Nghị định số 145/2013/NĐ-CP:

Giảm tối đa tổ chức lễ kỷ niệm

ANTĐ - Bộ VH-TT&DL vừa công bố nội dung Nghị định số 145/2013/NĐ-CP về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận khen thưởng và danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài…

Giảm thiểu lễ hội là hình thức chống lãng phí, thực hành tiết kiệm

428 ngày kỷ niệm trong một năm

Theo số liệu thống kê của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vào năm 2009, tổng số ngày kỷ niệm trong nước và quốc tế tại Việt Nam là 428 ngày, trong đó có 120 ngày lễ kỷ niệm trong nước (sự kiện quốc gia; ngày thành lập ngành, tái lập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), 308 ngày lễ kỷ niệm quốc tế (sự kiện quốc tế; ngày Quốc khánh các nước). Số liệu này chưa bao gồm ngày thành lập công ty, đơn vị, đón nhận danh hiệu Nhà nước trao tặng. Thời gian gần đây, số lần tổ chức  ngày kỷ niệm có xu hướng gia tăng mạnh. Thời gian tổ chức không chỉ vào năm chẵn mà cả năm lẻ, tạo sự ganh đua tràn lan.

Theo ông Phạm Văn Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, việc mời khách tới dự lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, ở nhiều nơi, nhiều lúc, không thực hiện đúng Điều 12 Quy định số 60-QĐ/TW. Nhiều nơi huy động quá nhiều quần chúng, mời khách, mời lãnh đạo quá đông. Việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa trong lễ kỷ niệm gây lãng phí, tốn kém, gây sự bất bình trong nhân dân. Bên cạnh đó, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, các hình thức khen thưởng cao, nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài còn bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi cho phù hợp. Và Nghị định số 145/2013/NĐ-CP chính là căn cứ để các ban, bộ, ngành địa phương thống nhất tổ chức thực hiện.

Không hát quốc ca qua bản thu âm

Với 14 chương, 62 điều, Nghị định được bổ sung một số ngày kỷ niệm mang tính chất quốc gia  cùng cả những quy định cụ thể các nghi lễ, giảm thiểu rườm rà, hình thức như:  “Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng; Trình bày diễn văn hoặc báo cáo: Chỉ “kính thưa họ tên và chức danh” lãnh đạo có chức vụ cao nhất... Trang phục trong các buổi lễ cụ thể: “Khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang”; hoặc “Không dùng phù hiệu, “nơ”, hoa cài ngực…”. Nghị định cũng chỉ rõ các đại biểu dự lễ phải hát quốc ca. Bắt đầu từ   16-12-2013, khi nghị định chính thức có hiệu lực sẽ chấm dứt việc hát quốc ca qua các bản thu âm sẵn như đã diễn ra trước đây. 

Tần suất, quy mô và cấp độ các ngày lễ, kỷ niệm sẽ giảm thiểu tối đa. Theo đó, một năm sẽ có 9 ngày lễ lớn: Tết Nguyên đán mùng 1 tháng Giêng (âm lịch), Ngày thành lập Đảng 3-2, giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 (âm lịch), Ngày thống nhất đất nước 30-4, Ngày chiến thắng Điện Biên phủ 7-5, Ngày sinh Chủ tịch   Hồ Chí Minh, ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Nghi lễ cấp Quốc gia chỉ được tổ chức vào năm tròn, năm chẵn. Ông Phạm Văn Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết thêm, Nghị định mới ban hành sẽ khắc phục được những bất cập trong công tác tổ chức lễ kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Điều này cũng phù hợp với xu thế hội nhập và thông lệ ngoại giao quốc tế.