Gian lận phiếu bầu làm sai lệch kết quả bầu cử có thể bị phạt tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Luật Bầu cử  đại biểu Quốc hội  và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định rõ về các hành vi vi phạm trong bầu cử. Theo đó, đối tượng có hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 68 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định, những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:

Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử;

Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Còn theo Điều 95 của Luật này, người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người dân theo dõi danh sách cử tri đã được niêm yết

Người dân theo dõi danh sách cử tri đã được niêm yết

Về xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định cụ thể 2 tội danh liên quan đến bầu cử, đó là Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160) và Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161).

Điều 160 BLHS nêu rõ, người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.

Phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân thì bị phạt tù từ 1-2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Về Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, theo Điều 161, người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Phạm tội có tổ chức hoặc dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân thì bị phạt tù từ 1-3 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Mặt khác, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong danh sách ứng cử hoặc không được công nhận tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND (nếu đã được bầu).