Gian lận BHXH bằng cách khoán việc thay vì ký hợp đồng thời vụ

ANTD.VN - Để giảm chi phí, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhiều doanh nghiệp đã “lách luật”, áp dụng hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán thay vì hợp đồng lao động.

Phải xác định rõ loại hình hợp đồng không trọn thời gian để bảo vệ quyền lợi người lao động

Theo quy định của Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1-2018, người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động và công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Trước đây, khi ký kết hợp đồng lao động thời vụ đối với người lao động, doanh nghiệp thường khoán trọn một cục (tiền lương) trong đó đã bao gồm các khoản về chế độ BHXH, BHYT và bản thân người lao động phải tự lo liệu.

Quy định đóng BHXH bắt buộc cho lao động thời vụ vừa mở rộng diện bao phủ BHXH vừa hạn chế thực trạng từ các doanh nghiệp ký hợp đồng dưới 3 tháng để né luật, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Theo ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), quy định về BHXH bắt buộc đối với lao động ngắn hạn đòi hỏi doanh nghiệp phải chỉ trả thêm một khoản kinh phí. Bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ quy định của Luật BHXH, còn nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách chuyển đổi thành hình thức giao kết hợp đồng: từ hợp đồng lao động thành hợp đồng thuê khoán.

Từ thực tế triển khai, BHXH Việt Nam cho biết, theo thống kê cả nước có khoảng 2 triệu người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5-2018, cả nước mới có trên 8.000 người lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng tham gia BHXH. Ngoài việc chuyển đổi hình thức giao kết để trốn đóng BHXH, có doanh nghiệp còn trốn đóng BHXH thông qua việc ký hợp đồng lao động với người lao động làm việc trên 3 tháng nhưng chỉ ghi trên giấy tờ với thời hạn 2 tháng, 2 tháng 28 ngày…

Để khắc phục những tồn tại trên, ông Mai Đức Thiện cho biết, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung về loại hình hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, phải làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán…vốn chưa được đưa vào trong luật lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua.

Hiện nay, loại hình hợp đồng công việc không trọn thời gian (công việc tạm thời và có tính thay thế) đang được người lao động gia tăng sử dụng. Do đó, khi sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 cần nhận diện và đưa ra định nghĩa rõ loại hình công việc này: Làm việc ít hơn thời gian chính thức là như thế nào? Công việc không trọn thời gian là 4, 5 hay 7 giờ trong ngày? Quy định cụ thể về loại hình này cũng là cách để giúp cơ quan BHXH, tiền lương xác định những quy định liên quan.