Giảm ùn tắc giao thông: Phải nghe những ý kiến phản biện

ANTĐ - Nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, các cấp, ngành từ  Trung ương đến thành phố Hà Nội, đang xây dựng những phương án thí điểm. Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, đã trả lời phỏng vấn báo giới xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn báo giới trong buổi sáng 24-10

- PV: Nếu thực hiện các phương án thí điểm nhằm thiết lập lại TTATGT, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những vấn đề mới phát sinh. Thành phố Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Ông Phạm Quang Nghị: Chúng ta phải phân tích xem những vấn đề mới phát sinh là gì? Nếu như biện pháp đó đem lại lợi ích nhiều hơn, thì khó cũng phải quyết tâm thực hiện. Nếu phần phát sinh không cải thiện được tình hình, cần phải thận trọng xem xét và đây là đề xuất đang được tiếp tục cân nhắc.

- PV: Điều chỉnh giờ học, giờ làm có giảm được nhiều tình trạng ùn tắc giao thông và đâu là nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc?

- Ông Phạm Quang Nghị: Thực hiện giải pháp này sẽ cải thiện một phần nhất định, chứ không thể giải quyết một cách căn bản tình hình. Muốn giải quyết căn bản tình hình, thì các giải pháp phải đồng bộ và ưu tiên số một là phải cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng, tăng cường thêm năng lực hạ tầng giao thông. Bởi lẽ, nếu như xe nhiều, người nhiều, nhưng đường ít thì tất cả những biện pháp khác chỉ mang tính chất tình thế và chỉ giảm thiểu có mức độ nhất định thôi. Tiếp đến là những biện pháp về điều tiết các loại hình thực hiện giao thông cho hợp lý giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Trong giao thông công cộng có những loại hiện tại như xe buýt, nhưng sắp tới sẽ có đường sắt trên cao, đường sắt đô thị. Đây là những yêu cầu về tăng cường hạ tầng giao thông và vấn đề cốt lõi là phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

- PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn vấn đề này?

- Ông Phạm Quang Nghị: Thực ra, mật độ người và phương tiện giao thông của Hà Nội so với một số thành phố lớn khác trên thế giới chưa phải là nhiều. So sánh với Thái Lan, Singapore, Hồng Kông  thì ta không nhiều bằng họ. Thế nhưng, chúng ta đi lại rất lộn xộn do ý thức người tham gia giao thông không tốt. Mạnh ai nấy đi, chen lấn, vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, chạy không đúng tốc độ... Những cái đó phải chấn chỉnh và tăng cường biện pháp giáo dục, để mọi người thực hiện tốt hơn luật giao thông. Nếu ai cũng thực hiện tốt luật giao thông, ắt sẽ giảm bớt tình trạng tắc nghẽn. Để hỗ trợ tăng cường giáo dục nhận thức cho người dân, cần có những chế tài đủ mạnh, buộc người tham gia giao thông phải chấp hành. Do vậy, phải có mức phạt tương xứng với hậu quả do những người vi phạm gây ra. Chung quy lại, các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ và cùng với các biện pháp trên đây, phải tính cả việc điều chỉnh giờ giấc làm việc, học tập ở đâu, khu vực nào và phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định thực hiện.

- PV: Ông có thể cho biết phương án điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan, công sở ở Hà Nội như thế nào?

- Ông Phạm Quang Nghị: Thành phố Hà Nội đang cùng với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu vấn đề này. Cần phải nghe những ý kiến phản biện và điều tra dư luận xã hội xem hiệu quả ra sao, nếu thực hiện như vậy. Trong khi thực hiện sẽ phát sinh vấn đề gì và tôi không đề cập đến vấn đề không nên, hay thực hiện ngay việc điều chỉnh giờ làm, giờ học. Theo tôi, vấn đề này cần phải nghiên cứu thêm.

- PV: Thành phố Hà Nội có nên vận động cán bộ công nhân viên chức đi xe buýt tới công sở?

- Ông Phạm Quang Nghị: Thành phố Hà Nội chưa chủ trương như vậy. Bởi lẽ, khi thực hiện chủ trương gì, phải xem khả năng thực hiện ra sao. Tăng lượng người đi xe buýt là cần thiết, nhưng số lượng đầu xe buýt vẫn như hiện nay và ai cũng tập trung đi xe buýt, liệu xe buýt có đảm bảo được lưu lượng vận tải.

- PV: Theo ông, có nên hạn chế các phương tiện cá nhân như xe máy, môtô và ô tô trong tình hình hiện tại?

- Ông Phạm Quang Nghị: Nói đến hạn chế phương tiện cá nhân, phải tiến hành đồng thời các vấn đề nêu trên. Nhưng theo tôi, đối tượng nên quan tâm nhiều hơn là ô tô cá nhân.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!