Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất ngân hàng liệu có giảm?

ANTD.VN - Tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của TCTD bị kiểm soát đặc biệt có thể sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Đây là một trong những nội dung đang được đưa ra lấy ý kiến tại Dự thảo  Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng có thêm tiền để cho vay

Chiếu theo quy định của Dự thảo Thông tư, những TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ không phải đóng dự trữ bắt buộc. Những TCTD này bao gồm: Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank – sau khi bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và tiến hành tái cơ cấu), 3 ngân hàng thương mại mà NHNN mua lại giá 0 đồng là: Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank).

Còn các TCTD hỗ trợ sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định.

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng đối với VND là 3%, ngoại tệ là 8%; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đối với VND là 1% và ngoại tệ là 6%. Như vậy, những TCTD được giảm 50% dự trữ bắt buộc thì tỷ lệ này chỉ còn tương ứng là 1,5% và 0,5% (VND); còn 4% và 3% (ngoại tệ).

Nếu như trước đây ngân hàng huy động được 100 đồng, trước phải gửi lại 3 đồng cho NHNN thì nay chỉ phải gửi lại 1,5 đồng, còn lại 98,5 đồng để đưa ra thị trường thay vì 97 đồng như trước đó. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc được coi như một cách để hỗ trợ các ngân hàng tham gia tái cơ cấu.

Một số phân tích cho rằng việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp những ngân hàng được ưu đãi có nhiều vốn hơn để đẩy ra thị trường, từ đó góp phần giảm lãi suất cho vay.

Ba ngân hàng lớn đang hỗ trợ các TCTD yếu kém

Hiện tại, các TCTD hỗ trợ gồm có BIDV (hỗ trợ DAB), Vietcombank (hỗ trợ CB) và Vietinbank (hỗ trợ Oceanbank, GP bank). Đây là 3 ngân hàng có tổng số dư tiền gửi khách hàng chiếm tới trên 40% tiền gửi toàn hệ thống. Với thị phần lớn như vậy, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp mặt bằng lãi suất giảm xuống.

Nhưng lãi suất liệu có giảm?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán SSI, trên thực tế, thông tin này sẽ không có nhiều tác động đến chính sách tiền tệ.

Nguyên nhân thứ nhất là do từ dự thảo đến thực tế có độ trễ thời gian khá lớn và ngay cả trong trường hợp được ban hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm của từng ngân hàng sẽ còn phụ thuộc vào khoản hỗ trợ thực tế. Khoản hỗ trợ thực tế sẽ được xem xét và chấp thuận rất chặt chẽ và có thể thấp hơn nhiều con số 50%.

Thứ hai là tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện tại đã ở mức rất thấp (3% với tiền gửi VND dưới 12 tháng và 1% với tiền gửi VND từ 12 tháng trở lên), vì vậy nếu có giảm xuống 50% thì con số cũng là không đáng kể.

Thứ ba,  tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định là mức tối thiểu. Thực tế các NHTM có thể gửi NHNN vượt con số này và được hưởng lãi trên phần vượt, vì vậy việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu không đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền tương ứng.

Ngoài ra, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng điều kiện để các TCTD được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc rất khắt khe, vì vậy có thể TCTD mặc dù có tham gia hỗ trợ TCTD yếu kém cũng chưa chắc đã được hưởng quy định.

Ngoài ra, một số chuyên gia lại cho rằng việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể tạo một sân chơi không công bằng. Vì vậy, NHNN nên có những công cụ khác để bù đắp các TCTD đang hỗ trợ TCTD yếu kém, như giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu…), “đẩy” những khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại NHNN về cho những ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngay cả với các TCTD được mua lại với giá 0 đồng và TCTD yếu kém cũng nên áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như các ngân hàng khác, và có những chính sách khác để hỗ trợ họ.

Bởi, theo vị chuyên gia, dự trữ bắt buộc có 2 tác động, thứ nhất là dự trữ để ngân hàng thương mại giữ thanh khoản; thứ hai là công cụ để NHNN ảnh hưởng chính sách tiền tệ.

“Đây là công cụ bất cứ quốc gia nào cũng sử dụng bên cạnh công cụ lãi suất và công cụ thị trường mở” – vị chuyên gia cho hay.