Gian nan tìm người bị hại

(ANTĐ) - Trong nhiều vụ án, do người bị hại không có ý thức trình báo cơ quan công an nên đã gây khó khăn cho lực lượng điều tra trong việc hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm đối tượng trước pháp luật…

Gian nan tìm người bị hại

(ANTĐ) - Trong nhiều vụ án, do người bị hại không có ý thức trình báo cơ quan công an nên đã gây khó khăn cho lực lượng điều tra trong việc hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm đối tượng trước pháp luật…

Khi xảy ra vụ việc liên quan, người bị hại cần đến trình báo cơ quan công an (ảnh minh họa)

Khi xảy ra vụ việc liên quan, người bị hại cần đến trình báo cơ quan công an (ảnh minh họa)

Khi người bị hại không trình báo

Qua tìm hiểu tại công an các quận, huyện và phòng nghiệp vụ CATP, được biết trong quá trình thụ lý các vụ án về hình sự, nhất là các vụ cướp giật tài sản và trộm cắp xe máy, hầu như điều tra viên nào cũng gặp khó khăn khi phải tìm người bị hại để hoàn tất hồ sơ, xử lý đối tượng theo qui định của pháp luật. Điều tra viên Kiều Đình Vinh ở Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAQ Hoàn Kiếm kể, vào một tối tháng 8-2009, một đối tượng cướp giật túi xách của một phụ nữ ở khu vực trước cửa chợ Hôm, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng chạy đến phố Hàng Bài, phường Hàng Bài thì bị lực lượng công an và nhân dân quận Hoàn Kiếm bắt giữ.

Tuy nhiên, người bị hại của vụ cướp giật không đến trình báo cơ quan công an. Để hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý được đối tượng theo qui định của pháp luật, điều tra viên của Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAQ Hoàn Kiếm phối hợp cùng với CAP Hàng Bài khẩn trương tổ chức xác minh. Thức trắng đêm tìm tung tích bị hại, đến 4h sáng, tổ công tác mới xác định người phụ nữ bị cướp giật túi xách trú tại phố Trần Xuân Soạn. Chị này cho hay, do bị ngã xuống đường xây xát mặt mũi nên đã bảo “xe ôm” chở tới bệnh viện để sơ cứu, sau đó về nhà ngủ (!)…

“Trong vụ này, tuy người bị hại không trình báo nhưng chúng tôi cũng đã tìm được để phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm. Nhưng còn nhiều vụ cướp giật tài sản khác đã xảy ra, cơ quan công an gặp phải trở ngại do chính từ phía người bị hại không có ý thức trình báo” - Điều tra viên Kiều Đình Vinh cho biết, trước đó, tổ công tác của Trung đoàn CSCĐ - CATP tuần tra tới khu vực phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng phát hiện 2 đối tượng cướp giật dây chuyền của một phụ nữ đang đi xe máy tại đây, đã tích cực truy đuổi. Tới địa bàn phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, các chiến sỹ CSCĐ đã bắt giữ được 2 đối tượng, thu hồi sợi dây chuyền và bàn giao cho CAP Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Ngay sau đó, CAP Tràng Tiền tới CAP Ngô Thì Nhậm xác minh, được biết người bị hại đã không đến CAP sở tại trình báo nên việc xử lý đối tượng rất khó khăn.

Khó khăn trong xử lý tội phạm

Trung tá Nguyễn Văn Chuyên - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAQ Hoàng Mai cho biết, trong các vụ cướp tài sản đôi nam nữ tâm sự tại các khu vực vắng vẻ, một số người bị hại do tâm lý e ngại chuyện tình cảm và mối quan hệ “riêng” của mình bị “lộ” nên không đến trình báo cơ quan công an. Chỉ đến khi cơ quan công an qua điều tra, bắt giữ đối tượng, thu hồi tang vật mới lần ra được bị hại của vụ cướp tài sản. Tuy nhiên, có vụ tìm được người bị hại, có vụ không tìm được, gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án để xử lý đối tượng trước pháp luật. Trong tháng 9-2009, CAQ Hoàng Mai đã bắt giữ một ổ nhóm gồm 4 đối tượng dùng hung khí đã gây ra trên 20 vụ cướp tài sản của các đôi nam nữ tâm sự tại các khu vực công cộng trên địa bàn thành phố; nhưng cơ quan điều tra mới làm rõ được 3 người bị hại, số còn lại hiện vẫn đang tiếp tục xác minh.

Trước đó, CAQ Hoàng Mai đã từng khám phá thành công nhiều ổ nhóm trộm cắp xe máy lớn; có vụ thu hồi hàng chục xe máy các loại, trong đó có loại xe đắt tiền như SH. Mặc dù xe không bị đục phá số khung, số máy, còn nguyên BKS và khi tra cứu tại Phòng CSGT - CATP, CAQ Hoàng Mai xác định được chủ sở hữu gốc của xe trú ở quận Cầu Giấy. Nhưng do xe được mua bán trao tay qua nhiều chủ mà không thực hiện việc sang tên, đổi chủ, nên việc tìm được người chủ sở hữu hiện tại để trao trả tài sản cho họ đành “bó tay”.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Chuyên, trong những trường hợp như vậy, biện pháp duy nhất để “nối” thông tin đến người bị hại là cơ quan công an phải nhờ tới các phương tiện truyền thông đăng tải thông báo tìm chủ sở hữu tài sản, tìm người bị hại… Có người bị hại sau khi đọc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận được đúng đặc điểm tài sản bị mất của mình, đã tới cơ quan công an để nhận lại như trường hợp một lái xe taxi của một hãng tư nhân ở Hà Nội, qua đọc Báo ANTĐ được biết CAQ Hoàn Kiếm thông báo đang tạm giữ 1 xe máy Wave Alpha vô chủ, còn mới, BKS và SK, SM trùng khớp với chiếc xe máy của mình bị mất, đã đến CAQ Hoàn Kiếm để nhận lại tài sản và cũng đã nhận ra “lỗi” của mình là không trình báo để cơ quan công an phải tốn nhiều công sức, thời gian xác minh.

Theo điều tra viên Lê Trọng Ngọc - Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAQ Hoàng Mai, trong quá trình thụ lý các vụ án hình sự, việc làm rõ người bị hại chính là làm rõ phần khách thể của tội phạm bị xâm hại được Luật Hình sự bảo vệ. ở một số tính chất vụ án xảy ra, nếu không làm rõ được khách thể (người bị hại) thì không có căn cứ xử lý được đối tượng mặc dù hành vi phạm tội rất rõ và cơ quan công an có đủ tài liệu để chứng minh. Do vậy, để “tháo gỡ” khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tài sản, người bị hại cần có ý thức trình báo cơ quan công an để cơ quan chức năng có toàn bộ thông tin về tang vật, thời gian, địa điểm xảy ra, đặc điểm nhận dạng đối tượng cũng như phương tiện đối tượng sử dụng để gây án; căn cứ vào đó các đơn vị công an truy xét, lần ra tội phạm để xử lý nghiêm trước pháp luật…

Trung Hiếu