Giảm thuế để phát triển sản xuất

ANTĐ - Ngày 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số chính sách thuế quan trọng. Quan điểm chung khi thảo luận về các sắc thuế này là phải đảm khoan sức dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời, không gây ảnh hưởng quá lớn đến nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn.

Giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Chính phủ đề nghị sửa đổi nhiều nội dung trong Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng, dự án Luật còn nhiều nội dung chưa rõ, trong khi đây lại là một văn bản pháp luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: “Tôi thấy dự thảo chỉ sửa 7 nội dung, nhưng đều là những điểm rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, nguồn thu ngân sách... Trong đó có 6/7 nội dung giao Chính phủ quy định là không ổn”. Ông Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý, tiếp tục trình lại dự án ra UBTVQH tại kỳ họp tháng 4 tới. Một số ý kiến khác cho rằng, để doanh nghiệp sớm được hỗ trợ từ việc sửa luật, dù được thông qua tại 1 hay 2 kỳ họp thì thời điểm có hiệu lực của Luật “cần phải là 1-1-2014 để đồng bộ với Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp”. 

Chiều 18-3, Chính phủ trình UBTVQH sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Theo tờ trình của Chính phủ, năm 2014, nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23%, dự kiến, giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng.  Theo tính toán, cứ giảm 1% thuế là ngân sách giảm 6.000 tỷ đồng. Dự kiến, nếu được Quốc hội thông qua, chính sách thuế mới sẽ có hiệu lực từ 1-1-2014.

Yêu cầu Chính phủ tính toán lại xem “tác động của chính sách vào sản xuất kinh doanh như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Bộ tính toán giảm 1% thuế sẽ giảm thu 6.000 tỷ đồng, nhưng chưa tính là sẽ có thêm bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn được sẽ đóng thuế thêm”. Ông đề nghị Chính phủ tính toán và cân nhắc khả năng giảm thuế TNDN về 20%. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ tính toán để “nếu giảm về mức 20% thì thuận lợi nhất”. Trong trường hợp chưa thể giảm ngay được thì cũng cần chỉ rõ lộ trình đến 1-1-2016 sẽ giảm xuống 20%. Ông Phùng Quốc Hiển phát biểu: “Lộ trình này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất phát triển. Chúng ta tăng thu từ phát triển sản xuất chứ không phải tăng thu từ nâng mức thuế suất". Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất quan điểm, đến 1-1-2014 áp dụng thuế suất 23% và 1-1-2016 giảm xuống còn 20%.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định, các quy định về mảng thực hành, tiết kiệm trong dự thảo còn mỏng, chưa bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển dẫn chứng: “Nhiều nội dung tiết kiệm liên quan đến toàn xã hội (tiết kiệm trong sử dụng đất, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí lễ hội, hội thảo, hội họp…) hiện nay đang là vấn đề bức xúc cần điều chỉnh theo hướng tiết kiệm hơn”. Tương tự, dự thảo cũng mới có 1 điều quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí và 1 điều về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Ủy ban Tài chính – ngân sách, quy định như vậy là chưa thể bảo đảm hình thành một cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả. Các quy định về chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu - cũng mới chỉ mang tính chung chung.  Dự luật cũng chưa đề cập đến việc ban hành cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi, không tính đến nguồn lực thực tế - nguyên nhân dẫn đến lãng phí lớn trên thực tế.