Giăng trận địa trên sông bắt "cát tặc"

ANTD.VN - Với thủ đoạn tinh vi cùng những thiết bị máy móc hiện đại, công suất cao, mỗi ngày "cát tặc" đã tận thu một khối lượng khoáng sản khổng  lồ dưới lòng sông Hồng. Để ngăn chặn hoạt động này, một trận địa trên sông đã được giăng kín...

Phục kích, bắt 4 tàu "cát tặc" trên sông Hồng

Sau 1 tháng mật phục, theo dõi quy luật hoạt động của tội phạm, một trận địa vây bắt "cát tặc" trên sông Hồng đã được Đội tuần tra kiểm soát số 1, Phòng CSGT đường thủy, CATP Hà Nội triển khai với những phương án cụ thể chi tiết.

Theo đúng phương án định sẵn, rạng sáng 30-5, các tổ công tác đã đồng loạt xuất kích tạo thành vòng vây khép kín, khiến "cát tặc" không kịp trở tay. Ngay tại hiện trường, đoạn chảy qua xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 4 tàu đang có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Tại thời điểm kiểm tra, các tàu này đều không  xuất trình được đăng ký, đăng kiểm. Các lái tàu gồm: Nguyễn Văn Toàn, SN 1969, trú tại phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Nguyễn Đức Hùng, SN 1976, trú tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Tăng Văn Chí, SN 1972, trú xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, Đỗ Văn Tường, SN 1968, trú ở xã Khánh Thành, Yên Khánh, Ninh Bình.

Lái tàu Tăng Văn Chí khai nhận, hàng ngày khai thác cát ở khu vực xã Tản Hồng, huyện Ba Vì sau đó chở về cầu Đuống. Mỗi một chuyến cát, chủ trả cho 1,8 triệu đồng. 

Các tàu bị bắt quả tang đều không xuất trình giấy tờ liên quan

Chỉ trong vòng 2 tháng từ 1-4 đến 30-5, riêng Đội tuần tra kiểm soát số 1 đã xử lý, bắt giữ 24 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Phú Thọ, các đối tượng đã hoạt động lén lút vào rạng sáng nhằm trốn tránh sự truy quét của các lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, để bắt giữ được 4 tàu cát này, lực lượng CSGT đường thủy đã rất dày công lên phương án tác chiến. Hơn 1 tháng tổ chức mật phục, theo dõi quy luật hoạt động của các đối tượng, lực lượng CSGT đường thủy phải ngụy trang, trà trộn vào “vùng chiến sự” – nơi các tàu khai thác cát trái phép hoạt động -  cùng các biện pháp nghiệp vụ để bắt quả tang.

1 tiếng hút 700m3 cát

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng CSGT đường thuỷ, CATP Hà Nội, thủ đoạn các "cát tặc" hiện nay rất tinh vi, hoạt động không theo một quy luật nhất định nào. Các đối tượng thậm chí theo dõi rất sát sao hoạt động tuần tra của CBCS. Chúng thường theo dõi ngược lại cơ quan chức năng, lợi dụng thời điểm lực lượng tuần tra mỏng để hoạt động. "Nếu CBCS tuần tra bằng hình thức công khai, thì rất khó có thể bắt được. Vì vậy, CBCS phải thường xuyên bám sát "trận địa trên sông", nắm chắc địa bàn và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, liên tục thay đổi phương án tác chiến để đấu tranh với tội phạm", Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho biết.

Chiếc "vòi bạch tuộc" làm bằng cao su, đầu gắn chõ lọc rác mà các đối tượng sử dụng để hút cát trái phép

Cũng theo đồng chí Phó trưởng phòng CSGT đường thủy, nếu như trước đây, thời gian hút cát rất lâu, thường mất hàng tiếng mới đầy 1 tàu nhưng nay, thời gian hút cát đã giảm đi nhiều, thậm chí các đối tượng chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ đã hút đủ 1 tàu trữ lượng lên tới 700m3.

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cấm toàn bộ hoạt động khai thác cát trên địa sông nên "cát tặc" cũng thay đổi phương thức hoạt động, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý để khai thác cát trái phép.

Để tận thu khoáng sản, các đối tượng đã sử dụng các loại tàu có gắn những vòi hút bằng cao su. Đầu vòi gắn những thanh kim loại nhọn giống như chiếc vòi bạch tuộc cắm thẳng xuống lòng sông.

Khi bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng rút vòi lên, phi tang chứng cứ khiến lực lượng chức năng khó khăn trong xử lý. "Chúng không dùng phương tiện nổi để hút nữa, mà dùng những chiếc vòi gắn trực tiếp với máy vận hành tàu, đồng thời gắn thêm các thiết bị hỗ trợ hút cát có công suất rất cao, giấu kín dưới gầm tàu nên rất khó phát hiện", đồng chí Phó trưởng phòng CSGT đường thuỷ đánh giá.

"Cát tặc" không nhận tội nếu cơ quan chức năng không bắt được quả tang

Các đối tượng thường rất ngoan cố, không nhận tội nếu cơ quan chức năng không bắt quả tang.

Thực tế, cho thấy, nếu khai thác cát trái phép khi bắt tại trận, trên khoang chứa sẽ còn nước cát lẫn lộn, còn tàu vận chuyển đơn thuần chỉ là cát khô. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của lực lượng CSGT đường thủy và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, “cát tặc” khó có thể chối tội.

Với mức xử phạt vi phạm hành chính về khai thác cát từ 45-50 triệu đồng/hành vi, đây là mức xử phạt khá cao, tuy nhiên so với lợi nhuận thu được từ khoáng sản còn cao hơn nhiều lần nên “cát tặc” vẫn bất chấp và sẵn sàng nhờn luật, tái phạm thường xuyên.

Trước những tình hình phức tạp liên quan tội phạm khai thác trái phép khoáng sản, đại diện Phòng CSGT đường thuỷ cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng trước khi cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát dưới lòng sông, cần khảo sát kỹ khu vực cấp phép, đồng thời cần có biện pháp phối hợp chặt chẽ từ các cấp, ngành, sẵn sàng chiến đấu với tội phạm. Có như vậy, mới có thể ngăn chặn được tình trạng “cát tặc” như hiện nay.