Giảm thủ tục, cấp bách triển khai hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy vậy, tại một số nơi vẫn còn không ít cá nhân không thuộc đối tượng được hỗ trợ vẫn cố tình khai báo thông tin sai sự thật để được nhận 1 khoản tiền…

Đến tận nhà dân chuyển tiền hỗ trợ

Là một trong trong những địa bàn đông dân của Thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã quyết liệt chỉ đạo các phường khẩn trương triển khai hỗ trợ cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội.

Theo ông Vũ Tuyết Thương - Trưởng phòng LĐ, TB&XH quận Hoàn Kiếm, đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là lao động tự do, còn theo Quyết định 3642 của UBND Thành phố Hà Nội là hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Tại Nghị quyết 15 của Thường trực HĐND Thành phố đã bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là lao động trong hộ kinh doanh, nhưng phải có hợp đồng lao động và được đóng BHXH, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội...

Như vậy, đối tượng được hỗ trợ khá nhiều với các mức chi khác nhau, dao động từ 500.000 - 1,5 triệu đồng.

Vào thời điểm Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, để hỗ trợ kịp thời cho người lao động, UBND quận đã chỉ đạo các ban - ngành sử dụng công nghệ thông tin, huy động các tổ dân phố, các tổ Covid cộng đồng xuống địa bàn trực tiếp hướng dẫn về thủ tục, phát tận nhà quà và tiền hỗ trợ cho người lao động.

Cán bộ đến tận nhà trao quà và tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19

Cán bộ đến tận nhà trao quà và tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận, việc triển khai hỗ trợ đã hoàn thành trên 50% (trên 9.100 trường hợp) với tổng số tiền đã chi khoảng 25 tỷ đồng.

Dự kiến đến hết tháng 12/2021, quận Hoàn Kiếm sẽ hoàn thành việc hỗ trợ đối với những đối tượng còn lại.

Cũng theo ông Thương, trên địa bàn quận có khoảng 2.000 lao động tự do tập trung ở các nhà trọ tại các phường Phúc Tân, Chương Dương và trong các công trình xây dựng.

Với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cần hỗ trợ đột xuất, ngoài việc triển khai thủ tục hỗ trợ theo Nghị quyết 68, quận còn tiến hành các gói hỗ trợ khác từ nguồn xã hội hóa. Chỉ tính từ 28-7 đến 5-10, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện hỗ trợ cho 862 hộ với số tiền gần 560 triệu đồng...

Khai gian để nhận tiền hỗ trợ sẽ bị phạt tiền, phạt tù

Điều đáng nói là tại một số địa phương, dù không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không ít cá nhân đã khai gian để được nhận 1 khoản tiền. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, một số người dân ở ấp Lộc Hoà (xã Bình Giã, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) là con, cháu, người quen của ông T.A.D, Trưởng ấp Lộc Hòa đã cung cấp thông tin sai sự thật để nhận hỗ trợ.

Được biết, sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Bình Giã đã thành lập đoàn kiểm tra về ấp xác minh và đúng là có tình trạng này nên đã thu hồi lại tiền từ 4 trường hợp nhận tiền hỗ trợ không đúng đối tượng.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 20 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 nêu rõ: "Cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự".

Người dân đến làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Người dân đến làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Như vậy, người nào kê khai gian dối để được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP tùy vào tính chất, mức độ vi phạm phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu số tiền trục lợi dưới 2 triệu đồng, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng (theo khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/CP).

Trường hợp số tiền trục lợi từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 - BLHS 2015, đồng thời phải hoàn trả lại số tiền đã trục lợi và bồi thường thiệt hại (nếu có) - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.