Giang hồ Quốc lộ 1A phục thiện

ANTĐ - Trần Văn Thành (thôn 2, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) giờ là một chủ quán cơm, anh hiền khô, suốt ngày vô tư cười với khách. Không ai nghĩ gã từng là kẻ “trộm nhanh như chớp”, thuộc thành phần bất trị vào tù ra tội…

Khung cảnh ngôi miếu 

Hoành hành trên quốc lộ 1A

Quán cơm Thủy Thành có ông chủ “băm, chặt” giỏi, đông khách. Thành vừa nấu ăn, vừa phục vụ khách mỗi khi chỉ có một mình ở nhà. Gã cũng thích rượu, hễ gặp khách quen kiểu gì cũng “cụng” với nhau một chén. Nụ cười hiền, hay làm, Thành đã đuổi được hết những ám ảnh của quá khứ đi xa, và giờ bồi đắp cho tổ ấm của mình. Thành sinh năm 1962, cũng như bao nhiêu gia đình đông con khác ở Nghi Xuân, Thành cũng chẳng được học hành tử tế. Cạnh đường quốc lộ, cạnh nơi có nhiều thành phần bất hảo, vào lúc đang tuổi ăn tuổi lớn gã bị “gần mực” nên… nhuốm chàm! Thành dần dần trở nên hư hỏng, khó dạy.

Năm 14 tuổi, Thành đi bụi đời, vất vưởng nay đây mai đó, đến nỗi gia đình cũng chán chẳng đi tìm về. Bố mẹ Thành ngày đó còn phải oằn lưng làm lụng để nuôi nấng những đứa con còn ở lại nhà. Phải cho đến năm 18 tuổi, Thành được gia đình tìm về để đi nghĩa vụ quân sự với mong ước rèn được cho con thành người tốt. Mấy năm vất vả với không ít điều tiếng, cuối cùng gã cũng hoàn thành nghĩa vụ. Thành trở về những tưởng sẽ tu chỉnh làm ăn, nào ngờ lại ra kẻ trộm cắp, quậy phá, đánh nhau. Người dân ở trong vùng nghe thấy tiếng là đã sợ khiếp vía. 

Ở vùng này cũng có không ít người sa ngã, phần vì do không có học, dẫn đến dốt nát, không nhận thức được đâu là việc làm sai trái. Thành cùng với đám bạn không có công ăn việc làm, rủ rê nhau tung hoành và phạm tội. Buổi tối trên quãng đường vắng chạy qua tỉnh, Thành bàn mưu tính kế cùng đồng bọn chuyên đột nhập lên các xe tải, cắt hàng thả xuống đường. Liên tục các vụ trộm hàng xảy ra trên tuyến quốc lộ chạy qua khu vực khiến cánh lái xe cũng phải khiếp sợ. Đồ lấy được đem đi bán, lấy tiền đánh chén, bài bạc. Chưa hết, Thành còn tổ chức cướp của, đánh nhau, bài bạc và ba lần vào tù, ra tội. Cho đến năm 2006, sau khi đi “tăng” cuối, Thành ra trại và quyết định “rửa tay gác kiếm”. 

Khi trở về với mặc cảm, ân hận, Thành như kẻ ở ẩn, chỉ ở nhà phụ giúp với vợ con cùng mở quán cơm Thủy Thành bên Quốc lộ 1A. 6 năm quy ẩn giang hồ, xây dựng cuộc sống đến bây giờ, Thành mới tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc đời mình. Thành tâm sự: Xưa ở đất này, tôi cũng là bậc anh chị, nghĩ ra đủ trò cờ bạc, rồi gây rối, đánh lộn nhau. Kết cục vẫn là kẻ tay trắng, chẳng mang lại lợi ích gì cho dòng họ, gia đình. Cách trả ơn duy nhất với gia đình là phải tỉnh ngộ, làm ăn đàng hoàng.

Tấm lòng với người xấu số

Đến bây giờ người dân Nghi Xuân vẫn chưa thể quên được vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại km 474+978, Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) vào năm 2010. Mới tờ mờ sáng, dân làng đã phải thức giấc bởi những tiếng thét gào xé lòng lẫn với tiếng mưa xối xả. Xa xa ngoài dòng sông Lam nước vẫn cuồn cuộn, người dân xã Xuân Lam hốt hoảng khi nhìn thấy một tốp người bấu víu vào cột điện và đang thoi thóp kêu cứu. Vật lộn với lũ dữ, 17 hành khách may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng 20 người đã chết.

Là người dân ở khu vực này, Thành đã tận mắt chứng kiến cảnh kêu khóc thảm thương của người nhà nạn nhân xấu số, hương, hoa, vàng mã bị gió mưa đánh tơi tả. Không hiểu sao những giọt nước mắt của người thân từ xa đến nhận xác đã ám ảnh Thành trong từng giấc ngủ. Thương cảm cho những số phận đã phải nằm lại dưới lòng sông không có ai chăm sóc hương khói, cùng với sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm, Thành quyết định xây miếu thờ, trồng cây đa và hương khói cho những người đã khuất. Nghĩ là làm, Thành đã cùng vợ đi thuê thợ xây ngôi miếu, nơi vụ tai nạn xảy ra.

Gã cũng cho biết, mình làm việc này cũng mong sao chuộc lại những lỗi lầm trước đây gã đã gây ra. Cái cơ duyên mà Thành "cảm thấy có nợ" với những người đã khuất đã giúp con người từng một thời giang hồ này phục thiện. Thành kể, là người sống ở vùng này lâu năm, ngay cả khi còn sống kiếp giang hồ gã đã chứng kiến cung đường cạnh “eo” của sông Lam và núi Hồng này thường xảy ra tai nạn. Rất nhiều nạn nhân đã phải bỏ mạng nên gã đã từng có ý định xây một ngôi miếu thờ chung cho những linh hồn xấu số. Gã mong làm sao để họ “phù hộ”, cho cung đường này không còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Và phải đến khi chiếc xe khách đi để lại tai nạn thảm khốc thì Thành có quyết tâm hơn. 

Giờ gã đã có cháu nội gọi bằng ông, một người ông hiền lành. Gã tu chí làm ăn, quyết tâm đi theo đường sáng và hướng về những việc làm tích đức. Bè bạn cùng trang lứa với Thành nhiều người đã nhà cao cửa rộng, con cái học hành thành đạt, còn gã… mọi thứ dường như còn phải cố gắng nhiều. Tuy vậy, vẫn chưa là quá muộn cho một con người biết suy nghĩ.