Gian nan phòng chống dịch tả lợn châu Phi

ANTD.VN - Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch tả lợn châu phi nhiều địa phương đã đưa ra phòng chống dịch tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tính đến ngày 2-3 đã có 7 địa phương xuất hiện ổ dịch lợn tả châu Phi. Để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho người chăn nuôi công cuộc phòng chống dịch đang được tập trung triển khai tại các địa phương.

Tốc độ lây lan nhanh dù đã căng sức phòng ngừa

Như ANTĐ đưa tin, Hải Dương là tỉnh thứ 7 trên cả nước phát hiện ổ dịch lợn tả châu Phi. Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn tại hộ chăn nuôi ông Hoàng Văn Chinh ở xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, Hải Dương.

Sáng 2-3 các cơ quan chuyên môn thú y Trung ương và địa phương hoàn thành việc chôn tiêu hủy 90 con lợn của gia đình ông Hoàng Văn Chinh đồng thời tiến hành lấy mẫu, cho tiêu hủy lợn tại hai trại kế bên để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời tổ chức tiêu độc, sát trùng, lập vành đai, chốt kiểm soát dịch bệnh theo đúng quy định.

Như vậy, hiện nay có 7 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi sau khi Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chính thức công bố 2 tỉnh có dịch ngày 19-2. Ngoài Hải Dương, 6 tỉnh, thành còn lại, bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam và Hà Nội.

 

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Hải Phòng

Là địa phương giáp ranh với Hải Phòng và Hải Dương đều đang có dịch tả lợn châu Phi, Quảng Ninh còn giáp Trung Quốc, nên rất lo dịch tả lợn châu Phi tràn vào. Ngay đầu tháng 3, tỉnh này đã phải thành lập chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh.

Các chốt kiểm soát liên ngành của Quảng Ninh sẽ hoạt động 24/24 giờ, từ ngày hôm nay, 3-3-2019, với sự phối hợp của Công an tỉnh, Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, Thú y các huyện, thị xã.

Khi phát hiện việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y có thẩm quyền sẽ tiến hành khử trùng, tiêu độc và xử lý theo quy định hiện hành.

Các địa phương “gồng mình” phòng chống dịch

Theo Thanh Niên, ngày 25-2, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND H.Yên Định (Thanh Hóa), cho biết huyện này đã quyết định công bố dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn, đồng thời triển khai đồng bộ biện pháp phòng chống dịch.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch, UBND H.Yên Định đã thành lập 2 tổ cơ động, 8 chốt kiểm dịch túc trực 24/24 giờ để nghiêm cấm, ngăn chặn người dân đưa heo ra vào vùng dịch, đồng thời phun hóa chất tiêu độc, khử trùng theo quy định...

Trong chiều 25-2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác của Bộ đã về kiểm tra, chỉ đạo công tác xử lý, phòng chống dịch tả heo châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa.

Cũng trong sáng 25-2, Sở NN-PTNT TP.HCM đã chủ trì hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y TP, thông tin, từ ngày 3-8-2018 đến 17-2-2019 trên thế giới đã phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại 19 quốc gia.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, trong trường hợp TP xuất hiện dịch bệnh tả heo châu Phi thì theo quy định sẽ hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo bị tiêu hủy; đồng thời cũng tập trung triển khai đồng bộ biện pháp phòng chống dịch.

Gian nan phòng chống dịch tả lợn châu Phi ảnh 2 

Lợn nhiễm bệnh được mang đi tiêu hủy

Tại Thái Bình, sau khi ở dịch lợn tả châu phi được phát hiện tại hai huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ, cChủ tịch UNBD tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương và người dân kiên quyết không để tình trạng tiêu hủy lợn chết tự do, không để xảy ra hiện tượng vứt lợn chết trên sông, ngòi, ao, hồ, đầm dẫn tới nguồn bệnh lây lan ra diện rộng.

Bên cạnh nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khi phát hiện có dịch phải khẩn trương tổ chức tiêu hủy lợn theo đúng quy trình, quy định và tổ chức tiêu độc khử trùng triệt để tại nơi có dịch và vùng lân cận; Kiểm soát chặt chẽ sự di biến động đàn lợn và ngừng hoạt động giết mổ, vận chuyển sản phẩm lợn ra ngoài. Trước mắt, toàn tỉnh Thái Bình sẽ ra quân thực hiện tuần lễ vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 2-3.

Cùng với Thái Bình, tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu chăn nuôi và hàng ngày người dân phải triển khai tiêu độc khử trùng quanh khu vực. Khi phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, người dân phải báo cáo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng để tiêu hủy.

Trong quá trình tiêu hủy, các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, nghiêm cấm tình trạng bán chạy lợn bị bệnh. Ngành Nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân không nên tái đàn lợn ở thời điểm này.

Hà Nội đưa công điện khẩn phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Trước những diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vừa mới ban hành Công điện khẩn cấp chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các yêu cầu, nhiệm vụ chủ động công tác phòng chống dịch bệnh.

Gian nan phòng chống dịch tả lợn châu Phi ảnh 3 

Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chôn lấp heo bệnh

Công điện của UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công Thương, Công an Thành phố, Giao thông vận tải, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến phòng chống dịch bệnh.

Công điện yêu cầu các đơn vị trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...). Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phòng chống dịch đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn biết chủ động phòng, chống dịch. Đặc biệt đối tượng là người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, sản phẩm từ lợn. Đồng thời làm tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng, mở rộng các hình thức chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiếu nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch.

Hiện nay, vẫn chưa có vaccine phòng chống, điều trị dịch tả lợn châu Phi và gần như 100% cá thể lợn mắc loại vi rút này đều chết. Vì vậy, để phòng chống dịch lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại các địa phương cần tăng cường kiểm soát, chủ động phòng chống dịch, phun hóa chất, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn ngừa dịch.