Gian nan xây dựng nhà hát “trực tuyến”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chưa bao giờ, các hoạt động biểu diễn lại gặp nhiều khó khăn như trong thời dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Trong hoàn cảnh ấy, một ý tưởng về việc xây dựng nhà hát trực tuyến đã được Bộ VH-TT&DL đề xuất, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất “cứu” các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, ngay từ khi còn trong “trứng nước”, ý tưởng này đã vấp phải những ý kiến trái chiều.

Bàn ra tính vào

Ý tưởng nhà hát online được Bộ VHTT&DL đưa ra trong thời kỳ Covid-19 giai đoạn đầu tiên. Ở thời điểm giãn cách xã hội, nhà hát ngừng hoạt động, nghệ sĩ không có cơ hội gặp gỡ khán giả nên giải pháp đưa tác phẩm lên nền tảng số, không phải ý kiến tồi. Thế nhưng, giám đốc các đơn vị nghệ thuật mỗi người một phách, không phải ai cũng đồng thuần với ý tưởng này.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến rất phù hợp trong thời điểm hiện tại, để duy trì và tăng cường kết nối giữa nghệ thuật và khán giả. Đơn vị có sẵn nhiều chương trình, song nếu chỉ đưa những chương trình này lên, thì khó hấp dẫn. Nhà hát trực tuyến phải có nhiều chương trình mới, phù hợp với không gian mạng và thị hiếu của cộng đồng mạng.

Hình ảnh trong chùm hài kịch "Đời cười" từng diễn hàng trăm suất của Nhà hát Tuổi trẻ.

Hình ảnh trong chùm hài kịch "Đời cười" từng diễn hàng trăm suất của Nhà hát Tuổi trẻ.

Đồng quan điểm này, NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, khi Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu ý tưởng, cá nhân anh đã rất ủng hộ. Anh còn xung phong sẽ hỗ trợ nhân lực và bàn kế hoạch triển khai Nhà hát online một cách bài bài. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, khi hỏi về việc này, NSƯT Xuân Bắc thành thật cho biết: "Chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể, chưa thành hình hài gì cả. Với lại hiện tại quá nhiều việc các đơn vị nhà hát phải lo, nên chưa nghĩ gì tới việc giới thiệu tác phẩm của mình ở nhà hát online cả".

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ phân tích, hiện điều kiện kỹ thuật của các nhà hát và sân khấu Việt Nam còn hạn chế, trong khi để thực hiện một chương trình biểu diễn trực tuyến, ngoài yêu cầu về sân khấu, hệ thống âm thanh phù hợp, còn cần thực hiện ghi hình dưới nhiều góc độ, mới truyền tải được toàn bộ tinh thần của tác phẩm.

Nhà hát online có mang lại nguồn thu?

Bên cạnh những khó khăn về phương tiện kỹ thuật, chất lượng chương trình, nhà hát trực tuyến vấp ngay phải thái độ hoài nghi về việc không có khán giả, sân khấu sẽ chẳng còn là sân khấu nữa. NSƯT Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam) nêu quan điểm không thể có nhà hát online. Vì nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật tiếp nhận trực tiếp giữa nghệ sĩ và khán giả. Vì vậy, kịch online là điều không thể. Diễn không có khán giả, nghệ sĩ sẽ không thể thăng hoa và khán giả ngồi trước máy tính cũng không cảm nhận được hết cái hay của loại hình này. Và nếu sân khấu phát trên nền tảng số thì nó đã chuyển sang hình thức nghệ thuật khác.

Khán giả hào hứng đến xem chương trình “Biển đảo là quê hương” của Liên đoàn Xiếc VN

Khán giả hào hứng đến xem chương trình “Biển đảo là quê hương” của Liên đoàn Xiếc VN

Đặc biệt, khi các tác phẩm sân khấu phát trên mạng internet, điều làm những nhà “cầm quân” lo ngại chính là nguồn thu từ những vở diễn như thế. Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ, dù biết sẽ được Cục NTBD hỗ trợ chi phí biểu diễn, tập luyện nhưng không biết làm cách nào để có thu nữa. Lâu rồi không được diễn nên anh em cũng buồn lắm. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để kết nối với khán giả bằng nhiều hình thức. Giai đoạn này có thể là online.

Trong khi đó, NSƯT Trịnh Kim Chi lại thẳng thắn chia sẻ, ở nhiều quốc gia, không bao giờ có chuyện đưa tác phẩm sân khấu lên truyền hình hay phát miễn phí trên mạng. Khán giả buộc phải mua vé xem trực tiếp hoặc trả phí xem trên mạng internet. Như thế, giá trị của nghệ sĩ và giá trị của tác phẩm mới thực sự được coi trọng.

Trước các thắc mắc này, NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, trước mắt, đề án tổ chức hoạt động nghệ thuật trên nền tẳng kỹ thuật số chưa coi việc kiếm nguồn thu là mục đích chính. Về lâu dài, các đơn vị nghệ thuật có thể chủ động phối hợp với nhà mạng để chia sẻ mục đích, lợi nhuận từ việc cung cấp chương trình. Các nhà hát có thể tận dụng, coi việc biểu diễn tác phẩm trên nền tảng số là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các chương trình mới của mình, chờ khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì khôi phụ các hoạt động biểu diễn tại rạp hát cũng rất cần thiết.