Gian dối thay thế người được giám định trong vụ án hiếp dâm trẻ em, phạm tội gì?

ANTD.VN - Nguyễn Thị H. (SN 1978) là chị gái của Nguyễn Quốc T. (SN 1985, là bị can đang bị điều tra trong vụ án hiếp dâm trẻ em). Quá trình tìm hiểu, H. biết nếu nạn nhân trên 13 tuổi thì Nguyễn Quốc T. sẽ không phạm tội hiếp dâm trẻ em. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Vì muốn em trai mình được nhẹ tội, Nguyễn Thị H. đã nhờ Hà Thị Q. đi giám định độ tuổi để thay thế nạn nhân trong vụ án hiếp dâm và được Hà Thị Q. đồng ý. Trong quá trình làm thủ tục đề nghị giám định tuổi như đơn xin giám định, các thủ tục khám sơ bộ như phim chụp X-Quang xương đầu, tay, chân và răng tại bệnh viện đều mang tên nạn nhân nhưng người được khám, giám định lại là Hà Thị Q. Bản kết luận giám định pháp y về độ tuổi kết luận nạn nhân có độ tuổi từ 14 năm 9 tháng đến 15 năm. Nguyễn Thị H. đã làm đơn và giao nộp Bản kết luận trên cho cơ quan tiến hành tố tụng. Kết quả giám định này sẽ có lợi cho bị can Nguyễn Quốc T. vì tính thời điểm T. phạm tội, nạn nhân có độ tuổi trên 13 tuổi. Như vậy, Nguyễn Quốc T. sẽ không phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Nguyễn Thị H. đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức

Về bản kết luận giám định pháp y kết luận nạn nhân có độ tuổi từ 14 năm 9 tháng đến 15 năm là kết luận không đúng sự thật (giấy không có giá trị), do tất cả tên, năm sinh, địa chỉ… trong hồ sơ yêu cầu giám định đều mang tên nạn nhân, tuy nhiên người được đưa đi giám định lại là Hà Thị Q. Kết quả giám định thực chất là của Hà Thị Q. chứ không phải của nạn nhân. Vì vậy, tôi cho rằng kết luận này được xem là giấy tờ giả.

Có thể thấy, mục đích chủ quan của Nguyễn Thị H. là làm giấy tờ giả để dùng nó lừa dối các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm mục đích gỡ tội cho em mình là Nguyễn Quốc T. Song H. không thể tự mình thực hiện được nên dùng thủ đoạn gian dối để đi giám định.

Như vậy hành vi của H. là hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, nếu các cơ quan chức năng không phát hiện kết luận giám định là sai sự thật thì có thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sai một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (hiếp dâm trẻ em) thành phạm tội nhẹ hơn (giao cấu với trẻ em), hoặc bỏ lọt người phạm tội. Vì vậy, hành vi của H. gây nguy hiểm cho xã hội, đủ yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc gài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đinh Quốc Trung (Ý Yên - Nam Định)

Phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

Trong trường hợp này, Nguyễn Thị H. đã có hành vi đánh tráo nạn nhân và giao nộp bản kết luận về độ tuổi của người khác cho cơ quan tiến hành tố tụng. Kết quả giám định này sẽ có lợi cho bị can Nguyễn Quốc T. Theo đó, tính đến thời điểm T. phạm tội, nạn nhân có độ tuổi trên 13 tuổi. Như vậy, Nguyễn Quốc T. sẽ không phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Hành vi của H. đã gây khó khăn cho công tác điều tra (cản trở điều tra) với mục đích làm cho em ruột của mình là Nguyễn Quốc T. được nhẹ tội. Việc đưa Hà Thị Q. đi giám định thay cho nạn nhân và cung cấp bản kết luận cho cơ quan điều tra là tài liệu trái pháp luật. Do đó, hành vi H. đưa Q. đi giám định để tạo ra bản kết luận về độ tuổi của nạn nhân là hành vi lừa dối cơ quan điều tra. Do đó, Nguyễn Thị H. đã phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo Điều 382, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đinh Thị Thà (Mai Châu - Hòa Bình)

Bình luận của luật sư

Qua nghiên cứu nội dung vụ việc, theo chúng tôi hành vi của Nguyễn Thị H. không phạm vào tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc gài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc gài liệu giả của cơ quan, tổ chức, thì:

- Về mặt khách thể của tội phạm: Tội phạm này là loại tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Đối tượng phạm tội là con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả.

Tuy nhiên, giấy tờ mà Nguyễn Thị H. sử dụng như đơn xin giám định pháp y, các giấy tờ thủ tục liên quan đến giám định pháp y cho Hà Thị Q. (là người giám định thay cho nạn nhân) đều là giấy tờ có thật do Nhà nước ban hành, việc H. viết tên người giám định bằng tên nạn nhân chỉ là điền thông tin của người giám định, không phải là làm giả giấy tờ, tài liệu. Mặt khác, bản kết luận giám định pháp y về độ tuổi là có chữ ký, con dấu là thật.

- Về mặt khách quan của tội phạm: Người phạm tội có một trong hai hành vi sau: Hành vi thứ nhất là làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: Là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể).

Hành vi thứ hai là sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.

Trong vụ việc này, Nguyễn Thị H. có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, cố ý thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục đề nghị  giám định tuổi cho nạn nhân trong vụ án hình sự đang được các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết; không trung thực khi cung cấp tài liệu biết rõ là không đúng sự thật cho cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, Nguyễn Thị H. không tự mình làm ra những tài liệu (giấy tờ, con dấu giả) của cơ quan, tổ chức, mà những giấy tờ, con dấu đó là hoàn toàn có thật, do Nhà nước ban hành, nên hành vi của H. không phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Căn cứ vào các tình tiết trong vụ việc, theo chúng tôi, Nguyễn Thị H. tham gia vào vụ án Nguyễn Quốc T. (bị can) đang bị điều tra trong vụ án hiếp dâm trẻ em với tư cách là người làm chứng (người làm chứng là người biết được các tình tiết có liên quan đến vụ án). Vì vậy, hành vi của Nguyễn Thị H. có dấu hiệu phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối quy định tại Điều 382, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó:

- Về mặt khách quan của tội phạm: Người làm chứng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, đó chính là hành vi bịa đặt ra những tin tức về sự việc phạm tội, về nhân thân người phạm tội hoặc các tình tiết về vụ án khi trình bày với cơ quan tiến hành tố tụng; cung cấp tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật cho các cơ quan tiến hành tố tụng; phủ nhận những sự kiện, tài liệu mà mình biết rõ là đúng sự thật…

Tội phạm hoàn thành khi người giám định, người phiên dịch, người làm chứng kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp tài liệu biết rõ là sai sự thật. Đối với hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng: Tội phạm hoàn thành khi người làm chứng ký tên vào biên bản ghi lời khai (trong giai đoạn điều tra); trình bày lời khai gian dối tại phiên tòa hoặc trao cho các cơ quan tiến hành tố tụng những tài liệu mà họ biết rõ là sai sự thật.

- Về chủ thể của tội phạm: Đối với hành vi khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật thì chủ thể của tội phạm là người làm chứng. Người làm chứng có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Người đại diện cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm cung cấp nhận xét của cơ quan, đoàn thể về thái độ lao động, tư cách đạo đức của bị can, bị cáo; về những chế độ, thể lệ, quy tắc mà bị can, bị cáo đã vi phạm cũng được coi là người làm chứng nên nếu họ cố ý cung cấp tài liệu sai sự thật cũng có thể là chủ thể của tội phạm này vì họ cũng có các quyền và nghĩa vụ của người làm chứng.

- Về mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật thực hiện tội phạm với hình thức lỗi cố ý. Điều này có nghĩa là người phạm tội đã cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu mà họ biết rõ là sai sự thật. Người phạm tội biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, gây cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử, có thể gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng khác nhưng vẫn cố ý thực hiện.

Trong vụ án này, sau khi có bản kết luận giám định pháp y về độ tuổi mà Nguyễn Thị H. biết rõ là sai sự thật nhưng H. đã làm đơn và giao nộp bản kết luận trên cho cơ quan tiến hành tố tụng; như vậy, tội phạm hoàn thành. Từ những phân tích nêu trên, Nguyễn Thị H. đã phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối quy định tại Điều 382, Bộ luật Hình sự năm 2015.

   Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)