Giảm thuế sâu để kích thích đầu tư

ANTĐ - Hôm qua, 29-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông nên lùi sâu về 20% thay vì 22% như dự thảo đề xuất.

Giảm thuế cũng là cách để giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: Phú Khánh

Nhiều ĐBQH đồng tình cao với đề xuất giảm từ 25% hiện hành xuống còn 22% và các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng mức thuế 20%. ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nói: “Nền kinh tế đang rất khó khăn, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, sức mua của thị trường thấp... nên việc xem xét giảm thuế là hết sức cần thiết”. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đồng tình: “Giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy đầu tư, tái đầu tư”. Đánh giá chính sách giảm thuế là đột phá, song ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh đó, Chính phủ cần có thêm những giải pháp cụ thể để giải quyết hàng tồn kho, giảm lãi suất, tìm thị trường xuất khẩu, khoanh nợ, giãn nợ... để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo lộ trình, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông sẽ còn 20% vào năm 2016. ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng, mức thuế phổ thông giảm về 22% là chưa thực sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài khi các nước đã điều chỉnh giảm mức thuế này. Mức giảm này cũng chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn. Mặt khác quy định như dự thảo khiến luật không ổn định, do vậy, nên giảm thuế suất xuống 20% và áp dụng luôn cho tất cả các doanh nghiệp. Cũng nghiêng về phương án giảm thuế sâu hơn nữa, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói: “Giảm xuống 22% chưa phải là giải pháp đột phá. Cần mạnh dạn giảm thuế xuống 20% cho cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ”. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cùng quan điểm: “Nếu đưa ngay xuống 20% và giảm tiếp xuống khoảng 18% vào những năm sau thì động viên được doanh nghiệp, khoan thư sức dân”.

Cẩn trọng hơn, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, giảm từ 25% xuống 22% là hợp lý bởi “nếu giảm nữa thì khó khăn cho ngân sách”. Ông nói thêm: “Lộ trình giảm thuế suất phải phù hợp với chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn hoạt động sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, đồng thời, giúp đẩy mạnh khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tiếp công dân. Theo đó, dự thảo quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, huyện lần lượt ít nhất 1 và 2 ngày trong tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở ít nhất 1 ngày trong tuần, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất. Theo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc tiếp công dân nhiều nơi còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng. Ngoài ra, tổ chức tiếp công dân còn thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Chiều 29-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật giáo dục quốc phòng - an ninh (QPAN). Cơ bản đồng tình với dự thảo, nhiều ĐBQH cùng chung nhận định, giáo dục QPAN trong trường học là rất quan trọng để phổ cập những kiến thức cơ bản nhất về QPAN, khơi dậy lòng yêu nước của thế hế trẻ. Dù vậy, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, với trường THPT, nếu đưa giáo dục QPAN là một môn học chính khóa sẽ thêm gánh nặng cho học sinh. ĐB Ngô Thị Minh kiến nghị, “nên chăng không coi là môn học chính khóa mà chỉ là môn học điều kiện bắt buộc, có thể bố trí học 2 tuần vào đầu năm học hoặc thời gian phù hợp trong năm học, kết hợp lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa”. Một số ý kiến khác đồng tình, nếu xem đây là môn học chính khóa sẽ làm cồng kềnh thêm bộ máy giáo viên. Trong khi đó, nếu chỉ là môn học điều kiện bắt buộc thì có thể bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của các sĩ quan quân đội, các cán bộ đoàn, đội để phổ biến kiến thức QPAN cho học sinh. 

Kiến nghị mở rộng ưu đãi thuế với báo chí

Góp ý vào dự thảo, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đánh giá cao đề xuất đưa báo chí vào diện ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (thu nhập từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo, được bổ sung vào diện áp thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm). Dù vậy, ĐB Hà Minh Huệ kiến nghị, Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế suất không chỉ đối với báo in mà cả đối với các loại hình báo chí khác (báo nói, báo hình, báo điện tử). Đồng thời, nên để thời gian áp dụng thuế đối với báo chí lên từ ngày 1-7-2013 thay vì từ ngày 1-1-2014.