Mỗi ngày đối mặt với hàng trăm cuộc gọi… quấy nhiễu

Điều dưỡng Nguyễn Hữu Liên, người có nhiều năm làm công việc trực tổng đài và trực tiếp đi cấp cứu cho biết: “Bình quân mỗi ngày có khoảng 700-800 cuộc gọi đến cấp cứu 115. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 100-200 cuộc gọi cần cấp cứu thật sự. Còn lại có hàng trăm cú nháy máy, cuộc gọi ảo quấy rối, thông báo địa điểm yêu cầu xe cấp cứu. Có rất nhiều lượt xe của đơn vị xuất bến đi đón nạn nhân nhưng khi tới nơi thì không thấy nạn nhân, gọi điện lại vào số điện thoại thì không liên lạc được. Cũng vô số cuộc gọi thật, nhưng khi xe cấp cứu chạy tới nơi thì người thân lại đưa bệnh nhân đi đến bệnh viện bằng phương tiện khác nên xe cấp cứu phải quay về”.

Bằng kinh nghiệm của người thường xuyên nghe máy, các nhân viên trực tổng đài có thể “lọc” được rất nhiều cuộc gọi quấy rối, như lắng nghe giọng nói của họ có hồi hộp, có gấp gáp hay không để đoán rằng đó là cuộc gọi thật. Tuy nhiên cũng có rất nhiều cuộc gọi giả danh đã đánh lừa được người trực. Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm, Tổng đài 115 liên tục nhận được các cuộc gọi quấy nhiễu, có những số điện thoại gọi đến 50-60 cuộc/ngày, hầu hết vào ban đêm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận tín hiệu và tiếp nhận các cuộc gọi cần cấp cứu của người dân. Lãnh đạo trung tâm đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng nhờ xử lý, tuy nhiên tình trạng này vẫn đâu lại vào đó.

Quen với việc bị gây áp lực, những y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 cũng quen luôn việc bản thân bị lãng quên ngay sau ca cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Với họ, điều này cũng dễ hiểu bởi cấp cứu ngoại viện, dù có ý nghĩa quyết định sống còn cho bệnh nhân, nhất là trong những tình huống tối khẩn cấp, song thường diễn ra khẩn trương, mau lẹ nên không mấy khi được nhớ đến.

Tận tâm với nghề, tận lực với nghiệp và cả thấu cảm, sẻ chia với người khác cũng đồng nghĩa với việc các y, bác sĩ 115 phải nhận về mình nhiều thiệt thòi trong cuộc sống riêng. Những ngày lễ, Tết, công việc của các y, bác sĩ ở đây vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn vất vả hơn ngày thường vì dịp lễ thường xảy ra nhiều vụ việc, nhiều người cần cấp cứu hơn. 

Thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng hay lái xe 115 cũng là điều mà không ai muốn nhắc tới. Đây có lẽ là nguyên nhân chính của việc thiếu triền miên nhân lực cống hiến cho hệ thống cấp cứu ngoại viện. Nhưng vượt qua mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn các bác sỹ, nhân viên y tế của lực lượng 115 Hà Nội đã và đang nỗ lực làm việc hết mình, cứu giúp người bị nạn, giành lại sự sống từ lằn ranh cái chết.

“Ngay khi thông báo cho người nhà là bà đã qua đời trước khi cấp cứu đến, một thanh niên khoảng 20 tuổi  đã bất ngờ nổi khùng ném đồ đạc và gào khóc. Một lúc sau đó, chúng tôi nghe thấy tiếng người nhà tri hô chạy đi, lúc nhìn lại tôi thấy thanh niên này cầm dao truy đuổi. Hoảng loạn, 2 nữ bác sĩ chúng tôi vội chạy vào một nhà dân cầu cứu”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy (Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội)