Giản tiện lời chào

ANTĐ - Ông Bảo Bình đi đi lại lại bên chiếc tràng kỷ, trông có vẻ sốt ruột lắm, ông đương khó chịu bởi cậu Cả Tú, vì dạo này cậu đem lòng tương tư và đi lại với cô Mộng Thi, con út nhà may Thẩm bên Hàng Than.

Nghe đâu Mộng Thi không chỉ được trời phú cho nhan sắc mà còn thưởng cho nàng cả tính lẳng lơ. Đến lúc đồng hồ điểm 10 giờ đêm thì cậu Cả Tú khẽ lách cách cửa bước vào nhà. Thấy bố vẫn đứng ở phòng khách, cậu bèn khoanh tay, cúi người: “Con chào thầy ạ”. Bấy giờ ông Bảo Bình mới quay lại, đằng hắng: “Anh ngồi xuống đây, uống chén nước, tôi có chuyện muốn thưa với anh”. Cơ chùng như ông sắp sửa “chỉnh” cậu Tú một trận vì thói trăng hoa mà không lo gì tới chính nghiệp. 

Ngày bé, Lan học ở trường Tiểu học Quang Trung, bố Lan vẫn thường đưa đón bằng chiếc xe máy DD mầu đỏ cờ. Bấy giờ Hà Nội nhà nào có chiếc xe này là “oách” lắm. Mỗi sáng đi học, Lan không quên lên gác gặp bà, khoanh tay nói: “Cháu chào bà! Cháu đi học ạ!” rồi chạy xuống bếp khoanh tay chào mẹ : “Con chào mẹ! con đi học ạ!”. Mẹ Lan dúi vội cho gói xôi xéo bọc lá sen để trên đường đi học, ngồi sau xe bố, Lan ăn lót dạ. Khi Lan lên cấp 3, Hà Nội lúc này đông đúc người, xe lắm. Lan đã được sắm riêng cho chiếc xe ga thời thượng để đi học. Trước khi ra khỏi nhà Lan chỉ kịp chào toáng lên: “Cháu chào bà” , “Con chào bố”, rồi đi thẳng tuột ra cổng. 

Thêm vài năm, Lan bước vào giảng đường đại học. Lan bận hơn: vừa làm, vừa học, vừa tham gia hoạt động ngoại khóa. Thầy cô ở trường cũng đông hơn hồi trung học nhiều, mỗi khi gặp Lan chỉ kịp nói: “Thầy ạ!”, “Cô ạ”, mà khi nói nhanh, nghe như “Qụa?” 

Lời chào là nghi thức đầu tiên mà cũng là quan trọng nhất của giao tiếp. Nhân loại có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu kiểu chào. Ví như người Anh, Mỹ thì chỉ cần “Hi”, “Hello”, có dân tộc chào phức tạp hơn, khi chào thì cúi gập người xuống, một số dân tộc thì chắp tay trước ngực... 

Người Hà Nội xưa ăn nói trịnh trọng lắm. Đấy! ông Bảo Bình (1) muốn nói chuyện với con còn phải lịch lãm thế đấy! “Anh ngồi xuống, uống chén nước, tôi có chuyện muốn thưa với anh!”. Rồi tốc độ đô thị hóa Hà Nội nhanh tới chóng mặt, ai ai cũng bận rộn, nghi thức chào hỏi đã dần dần bị giản lược, cốt sao là chào. Từ: “Con chào cô ạ!” đến “con chào cô!” rồi “cô ạ”, “quạ”… thì đã rơi rớt đi bao nhiêu những ý nghĩa và giá trị văn hóa, tinh thần bao nén trong đó. 

Nhìn chung đã “giản” thì phải “tiện” hơn nhiều, nếu cứ vin vào là vì cuộc sống bận rộn, hiện đại mà giản lược lời chào cho nó “tiện” hơn thì đó chỉ là ngụy biện cho thói cẩu thả và sự vô ý thức trong việc gìn giữ nghi thức giao tiếp. Người Hàn Quốc hiện đại hơn ta nhiều mà mỗi buổi sáng con cháu đi làm vẫn vào lạy ông, bà ba lạy. 

Hồi bé, tôi được bố mẹ cho về thăm quê ở ngoại thành, lúc ấy thực sự tôi đã được chứng kiến một “bảo tàng sống” về nghi thức chào hỏi. Bố dẫn tôi tới từng nhà để chào hỏi những người trong họ, trong làng: ân cần hỏi thăm, tặng quà các cụ. Trước khi về lại tới chào một lần nữa. Khi nào con tôi đủ lớn, nhất định dẫn con cái về quê để “thị phạm” về những nghi thức chào ấy.